Bài Tập Tình Huống Môn Luật Sở Hữu Trí Tuệ - Đáp Án
luatapollo
Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một 2022
Tình huống:
Anh A là nhân viên của Công ty X tại Việt Nam thiết kế ra kiểu dáng máy bán hàng tự động khá độc đáo vào tháng 12/2019 theo nhiệm vụ Công ty giao. Khi muốn nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho thiết kế trên, Công ty X đã tra cứu và biết được kiểu dáng do anh A thiết kế không khác biệt đáng kể với kiểu dáng máy bán hàng tự động mà Công ty B đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp ngày 03/05/2009 trên cơ sở nộp đơn đăng ký ngày 03/05/2007 tại Hoa Kỳ nhưng chưa nộp đơn đăng ký tại Việt Nam.
1. Việc Công ty X sản xuất máy bán hàng tự động sử dụng kiểu dáng mà anh A thiết kế ra trên lãnh thổ Việt Nam có bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty B không?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố trên[1]. Theo đó, KDCN là kết tinh giá trị sáng tạo thẩm mỹ, là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, đáp ứng được những điều kiện của pháp luật để được bảo hộ độc quyền sở hữu trong một khoảng thời gian nhất định[2].
Theo Điều 5, Nghị định 105/2006/NĐ-CP(sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP và Nghị định 154/2018/NĐ-CP) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp được hiểu là hành vi sử dụng KDCN không được chủ thể quyền hoặc pháp luật cho phép, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền sử dụng hợp pháp KDCN đang được pháp luật bảo hộ[3].
Một hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về KDCN phải đảm bảo đầy đủ các căn cứ sau: Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng được bảo hộ quyền SHCN; có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; người thực hiện hành vi bị xem xẻ không phải là chủ thể quyền SHCN đối với KDCN và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật SHTT; hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Trong trường hợp của đề bài, việc Công ty X sản xuất máy bán hàng tự động sử dụng kiểu dáng mà anh A thiết kế ra trên lãnh thổ Việt Nam có bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty B là hành vi bị xem xét-hành vi bị nghi ngờ là hành vi xâm phạm và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận có phải là hành vi xâm phạm hay không.[4] Để xác định hành vi bị xem xét là hành vi xâm phạm QSHCN, hành vi đó phải đáp ứng đầy đủ bốn căn cứ của hành vi xâm phạm QSHCN.
Về hành vi của công ty X, xét đối tượng bị xem xét ở đây là kiểu dáng máy bán hàng tự động mà Công ty B đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp ngày 03/05/2009 trên cơ sở nộp đơn đăng ký ngày 03/05/2007 tại Hoa Kỳ.
► Thứ nhất, kiểu dáng máy bán hàng tự động của công ty B là đối tượng được bảo hộ QSHCN tại Việt Nam, cụ thể là kiểu dáng công nghiệp.
► Thứ hai, kiểu dáng máy bán hàng tự động của công ty B sẽ là đối tượng đang được bảo hộ quyền SHCN khi được xác lập dựa trên cơ sở đăng ký văn bằng bảo hộ. Theo đó, Điều 92 LSHTT hiện hành quy định bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là cơ sở để xác lập quyền SHCN đối với kiểu dáng máy bán hàng tự động của công ty B. Tuy nhiên, trong tình huống, công ty B chỉ có bằng độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ, hoàn toàn không có bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam, do đó chưa có căn cứ để xác lập QSHCN của công ty B đối với kiểu dáng máy bán hàng tự động này trên lãnh thổ Việt Nam.
► Thứ ba, cũng theo đề bài, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp của công ty B được cấp tại Hoa Kỳ và có hiệu lực vào ngày 03/5/2009 trên cơ sở nộp đơn đăng ký ngày 03/05/2007 và chưa nộp đơn đăng ký tại Việt Nam. Theo đó, tại thời điểm mà công ty X của Việt Nam sản xuất máy bán hàng tự động sử dụng kiểu dáng mà anh A thiết kế ra trên lãnh thổ Việt Nam có điểm khác biệt không đáng kể với kiểu dáng máy bán hàng tự động của công ty B là sau tháng 12/2019 thì công ty B vẫn chưa nộp đơn đăng ký tại Việt Nam. Do đó, có thể xác định công ty X không được bảo hộ QSHCN về KDCN Việt Nam đối với kiểu dáng máy bán hàng tự động của mình vì những lí do sau:
- Trường hợp của công ty X tại Hoa Kỳ, ta phải áp dụng quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định của LSHTT hiện hành để xác định quyền đăng ký văn bằng bảo hộ đối với KDCN của công ty X tại Việt Nam. Do Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, do đó công ty X sẽ được hưởng quyền theo nguyên tắc ưu tiên (Principle of Priority) trong việc nộp đơn đăng ký KDCN tại Việt Nam theo Điều 4 Công ước này: Bất kì người nào đã nộp đơn hợp lệ [...] xin đăng kí... KDCN... tại một trong các nước thành viên của Liên minh hoặc người thừa kế hợp pháp của người đó, trong quá trình nộp đơn ở các nước khác sẽ được hưởng quyền ưu tiên trong thời hạn nhất định.
- Điều 91 LSHTT Việt Nam hiện hành cũng quy định về nguyên tắc ưu tiên, theo đó công ty X sẽ được hưởng quyền ưu tiên nếu thỏa mãn các điều kiện về nơi nộp đơn là nước thành viên của Công ước Paris; do công dân của quốc gia này, đảm bảo quy định về thủ tục và đơn phải nộp trong thời hạn ấn định tại Công ước Paris[5]. Thời hạn được hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại Điều 4 C Công ước Paris đối với KDCN là 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên đối với KDCN. Theo đó, ngày nộp đơn đầu tiên của công ty X tại Hoa Kỳ là ngày 03/5/2007, thời hạn được hưởng quyền ưu tiên của công ty tại Việt Nam là hết ngày 03/11/2007. Do đó, đến thời điểm tháng 12/2019, thời hạn hưởng quyền ưu tiên nộp đơn đăng ký bảo hộ KDCN của công ty B đã hoàn toàn chấm dứt.
Do đó, có thể kết luận đối tượng bị xem xét không thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ QSHCN tại Việt Nam, công ty X sản xuất máy bán hàng tự động sử dụng kiểu dáng mà anh A thiết kế ra trên lãnh thổ Việt Nam không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty B.
2. Ngày 15/01/2020, Công ty X nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với thiết kế máy bán hàng tự động do anh A sáng tạo ra. Công ty X có được cấp văn bằng bảo hộ không? Vì sao? Công ty X có quyền ngăn cấm các Công ty khác sử dụng kiểu dáng máy bán hàng tự động do anh A thiết kế không?
► Thứ nhất, xem xét công ty X có đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ cho KDCN đối với kiểu dáng máy bán hàng tự động do anh A sáng tạo ra hay không: Theo Điều 63 LSHTT hiện hành, KDCN được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện: Có tính mới; có tính sáng tạo; có khả năng áp dụng công nghiệp. Theo dữ kiện đề bài, công ty X có thể sản xuất máy bán hàng tự động sử dụng kiểu dáng mà anh A thiết kế, do đó không cần xét đến tiêu chí có khả năng áp dụng công nghiệp. Xét trường hợp này ta thấy:
- Về tính mới, khoản 1 Điều 65 LSHTT hiện hành quy định, KDCN có tính mới là KDCN có khác biệt đáng kể với những KDCN đã bị bộc lộ công khai bằng văn bản hoặc bất kì hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng kí KDCN được hưởng quyền ưu tiên. Do đó, tính mới được đảm bảo bởi sự khác biệt đáng kể và chưa bị bộc lộ công khai.
- Về sự khác biệt đáng kể, kiểu dáng máy bán hàng tự động của A thiết kế cho công ty X theo đề bài Công ty X đã tra cứu và biết được kiểu dáng do anh A thiết kế không khác biệt đáng kể với kiểu dáng máy bán hàng tự động mà Công ty B đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp ngày 03/05/2009 trên cơ sở nộp đơn đăng ký ngày 03/05/2007 tại Hoa Kỳ nhưng chưa nộp đơn đăng ký tại Việt Nam. Do đó, kiểu dáng này không có sự khác biệt đáng kể so với KDCN của công ty B đã được công khai ở Hoa Kỳ. Do không đảm bảo về tính khác biệt đáng kể, kiểu dáng của anh A thiết kế không đảm bảo được tính mới của KDCN được bảo hộ.
- Về tính sáng tạo, theo Điều 66 LSHTT hiện hành, kiểu dáng máy bán hàng tự động của anh A thiết kế cũng không đảm bảo do có sự khác biệt không đáng kể so với KDCN đã được bộc lộ trước đó của công ty B tại Hoa Kỳ.
Từ đó, ta kết luận do kiểu dáng của anh A thiết kế không thỏa mãn tính mới và tính sáng tạo nên không đủ điều kiện để được bảo hộ KDCN theo Điều 63 LSHTT hiện hành, do đó không đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ KDCN.
► Thứ hai, Công ty X có quyền ngăn cấm các Công ty khác sử dụng kiểu dáng máy bán hàng tự động do anh A thiết kế không?
Quyền ngăn cấm các chủ thể khác sử dụng KDCN là quyền của chủ sở hữu KDCN theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 LSHTT hiện hành. Xét tư cách chủ thể quyền SHCN của công ty X, theo khoản 1 Điều 121 luật này, chủ sở hữu của KDCN là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ đối với KDCN. Do công ty X không đủ điều kiện để kiện để kiể dáng máy bán hàng tự động do anh A thiết kế được cấp văn bằng bảo hộ như phân tích trên nên công ty X không có tư cách chủ sở hữu KDCN và không có quyền ngăn cấm các công ty khác sử dụng kiểu dáng máy bán hàng tự động do anh A thiết kế.
>>> Xem thêm: Đánh Giá Thực Trạng Xâm Phạm Quyền Tác Giả Tại Các Cơ Sở Giáo Dục Đại Học Tại Việt Nam Hiện Nay
Danh mục tham khảo:
[1] Xem khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009 và 2019.
[2] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu Trí tuệ, NXB.Cand, HN, 2021, tr.150.
[3] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu Trí tuệ, NXB.Cand, HN, 2021, tr.246.
[4] Xem khoản 6 Điều 3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
[5] Xem điểm d khoản 1 Điều 91 LSHTT 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009, 2019.
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một 2022