Các Giai Đoạn Thực Hiện Tội Phạm - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022
- 1. Thế nào là các giai đoạn thực hiện tội phạm?
-
2. Chuẩn bị phạm tội
- 1. Khái niệm
- 2. Các hình thức của hành vi chuẩn bị phạm tội
- 3. Trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội
-
3. Phạm tội chưa đạt
- 1. Khái niệm
- 2. Các loại phạm tội chưa đạt
- 3. Trách nhiệm hình sự của phạm tội chưa đạt
-
4. Tội phạm hoàn thành
- 1. Khái niệm
- 2. Trách nhiệm hình sự của tội phạm hoàn thành
-
5. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
- 1. Khái niệm
- 2. Điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
- 3. Trách nhiệm hình sự của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Là một hiện tượng tiêu cực của xã hội, tội phạm là hành vi của con người diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Tùy vào việc tội phạm đã được thực hiện đến giai đoạn nào mà trách nhiệm hình sự sẽ có phần khác nhau. Vậy, có mấy giai đoạn thực hiện tội phạm? Các giai đoạn này được pháp luật quy định ra sao?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Các giai đoạn thực hiện tội phạm, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Thế nào là các giai đoạn thực hiện tội phạm?
Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các bước, các mức độ phát triển nhất định của tội phạm. Các giai đoạn này phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau của hành vi phạm tội ở từng thời điểm trong quá trình thực hiện tội phạm
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, các giai đoạn thực hiện tội phạm cố ý bao gồm:
- Chuẩn bị phạm tội
- Phạm tội chưa đạt
- Tội phạm hoàn thành
Chuẩn bị phạm tội
Khái niệm
Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
“1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, chuẩn bị phạm tội chính là việc người phạm tội có các hành vi cụ thể tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm để đạt được mục đích của việc phạm tội. Nói cách khác là người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội mới chỉ có những hành vi tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm cụ thể chứ chưa thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Ví dụ: để giết A, B đã về nhà lấy con dao đem đi mài thật sắc; hoặc để trộm cắp được tài sản của nhà hàng xóm, C đã tiến hành thăm dò thói quen sinh hoạt của gia đình hàng xóm để dễ lựa chọn thời điểm cũng như cách thức đột nhập để việc trộm cắp diễn ra thuận lợi.
Các hình thức của hành vi chuẩn bị phạm tội
- Tìm kiếm công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm: thể hiện bằng việc mua hay bằng bất kỳ con đường nào (hợp pháp hoặc bất hợp pháp hay mượn tạm trong thời gian nhất định) để có thể nhận được công cụ hay phương tiện thực hiện tội phạm.
- Sửa soạn công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm: thể hiện bằng việc chế tạo, làm mới, sửa sang, tân trang lại hoặc thay thế hình dạng, kích thước của công cụ, phương tiện để giúp cho việc thực hiện tội phạm hoặc che giấu tội phạm, cũng như người phạm tội.
- Cố ý tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm: là những hành vi không thuộc hai hình thức nêu trên (tổ chức hay thành lập băng nhóm tội phạm, soạn thảo kế hoạch, nghiên cứu địa điểm phạm tội….)
Trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội
Hành vi chuẩn bị phạm tội không phải là hành vi khách quan của tội phạm, chưa trực tiếp tác động lên đối tượng của tội phạm, có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng không lớn, do vậy, người có hành vi chuẩn bị phạm tội một số tội phạm nhất định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khoản 2, 3 điều 14 Bộ luật Hình sự quy định:
“2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự”
Trong các điều luật quy định người chuẩn bị phạm tội, trách nhiệm hình sự cụ thể của hành vi chuẩn bị phạm tội được quy định ở mức độ khác nhau, song mức hình phạt cao nhất đều không quá 05 năm tù.
Phạm tội chưa đạt
Khái niệm
Điều 15 Bộ luật Hình sự định nghĩa về phạm tội chưa đạt như sau:
“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”
Như vậy, có ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt:
- Dấu hiệu thứ nhất: người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm, đây là dấu hiệu để phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội, sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm
- Dấu hiệu thứ hai: người phạm tội không thực hiện được được tội phạm đến cùng, nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm (ví dụ: tội giết người thì chưa gây ra cái chết cho nạn nhân)
- Dấu hiệu thứ ba: người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ, tức là bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành, có thể do nạn nhân chống cự hoặc tránh được; bị người khác ngăn chặn; các trở ngại khác.
Các loại phạm tội chưa đạt
- Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành: là trường hợp người phạm tội đã thực hiện được những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, tuy nhiên vì nguyên nhân khách quan mà hậu quả đó không xảy ra. Ví dụ: một người có ý định giết người, đã dùng dao đâm 3 phát vào người nạn nhân và tin nạn nhân đã chết nên bỏ đi, nhưng sau đó nạn nhân được cứu chữa nên không chết.
- Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành: là trường hợp người phạm tội do nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện được hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả do vậy hậu quả chưa xảy ra (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi). Ví dụ: một người có ý định giết người ên dùng dao đâm người khác nhưng mới đâm được một nhát đã bị người dân xung quanh ngăn cản, nạn nhân không chết và chỉ bị thương.
Trách nhiệm hình sự của phạm tội chưa đạt
Trách nhiệm hình sự của người phạm tội chưa đạt không giới hạn trong phạm vi một số tội phạm cụ thể như trường hợp chuẩn bị phạm tội. Về nguyên tắc, mọi trường hợp phạm tội chưa đạt đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt phải tuân thủ các quy định chung về quyết định hình phạt, khoản 1 điều 57 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.”
Tội phạm hoàn thành
Khái niệm
Tội phạm hoàn thành là là trường hợp các hành vi của người phạm tội đã thỏa mãn được tất cả các dấu hiệu mô tả trong cấu thành tội phạm.
Như vậy, đặc điểm của hoàn thành tức là phải hoàn thành về mặt pháp lý, thỏa mãn tất cả các dấu hiệu của tội phạm, việc hoàn thành này không gắn với mục đích của người phạm tội. Do đó, thời điểm tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã đạt được mục đích hay chưa.
Trách nhiệm hình sự của tội phạm hoàn thành
Khi tội phạm hoàn thành tức là người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi khách quan, thỏa mãn cấu thành tội phạm. Do vậy, tùy vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong khung hình phạt đối với tội phạm mà mình đã gây ra.
Mỗi quy định về tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự đều là mô tả trường hợp tội phạm hoàn thành của tội phạm đó. Do vậy, Bộ luật Hình sự không có điều luật riêng quy định về tội phạm hoàn thành.
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Khái niệm
Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.”
Giống như phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội làm cho tội phạm không thể tiến hành đến giai đoạn tội phạm hoàn thành, tuy nhiên, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hai chế định hoàn toàn khác nhau, dẫn đến có các hình thức xử lý khác nhau được quy định trong luật hình sự.
Điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có những điều kiện riêng biệt, hành vi được thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải có đầy đủ các điều kiện khách quan và chủ quan, cụ thể:
- Điều kiện khách quan để được thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là không thực hiện tội phạm đến cùng dù không có gì ngăn cản, việc chấm dứt tội phạm phải xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
- Điều kiện chủ quan: người phạm tội chấm dứt việc phạm tội một cách tự nguyện, dứt khoát và triệt để. Sự chấm dứt hành vi phạm tội dứt khoát thể hiện ở việc từ bỏ hẳn, chấm dứt hẳn tội phạm.
Ngoài ra, đối với trường hợp có đồng phạm thì còn phải có hành vi tích cực ngăn cản người khác thực hiện tội phạm.
Trách nhiệm hình sự của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Theo điều 16 Bộ luật Hình sự 2015 “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự vì họ đã từ bỏ hẳn ý định phạm tội khi không có bất cứ sự ngăn cản nào, chứng tỏ họ đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy vậy, khi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì họ vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đó.
Nhìn chung, để thực hiện được một tội phạm phải trải qua nhiều giai đoạn, việc xác định giai đoạn nào đối với một số trường hợp phạm tội là tương đối khó khăn. Để làm được điều này cần nắm rõ các đặc trưng của từng giai đoạn và dấu hiệu tội phạm trên thực tế, từ đó có thể xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
>>> Xem thêm: Khởi Tố Vụ Án Hình Sự Theo Yêu Cầu Của Bị Hại
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Các giai đoạn thực hiện tội phạm cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an