Phân Tích Và Đánh Giá Quy Định Về Cấp Dưỡng Giữa Cha Mẹ Và Con Cái

  1. 1. Phân tích và đánh giá quy định về căn cứ phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái
  2. 2. Phân tích và đánh giá quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con cái
  3. 3. Phân tích và đánh giá quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con với cha, mẹ

Phân tích và đánh giá quy định về căn cứ phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái

Theo khoản 24 Điều 3 LHN&GĐ 2014, căn cứ để phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con  bao gồm[1]: 

  • Thứ nhất, phải có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng: giữa cha, mẹ và con sẽ phát sinh quan hệ cấp dưỡng khi các chủ thể này có một trong hai quan hệ kể trên.
  • Thứ hai, giữa cha, mẹ và con không sống chung với nhau hoặc cha, mẹ hoặc con có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
  • Thứ ba, người được cấp dưỡng là người con chưa thành niên, là người con đã thành niên không có khả năng lao đông và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc là người cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.   Thứ tư, người phải cấp dưỡng (cha, mẹ hoặc con) phải có khả năng thực hiện nghĩa vụ. 

Thông qua những phân tích trên có thể thấy, những căn cứ quy định phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con của LHN&GĐ 2014 là hợp lí, thể hiện được sự đảm bảo về quyền lợi của người chưa thành niên cũng như người yếu thế trong xã hội bởi người thân trong gia đình, đồng thời là hành lang pháp lý vững chắc để củng cố quan hệ đạo đức giữa cha mẹ và con cái. 

Phân tích và đánh giá quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con cái

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con được quy định tại Điều 110, LHNGĐ 2014. Theo đó, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ phát sinh trong những trường hợp sau: 

► Thứ nhất, khi hôn nhân đang tồn tại giữa người cha và người mẹ nhưng người cha hoặc người mẹ không có điều kiện trực tiếp để nuôi con. Đây là những trường hợp cha, mẹ không chung sống với con vì lí do công tác xa nhà trong thời gian dài, đi lao động ngoại tỉnh, nước ngoài... con được giao cho người khác trông nom, chắm sóc thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. 

Quy định đã đảm bảo người cha, mẹ thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc chăm sóc con dù không trực tiếp sống chung, chăm sóc con, bên cạnh đó đám bảo được quyền lợi của con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 

► Thứ hai, khi cha, mẹ ly hôn, dẫn đến căn cứ “không sống chung” với con, cụ thể: 

- Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ sau ly hôn đối với con chưa thành niên:

Người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 là người chưa đủ 18 tuổi[2].Theo đó, LHN&GĐ 2014 căn cứ vào độ tuổi và khả năng của con làm điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con. Con chưa thành niên là đối tượng được sống và nhận sự chăm sóc, bảo bọc của cha mẹ, cần được chuẩn bị về mọi mặt về vật chất, tinh thần để trưởng thành, bước vào cuộc sống tự lập[3]. Vì vậy, khi cha mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng để bảo đảm quyền lợi cho con về mặt tài sản đến khi trưởng thành. Điều này là hợp lý để bảo đảm quyền lợi cho đứa trẻ. Tuy nhiên, trường hợp con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi theo quy định của BLDS 2015 được quyền tự mình tham gia các giao dịch dân sự, có tài sản riêng trừ các giao dịch về bất động sản và động sản cần đăng ký thì phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Thực tiễn cho thấy có những trường hợp con ở độ tuổi này có thu nhập riêng, vì vậy, pháp luật Việt Nam có thể học tập quy định của nước ngoài (ví dụ: Trung Quốc[4]) để “giải phóng” nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ trong trường hợp này. 

- Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ sau ly hôn đối với con đã thành niên:

Điều 110 LHN&GĐ 2014 quy định trường hợp con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với cha, mẹ. Theo đó, người con này có thể không có khả năng lao động do mất sức lao động, tàn tật hay mất năng lực hành vi dân sự... Và đồng thời phải có thêm điều kiện không có tài sản để tự nuôi mình. Quy định như vậy là hợp lý, đảm bảo được đời sống của người con là người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể thế nào là người con không có tài sản để tự nuôi sống mình, vì vậy rất cần có thêm quy định cụ thể để làm că cứ xác định việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ với con. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm một trường hợp được cấp dưỡng là con đã thành niên không có khả năng lao động, có tài sản nhưng không đủ để tự nuôi mình. Thực tiễn cho thấy có những trường hợp người có tài sản (ví dụ: xe, nhà ở...) nhưng do không có khả năng lao động cũng như các tài sản của họ không tự sinh lợi được, do đó vẫn cần được sự hỗ trợ, chu cấp về tài sản của cha, mẹ để đảm bảo nhu cầu thiết yếu[5]. 

► Thứ ba, trường hợp cha, mẹ sống chung với con nhưng có hành vi trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng thì phải chịu chế tài thực hiện nghãi vụ cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần phải bổ sung thế nào là trường hợp cha, mẹ trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng con để có thể áp dụng một cách thống nhất trong thực tiễn. 

>>> Xem thêm: Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Cho Con Sau Ly Hôn

Phân tích và đánh giá quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con cái

Phân tích và đánh giá quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con với cha, mẹ

Điều 111 LHN&GĐ 2014 đã đặt ra quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ. Theo đó, xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn và gia đình, các con không phân biệt giới tính, con đẻ, con nuôi, con trong thời kì hôn nhân, con ngoài hôn nhân đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ. Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ đặt ra trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Bên cạnh đó, con phải có khả năng về kinh tế, đủ đảm bảo được đời sống của mình vì vậy mà pháp luật đặt ra nghĩa vụ này chỉ dành cho con đã thành niên. Vì vậy, pháp luật vẫn để trống và cần bổ sung trường hợp con có thu nhập nhưng từ đủ 15 tuổi và dưới 18 tuổi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ nếu có tài sản riêng mà cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cùng với đó, phải bổ sung thêm trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và có tài sản nhưng không đủ để tự nuôi mình là đối tượng được cấp dưỡng. 

>>> Xem thêm: Giành Quyền Nuôi Con

---

[1] Xem Đào Thị Thúy Hằng, Cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2020, tr. 33. 

[2] Xem Điều 21  Mục 1 Chương III về Cá nhân của BLDS 2015. 

[3] Xem Trần Phương Mai, Cấp dưỡng theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn thi hành, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2018, tr. 26. 

[4] Bộ luật Dân sự Trung Quốc 2020 quyền V: Con từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã đi làm, tự tạo ra thu nhập hoặc phục vụ trong quân đội thì cha, mẹ không phải cấp dưỡng: https://vi.chinajusticeobserver.com/law/topics/civil-code . 

[5] Xem TCKS số 7/2019, Nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, 2020, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: https://vksndtc.gov.vn/cong-tac-kiem-sat/nghia-vu-cap-duong-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-hon-d10-t8739.html . 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết