Đánh Giá Về Thực Trạng Pháp Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Ở Việt Nam

  1. 1. Đánh giá về thực trạng pháp luật thuế thu nhập ở Việt Nam
  2. 2. Nghiên cứu kinh nghiệm thuế thu nhập doanh nghiệp của các nước trên thế giới
  3. 3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay

Đánh giá về thực trạng pháp luật thuế thu nhập ở Việt Nam

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chính sách thuế TNDN về cơ bản khá đầy đủ, từ đó đã hoàn thiện được khung pháp lý chắc chắn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Chính sách cũng ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn. Chính sách thuế TNDN hiện hành đã góp phần thực hiện các định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước: tiếp tục tạo môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh thuận lơi, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế; đã điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tạo nguồn thu cho NSNN; giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như góp phần hoàn thiện khung kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Số thu thuế TNDN cũng tăng dần qua các năm (năm 2016 đạt 161,82 nghìn tỷ, cao gấp 1,6 lần so với năm 2010).

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm chưa hợp lý trong quy định của pháp luật đã được nêu ở trên về thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi thuế thì vẫn còn những lỗ hổng khi thi hành trong thực tiễn. Chẳng hạn, luật thực định Việt Nam chưa đề cập đến vấn đề tránh thuế TNDN. Tránh thuế mặc dù là một thuật ngữ có vẻ mới lạ trong các văn bản quy phạm của pháp luật Việt Nam, nhưng trên thực tế,tránh thuế đã diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam,biểu hiện dưới hình thức chuyển giá,báo cáo lỗ để không phải nộp thuế TNDN và được chuyển lỗ cùng nhiều hình thức tránh thuế tinh vi khác.[1] Ví dụ: Kiểm toán Nhà nước trong những năm gần đây đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu tránh thuế thông qua hình thức chuyển giá, trong đó tiêu biểu là Tổng Công ty Cổ phần Bia–Rượu–Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Cổ phần Bia–Rượu–Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Bằng cách thành lập các công ty con là các cơ sở kinh doanh thương mại, hai công ty này đã thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con, không thấp hơn 10% so với giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp NSNN. Sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco phải truy nộp vào NSNN 408,8 tỷ đồng và Habeco là 920 tỷ đồng. Trong luật thực định của Việt Nam cho đến nay,vấn đề tránh thuế chưa được đề cập và giải quyết cụ thể. Đây chính là một lỗ hổng rất lớn để các doanh nghiệp tự do lợi dụng những chính sách ưu đãi của pháp luật thuế mà hưởng lợi, trong khi đó gây thiệt hại cho NSNN, tạo ra sự bất công trong phân bổ nguồn lực của toàn xã hội. 

Ngoài ra, môi trường quản lý thuế chưa tạo điều kiện cho công tác quản lý thu. Đối với cơ quan thuế: năng lực, trình độ quản lý thuế còn những điểm chưa đáp ứng so với yêu cầu quản lý thuế hiện đại, khoa học. Đối với người nộp thuế: tình trạng trốn thuế, lậu thuế, gian lận về thuế còn diễn ra, làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước, không đảm bảo tính công bằng xã hội. 

Đánh giá về thực trạng pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

Nghiên cứu kinh nghiệm thuế thu nhập doanh nghiệp của các nước trên thế giới

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy hầu hết các quốc gia cải cách thuế TNDN theo hướng khuyến khích, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng ; ngược lại do nợ công tăng cao một số ít quốc gia cải cách theo hướng tăng thu ngân sách từ thuế TNDN. Hai xu hướng chính như sau: (i) Thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông và tăng cường ưu đãi thuế để thu hút đầu tư; (ii) Tăng mức thuế suất phổ thông và mở rộng cơ sở thuế nhằm đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách. 

Theo đó xu hướng tăng/giảm đối với tỷ trọng thu từ thuế TNDN so với tổng thu từ thuế ở các nước cho thấy: Tỷ trọng thu từ thuế TNDN so với tổng thu từ thuế tại các nước OECD giảm trung bình từ 10,3% năm 2005 xuống 8,8% năm 2014. Một số nước trong khu vực Châu Á cũng giảm tỷ trọng thu từ thuế TNDN so với tổng thu ngân sách, chẳng hạn Xin-ga-po giảm từ 25,69% năm 2008 xuống 21,98% năm 2014; In-đô-nê-xi-a giảm từ 30,87% năm 2005 xuống 23,97% năm 2014; Thái Lan giảm từ 24,9% năm 2005 xuống 22,99% năm 2014… Tuy nhiên tại một số ít quốc gia khác ở khu vực Châu Á, tỷ trọng thu từ thuế TNDN so với tổng thu từ thuế có xu hướng tăng lên, ví dụ Ma-layxi-a tăng từ 46,78% năm 2005 lên 52,56% năm 2014; Phi líp-pin tăng từ 22,07% năm 2005 lên 24,78% năm 2014; Trung Quốc tăng từ 16,76% năm 2005 lên 17,82% năm 2015.[2]

Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước, việc học hỏi và rút kinh nghiệm từ các nước đi trước là điều cần thiết giúp Việt Nam hoàn thiện hơn về pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đạt được những kết quả như mong muốn trong quá trình cải cách.

Một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay

Thứ nhất, pháp luật quy định thuế TNDN cần ổn định hơn. Vì vậy khi ban hành một Luật thuế TNDN mới, những nhà lập pháp phải tính đến những điều kiện đảm bảo sự thi hành của luật và sự thay đổi, biến động của các điều kiện đó trong tương lai để dự trù xây dựng một luật thuế thích hợp. Yêu cầu ổn định không có nghĩa các quy định pháp luật về thuế TNDN cần phải duy trì mà không thể sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp phải cân nhắc kỹ trước khi ban hành, sửa đổi, bãi bỏ một hoặc một số quy định; bên cạnh đó, trước khi ban hành, cần xem xét chi tiết những điều kiện cần thiết để áp dụng loại thuế đó trong thực tiễn để đảm bảo sắc thuế đó có khả năng áp dụng lâu dài. 

Thứ hai, giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức hợp lý. Nên áp dụng mức thuế suất thuế TNDN trong khoảng 15% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý. 

Thứ ba, cần lựa chọn một trong hai hình thức ưu đãi thuế là ưu đãi về thuế suất hoặc ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế để tránh tình trạng gian lận nhằm được hưởng ưu đãi thuế nhiều lần, trốn tránh nghĩa vụ thuế. Theo đó, nên áp dụng ưu đãi về thuế suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển trong nền kinh tế cạnh tranh cao hiện nay và ưu đãi về miễn giảm thuế có thời hạn nên được áp dụng cho các lĩnh vực và địa bàn cần khuyến khích đầu tư, để định hướng sản xuất.[3]

Thứ tư, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống tránh thuế TNDN, đặc biệt chống chuyển giá. Những nội dung cụ thể cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá là:

  • (i) Cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, về lâu dài nên ban hành Luật Chống chuyển giá - đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập công ty mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...;
  • (ii) Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra chống chuyển giá; 
  • (iii) Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về thuế TNDN:

  • Cần có sự phối hợp với các cơ quan khác như cơ quan kiểm toán, thanh tra tài chính, phải phân định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh thanh tra chống chéo đối với các cơ sở kinh doanh, gây phiền hà và ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.
  • Cần đẩy mạnh công tác dự báo, tổng kết hành vi vi phạm để đề xuất các biện pháp phòng ngừa.

>>> Xem thêm: Phân Tích Thực Trạng Pháp Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Ở Việt Nam

Dam mục tham khảo

[1] Ngô Thị Thảo Phương, Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Ninh, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội 2018.

[2] ThS. Phạm Thị Thu Hồng, Thuế thu nhập doanh nghiệp: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM153227.

[3] TS. Nguyễn Minh Hằng, ThS. Nguyễn Hải Yến, Bất cập trong ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và một số đề xuất, Dân chủ và Pháp luật 2019 –Số 3, tr43-47.

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết