Khởi Tố Vụ Án Hình Sự Theo Yêu Cầu Của Bị Hại - Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015

  1. 1. 1. Khái niệm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại theo quy định của BLTTHS 2015
  2. 2. 2. Phân tích quy định của BLTTHS 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
    1. 1. Các trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại 
    2. 2. Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố
      1. 1. ► Bị hại
      2. 2. ► Người đại diện của bị hại 
    3. 3. Hậu quả pháp lý của yêu cầu, không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố
      1. 1. ► Hậu quả pháp lý của yêu cầu khởi tố
      2. 2. ► Hậu quả pháp lý của không yêu cầu khởi tố
      3. 3. ► Hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố
  3. 3. 3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Khái niệm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại theo quy định của BLTTHS 2015

Để tìm hiểu khái niệm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, ta cần phải tìm hiểu một số khái niệm sau:  

  • Thứ nhất, bị hại theo quy định của BLTTHS 2015 [1]được hiểu là cá nhân, tổ chức bị tội phạm trực tiếp gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản. Người bị hại được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng công nhận khi xác định có dấu hiệu thiệt hại. Theo đó, người bị hại có thể là cá nhân (thể nhân) và cơ quan, tổ chức[2]. 
  • Thứ hai, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định sự việc xảy ra có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố vụ án hình sự[3]. 

Tuy nhiên, có những trường hợp khi khởi tố vụ án hình sự, có thể gây thêm những tổn thất khác cho bị hại. Do đó, pháp luật đã quy định một số trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền nhân thân hay tài sản, uy tín của bị hại thì sẽ cho phép khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại[4]. 

Từ những phân tích trên, ta có thể rút ra khái niệm về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, áp dụng đối với một số tội phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và một số quyền nhân thân của bị hại là cá nhân hoặc tài sản, uy tín của bị hại là cơ quan, tổ chức, theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi xác định có dấu hiệu của tội phạm chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại[5].

► Qua khái niệm, ta có thể rút ra một số đặc trưng như sau: 

  • Một, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một quy định đặc biệt so với quy định chung về khởi tố vụ án hình sự và một số nguyên tắc chung được quy định trong BLTTHS. Khác với các trường hợp thông thường, đây là tường hợp do tính chất của vụ án và vì lợi ích của bị hại, cơ có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật tố tụng hình sự để xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời căn cứ vào yêu cầu khởi tố của bị hại để ban hành quyết định khởi tố vụ án. Điều này thể hiện sự hài hòa giữa nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự với lợi ích chung của toàn xã hội, khi lợi ích của người bị hại không mâu thuẫn với lợi ích chung[6] và đồng thời không mâu thuẫn với nguyên tắc pháp chế trong tố tụng hình sự. 
  • Hai, quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại chỉ áp dụng đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nguy hiểm không cao. Theo Điều 155 BLTTHS 2015, chỉ trong một số trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xâm hại đến lĩnh vực sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và uy tín của bị hại và không có tình tiết tăng nặng7. 
  • Ba, yếu tố ý chí của bị hại hoặc đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần và thể chất hoặc đã chết có vai trò quan trọng, là điều kiện để khởi tố vụ án hình sự hoặc chấm dứt việc giải quyết vụ án. Đây là căn cứ bắt buộc phải có trước khi khởi tố vụ án. Nếu người bị hại, người đại diện không yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án. Nếu bị hại rút yêu cầu thì là cơ sở chấm dứt việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm không giới hạn ở giai đoạn tố tụng nhất định[7].

>>> Xem thêm: Các Giai Đoạn Thực Hiện Tội Phạm

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại - Bộ luật tố tụng hình sự 2015

2. Phân tích quy định của BLTTHS 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Các trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại 

Quy định tại Điều 155 BLTTHS 2015 tạo điều kiện cho bị hại để được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện công bằng xã hội và nguyên tắc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với hậu quả mình gây ra[8], Điều 155 giới hạn các trường hợp được khởi tố theo yêu cầu của bị hại:  

Điều 155 quy định có mười tội danh được khởi tố theo yêu cầu của bị hại bao gồm các tội danh được quy định tại BLHS 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 134); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Khoản 1 Điều 139); Tội hiếp dâm (Khoản 1 Điều 141); Tội cưỡng dâm (Khoản 1 Điều 143); Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155); Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Khoản 1 Điều 226). Tuy nhiên, ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS 2015. Theo đó, khoản 1, Điều 155 đã được sửa đổi, bỏ trường hợp áp dụng khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại khoản 1  Điều 226 BLHS 2015, sđ & bs 2017. 

Từ quy định của điều luật, ta có thể nhận thấy đặc điểm chung của các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị bại như sau: 

  • Một, đây là các tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng. Phần lớn là tội phạm ít nghiêm trọng, trừ trường hợp tội hiếp dâm tại khoản 1 Điều 141 BLHS và tội cưỡng dâm tại khoản 1 Điều 143 BLHS là tội phạm nghiêm trọng. Đây là các tội xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bị hại nên ý chí, nguyện vọng của bị hại cần được xem xét để tránh gây thiệt hại thêm cho họ. Có thể ví dụ đến các nạn nhân của tội hiếp dâm. Theo cẩm nang y tế MSD Manual, các sang chấn tâm lý của nạn nhân bị hiếp dâm đến từ trải nghiệm thương tích cơ thể, các triệu chứng bệnh lý và bị trầm trọng hơn nếu bị các đối tượng khác- trong đó có cơ quan có thẩm quyền- có phản ứng như yêu cầu họ tường thuật lại, chế giễu, phê phán hay phản ứng một cách tiêu cực nào khác[9].
  • Hai, các trường hợp này có tính chất nguy hiểm cho xã hội không cao. Hậu quả để lại chỉ dừng ở mức ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. 
  • Ba, các trường hợp này hậu quả của tội phạm đối với bị hại là không lớn. Điều này cũng được thể hiện tại quy định của BLHS khi tất cả các tội phạm đều được xếp trong trường hợp này là ở khoản 1 của điefu luật. 
  • Bốn, hậu quả của việc khởi tố vụ án trong các trường hợp này có thể gây ra những bất lợi nhất định đối với người bị hại, do vậy bị hại được lựa chọn cách thức xử lý đối với người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm gây thiệt hại cho mình. 

Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố

Điều 155 BLTTHS 2015 đã quy định cụ thể về chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố:

► Bị hại

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra theo khoản 1 Điều 62 BLTTHS 2015. 

Theo quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại, trừ tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì chín tội còn lại đều thuộc nhóm tội xâm hại tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, vì vậy người chịu thiệt hại từ hành vi phạm tội này chỉ có thể là cá nhân. 

Đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung 2019, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tên thương mại, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...[10] Vì vậy đối với tội danh này, chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố là cá nhân và cơ quan, tổ chức bị thiệt hại. Tuy nhiên, theo quy định của BLTTHS 2015, sđ & bs 2021, Điều 155 đã được sửa đổi và loại bỏ tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại khoản 1 Điều 226 BLHS ra khỏi nhóm tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố thực chất chỉ còn là cá nhân. 

► Người đại diện của bị hại 

Theo Điều 155 BLTTHS 2015, bên cạnh bị hại, một số trường hợp nhất định, người đại diện của bị hại cũng có quyền yêu cầu khởi tố vụ án. Đó là trường hợp người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. 

Theo đó, để bảo đảm trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết là những trường hợp bị hại bị mất hoặc hạn chế năng lực pháp luật tố tụng hình sự thì người đại diện của bị hại có quyền yêu cầu khời tố vụ án. Giá trị của yêu cầu của người đại diện có giá trị như yêu cầu của bị hại. Đồng thời, yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người đại diện của bị hại là yêu cầu độc lập, không phụ thuộc vào ý chí của bị hại.

Việc người đại diện của bị hại yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không loại trừ việc bị hại từ mình yêu cầu khởi tố vụ án hình sự[11]. Quy định về người đại diện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về đại diện. Quan hệ đại diện bao gồm đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật. Cả hai đều là những trường hợp đại diện hợp pháp theo quy định của BLDS 2015. 

Hướng dẫn về vấn đề này, dẫn chiếu đến Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 8/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, theo đó trường hợp người bị hại có nhiều đại diện hợp pháp thì những người này phải cử ra người đại diện để tham gia tố tụng. 

Trường hợp bị hại là cơ quan, tổ chức thì người đại diện có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Hậu quả pháp lý của yêu cầu, không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố

► Hậu quả pháp lý của yêu cầu khởi tố

Để khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại tại Điều 155 BLTTHS 2015, cần phải có hai yếu tố: Một là dấu hiệu tội phạm được xác định dựa trên các cơ sở được quy định ở Điều 134 BLTTHS; Hai là phải có yêu cầu của bị hại trước khi khởi tố. Nếu đảm bảo đủ hai yếu tố này thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố mới có thể đưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Yêu cầu của bị hại trong trường hợp này là điều kiện cần thiết và bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự[12]. 

Theo đó, hậu quả pháp lý của việc yêu cầu khởi tố trong các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là vụ án sẽ được khởi tố và giải quyết theo thủ tục chung. 

► Hậu quả pháp lý của không yêu cầu khởi tố

Việc không có hành vi yêu cầu khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tại Điều 155 BLTTHS là căn cứ để quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án. 

  • Đối với không khởi tố vụ án hình sự: tại Khoản 8 Điều 157 BLTTHS 2015, không yêu cầu khởi tố đối với tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu là một trong các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. 
  • Có hai trường hợp không yêu cầu khởi tố: Trường hợp không yêu cầu khởi tố dưới hình thức hành động-bị hại hoặc đại diện của họ có đơn yêu cầu hoặc trực tiếp trình bày, cơ quan có thẩm quyền có thể ra ngay quyết định không khởi tố vụ án. 
  • Trường hợp không yêu cầu khởi tố dưới hình thức không hành động- bị hại hoặc người đại diện của họ không có đơn yêu cầu hoặc không đến trực tiếp trình bày thì cơ quan có thẩm quyền chỉ ra quyết định không khởi tố vụ án khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm theoĐiều 147 BLTTHS 2015[13]. 
  • Đối với hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự: căn cứ khoản 1 Điều 158 BLTTHS 2015, nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại mà chủ thể quyền không yêu cầu thì “người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự.” 
  • Đối với đình chỉ điều tra: theo điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015, cơ quan diều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi có căn cứ tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu. Trường hợp sau khi có quyết định khởi tố vụ án, nếu cơ quan điều tra chưa tiến hành hoạt động điều tra thì hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự, nếu đã tiến hành hoạt động điều tra thì đình chỉ điều tra15. 
  • Đối với đình chỉ vụ án: Với Viện kiểm sát đình chỉ vụ án: căn cứ khoản 1 Điều 248, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án nếu có canw cứ tôi phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu. 
  • Với Tòa án đình chỉ vụ án: BLTTHS 2015 chưa quy định nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

► Hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố

  • Thứ nhất, Vụ án phải được đình chỉ: Căn cứ khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015, hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là vụ án sẽ phải được đình chỉ. Hậu quả pháp lý này thể hiện qua việc đình chỉ điều tra hoặc dình chỉ vụ án, tùy theo giai đoạn tố tụng xảy ra việc rút yêu cầu. Trong giai đoạn điều tra, nếu có yêu cầu rút thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra theo điểm a khoản 1 Điều 230; trong giai đoạn truy tố thì Việt kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 1 Điều 248; trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án theo điểm a khoản 1 Điều 282. 

Tuy nhiên, BLTTHS 2015 chưa có quy định về việc Tòa án phải đình chỉ vụ án nếu có yêu cầu rút yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa sơ thẩm và các giai đoạn tố tụng sau đó. Vì vậy, cần phải bổ sung thêm quy định nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà bị hại tự nguyện rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án và đình chỉ vụ án[14]. 

  • Thứ hai, Không có quyền yêu cầu khởi tố lại VAHS và chịu án phí:

Khoản 3 điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định chủ thể không có quyền yêu cầu khởi tố lại vụ án gồm “bị hại hoặc người đại diện của bị hại”. Đây là quy định bổ sung so với BLTTHS năm 2003 (chỉ có người bị hại không có quyền yêu cầu lại[15]). Trừ trường hợp bị hại rst yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức,

BLTTHS không cho phép bị hại đã rút yêu cầu khởi tố được yêu cầu lại. Khoản 3 Điều 136 quy định trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu vụ án bị đình chỉ do người dã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì bị hại phải trả án phí. Quy định bị hại chịu án phí là có cơ sở nếu bị hại là chủ thể yêu cầu và là chủ thể rút yêu cầu khởi tố. Tuy nhiên, trong trường hợp bị hại không yêu cầu khởi tố vụ án hoặc đã chết, việc yêu cầu khởi tố sẽ do người đại diện của bị hại thực hiện. BLTTHS hiện đang bỏ sót trường hợp này. 

3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Qua những phân tích về quy định pháp luật liên quan đến khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, cần có một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự để tạo được hiệu quả đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, tiết kiệm thời gian và giảm tải áp lực chi phí của xã hội.  

Đánh giá trên cơ sở BLTTHS 2015 mới được sửa đổi, bổ sung năm 2021, ta  nhận thấy được sự tiến bộ của cơ quan lập pháp Việt Nam khi nhận thấy quy định tại Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại. Theo đó, Khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố. Điều này đã bảo đảm việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay[16].

Bên cạnh đó, cần tiếp tục sửa đổi bổ sung BLTTHS theo hướng bổ sung các tội chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại tại khoản 1 Điều 155 như Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ...

Bổ sung thêm quy định về hình thức, nội dung và thủ tục yêu cầu khởi tố, rút yêu cầu khởi tố. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hình thức, nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Do đó, cần quy định yêu cầu khởi tố được thực hiện dưới hình thức nhất định, thống nhất, phục vụ tốt hơn trong quá trình giải quyết các vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Đồng thời, cần phải sửa đổi quy định đối với trường hợp có sự thay đổi về loại tội trong cùng một điều luật dẫn đến tội thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự. 

Cuối cùng, cần bổ sung quy định nhằm bảo đảm việc không yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố vụ án là ý chí chung của bị hại và người đại diện của họ nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắt trong trường hợp vụ án có bị hại và người đại diện mà trong đó có chủ thể không yêu cầu, có chủ thể yêu cầu; bổ sung các quy định tạo cơ sở pháp lý cho tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đình chỉ vụ án trong trường hợp bị hại và người đại diện không yêu cầu khởi tố, người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. [17]

---

[1] Điều 62 Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015. 

[2] Trần Thu Hạnh (2017), “Bị hại trong BLTTHS năm 2015 và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật”, Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 56.

[3] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, NXB. CAND, HN,2019, tr. 273. 

[4] Xem Lê Cảm (2004), “Một số vấn đề lý luận chung về các giai đoạn tố tụng hình sự”, Tạp chí Kiểm sát, tr.27. 

[5] Xem Nguyễn Tiến Long, Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2018, tr. 20. 

[6] Xem Lê Lan Chi, Nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr.29.  7 Sdd {2}, tr. 281. 

[7] Sdd {5} tr 23. 

[8] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự phần chung, NXB.CAND, HN, 2020. 

[9] MSD MANUAL: Bạo lực gia đình và tệ nạn hiếp dâm: https://www.msdmanuals.com/viBB%A7an%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-b%E1%BB%8B-hi%E1%BA%BFp-d%C3%A2m . 

[10] Xem khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2019.

[11] Xem Phạm Thái (2016), “Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại”, Luật học, tr.48. 

[12] Xem Nguyễn Đức Thái, Khởi tố vụ án hình sự trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường đại học Luật Tp HCM, 2015, tr.66. 

[13] Xem Mai Thanh Hiếu (2018), “Không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố đối với tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại”, Khoa học pháp lý, tr. 26.  15 Sdd {14}, tr. 29. 

[14] Xem Phạm Mạng Hùng (2016), “Vấn đề khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại trong BLTTHS năm 2015”, Khoa học kiểm sát, tr.6. 

[15] Khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

[16] Xem Lê Sơn (2021), “Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, Báo Chính phủ.  19 Xem Hoàng Thị Vân Anh, Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn, luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2019. 

[17] Xem Hoàng Thị Vân Anh, Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn, luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2019. 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *