Phân Tích Thực Trạng Pháp Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Ở Việt Nam
luatapollo
Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một 2022
-
1. 2. Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
- 1. Thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp
- 2. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
- 2. 3. Chế độ ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
- 3. 4. Kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Hệ thống chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong thời gian qua đã góp phần tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao môi trường đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách thuế TNDN vẫn còn một số hạn chế cần được đánh giá và khắc phục để tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách trong tương lai.
1. Chủ thể nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Do đặc điểm là thuế trực thu, chủ thể nộp thuế TNDN là các doanh nghiệp hoặc tổ chức có thu nhập chịu thuế và có nghĩa vụ phải kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật vào NSNN.
Theo Điều 2 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPCP ngày 15/7/2020 về luật thuế TNDN quy định về Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
- Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Theo đó:
- Tổ chức kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đổi với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;
- Tổ chức kinh doanh nước ngoài có cơ sờ thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;
- Tổ chức kinh doanh nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối vói thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này khôhg liên quan đến hoạt động của cơ sở thưởng trú;
- Tổ chức kinh doanh nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Đối tượng chủ thể theo luật thuế hiện hành đã đáp ứng kịp thời với các thay đổi của hình thức kinh tế.
2. Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ tính thuế TNDN là những yếu tố sử dụng làm cơ sở để xác định số thuế phải nộp của mỗi kỳ tính thuế. Căn cứ để tính thuế TNDN bao gồm thu nhập tính thuế và thuế suất thuế TNDN.
Thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thu nhập tính thuế TNDN là căn cứ xác định khoản thuế mà chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp cho NSNN xác định thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ đi thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được chuyển từ các năm trước theo quy định (khoản 1 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BTC 2017). Theo đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định).
- Thu nhập chịu thuế: Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác. Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác.
- Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế: là tổng giá trị các lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được trong kỳ tính thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh,sản xuất của doanh nghiệp góp phần làm tăng vốn của chủ sở hữu nhưng không bao gồm các khoản góp vốn cùa cổ đông hoặc của chủ sở hữu doanh nghiệp. Pháp luật quy định thời điểm để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa, hoàn thành dịch vụ hoặc thời điểm xuất hóa đơn bán hàng và hóa đơn cung ứng dịch vụ.Tuy nhiên không phải mọi hoạt động đều dễ dàng xác định doanh thu như quy định trên do đó pháp luật có những quy định cụ thể và chi tiết doanh thu để tính thu nhập đối với một số trường hợp đặc biệt như hàng hóa bán theo phương thức trả góp hoạt động cho thuê tài sản,kinh doanh sân gôn,…hay hoạt động tín dụng cho thuê tài chính là tiền lãi cho vay…được quy định cụ thể và chi tiết tại Nghị định 218/2013/NĐCP.
- Chi phí được trừ và không được trừ trong thu nhập tính thuế. Pháp luật thuế TNDN quy định rất rõ ràng các khoản chi không được trừ khi xác định doanh thu để tính thuế TNDN.Đối với khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế,luật thuế TNDN đang quy định theo phương pháp loại trừ các khoản chi không được trừ đồng thời đưa ra điều kiện với khoản chi đó bao gồm:
- Một là, khoản chi thực tế liên phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất,kinh doanh của doanh nghiệp,khoản chi cho hoạt động giáo dục,nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
- Hai là, khoản chi có đủ chứng từ hóa đơn theo quy định của pháp luật.Với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt trừ khi có quy định khác. Điều kiện này phù hợp với chủ trương hạn chế kinh tế tiền mặt, kiểm soát được thu nhập của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kỷ luật kế toán, kiểm toán doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế một số doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; doanh nghiệp thu mua nông sản, nguyên liệu của nông dân khó thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt. Đề nghị nhà chức trách nghiên cứu thêm các trường hợp đặc thù này để bảo đảm quyền lợi, công bằng cho doanh nghiệp trên cơ sở các quy định của pháp luật về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt.
Đây là hai điều kiện bắt buộc để khoản chi được xem là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.Chi phí bỏ ra của doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả hai điều kiện trên và không thuộc danh mục các chi phí được liệt kê tại Khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN.
- Thu nhập miễn thuế: là các thu nhập được miễn khi xác định thu nhập chịu thuế. Cơ sở xác định thu nhập miễn thuế ở Việt Nam dựa trên các lý do:
- Lý do xã hội: là các thu nhập xuất phát từ lý do thúc đẩy, xây dựng xã hội, đóng góp cho xã hội như các khoản tài trợ để sử dụng cho hoạt động từ thiện, giáo dục, các thu nhập từ hoạt động dạy nghề cho người dân tộc thiểu số, tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với mục đích khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động này cho sự phát triển xã hội, Nhà nước đã đưa ra chính sách miến thuế cho các nguồn thu nhập này.
- Lý do khuyến khích các hoạt động cụ thể và các đối tượng cụ thể. Nhằm đi theo đúng mục tiêu của nền kinh tế hiện đại, hướng tới kinh tế 4.0 khoa học công nghệ và kèm theo đó là khích lệ các nghiên cứu khoa học, công nghệ để áp dụng cho nền kinh tế, Nhà nước cũng áp dụng chính sách miễn thuế cho các hoạt động này.
- Các khoản lỗ được kết chuyển: Đây là số tiền chênh lệch âm của thu nhập tính thuế trong đó chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển của các năm trước đó.
Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế năm, nếu bị lỗ thì phải chuyển tất cả số lỗ vào thu nhập chịu thuế của các năm tiếp theo. Lưu ý về thời gian chuyển lỗ: không được liên tục quá 5 năm kể từ năm tiếp theo sau khi phát sinh lỗ.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Trải qua các thời kỳ, thuế suất có những thay đổi về mức thuế suất cụ thể áp dụng cho đối tượng nộp thuế.
Theo Luật thuế lợi tức 1990, mức thuế suất là 30%, 40%, 50% phân chia theo ngành nghề áp dụng. Đến năm 1993 với Luật thuế lợi tức sửa đổi, mức thuế giảm xuống còn 25%, 35%, 45% vẫn phân chia theo các ngành nghề áp dụng. Luật thuế TNDN 1997 giảm mức thuế xuống còn 32% áp dụng chung cho các đối tượng chịu thuế ngoại trừ các trường hợp đặc biệt. Năm 2003, Luật thuế thu nhập giảm mức thuế suất xuống mức chung là 28% ngoại trừ các đối tượng đặc biệt, mức thuế suất này tiếp tục được giảm xuống 25% trong Luật thuế TNDN 2008. Từ ngày 01/01/2016 đến nay tất cả các doanh nghiệp đang áp dụng mức thuế suất 20%, đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác 32-50% tùy dự án, cơ sở.
Việc giảm mức thuế chung này là do chiến lược phát triển của từng thời kỳ kinh tế và các chính sách của Nhà nước tác động vào doanh nghiệp để thúc đẩy và hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việc giảm thuế suất cũng ảnh hưởng từ sự điều tiết nguồn thu của thuế vào NSNN cân đối theo mức thuế suất phù hợp vừa đáp ứng cho nguồn NSNN vừa đáp ứng điều kiện cho các doanh nghiệp. Mặc dù việc giảm thuế suất đã tác động trực tiếp tới tổng số thuế thu nhập hàng năm cho doanh nghiệp, thuế suất giảm đồng nghĩa với việc tổng mức đóng thuế giảm hơn nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, gian lận thuế.[1]
Ngoài ra, thuế suất 20% áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa hợp lý. Mức thuế suất này là vẫn còn cao so với các nước trong khu vực như
Trung Quốc, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 10%-20%. Hay ở Indonesia, thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%. Doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. Doanh nghiệp có doanh thu từ 4,8 tỷ rupi đến 50 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupi (giảm 50% so với mức thuế suất phổ thông). [2] Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết.
3. Chế độ ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Nội dung chế độ ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế TNDN được quy định cụ thể tại Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPCP 2020 và Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTC 2018. Tuy nhiên để phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội hiện nay thì đã có một số điểm mới về chế độ ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sau:
Về ưu đãi thuế TNDN: Đối với đối tượng ưu đãi thuế TNDN: Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 điều 20 Nghị định 218/2013/NĐCP về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, bổ sung đối tượng doanh nghiệp được ưu đãi thuế TNDN khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất loại sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp được hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 01/01/2015;
- Đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Luật sửa đổi các luật về thuế 2014;
- Được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Trước đó, Chính phủ đã có Nghị định 12/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 218/2013/NĐ-CP tuy nhiên không quy định chuyển tiếp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được cấp phép và hoạt động trước ngày 01/01/2015. Do đó, Nghị định 57/2021/NĐ-CP được ban hành để giải quyết ưu đãi đầu tư về thuế TNDN đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoạt động trước ngày 01/01/2015 đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc duy trì hai hình thức ưu đãi thuế TNDN là ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Điều này một mặt sẽ dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp “lách luật” bằng phương thức: sau khi thời gian miễn, giảm thuế kết thúc, doanh nghiệp sẽ tìm cách kê khai lỗ, hoặc thực hiện các thủ đoạn chuyển giá, hoặc tiến hành giải thể với mục đích thành lập doanh nghiệp mới; mặt khác là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng lấn giữa cơ chế ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế. Do đó, cần xem xét để lựa chọn một trong hai hình thức ưu đãi, hoặc ưu đãi theo thuế suất, hoặc ưu đãi theo thời gian miễn, giảm thuế.
Về miễn, giảm thuế TNDN: Nghị định số 92/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành 19/10/2021 quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021. Nghị định đã quy định rõ doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế. Theo đó, doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, gia công, cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, sẽ không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu hay doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
4. Kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Quy định về kê khai, nộp thuế bao gồm những nội dung, trình tự đã được tổng kết và có tính phản ánh quy luật của đối tượng nộp thuế từ khâu trước khi tiến hành hoạt động làm phát sinh nghĩa vụ thuế đến khâu phải nộp một khoản tiền thuế cho kho bạc nhà nước theo thời hạn định trước.
Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp.
Theo Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP:
"Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm áp dụng bắt đầu từ kỳ tính thuế năm 2021. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước."
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 vào quý 3/2021 đã dẫn đến 23 tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo quyết định của Chính phủ nên tình hình kinh doanh trên địa bàn các tỉnh thành này cũng tạm ngừng theo. Nhiều doanh nghiệp không có thu nhập nên cũng không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Vào quý 4, sau khi bỏ thực hiện giãn cách, nhà nước đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh chủ yếu trong quý 4, nếu thực hiện tính tiền chậm nộp thuế theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
>>> Xem thêm: Đánh Giá Về Thực Trạng Pháp Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Ở Việt Nam
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một 2022