Đánh Giá Quy Định Pháp Luật Về Tổ Chức Thanh Tra Chuyên Ngành

  1. 1. Đánh giá quy định pháp luật về tổ chức thanh tra chuyên ngành
    1. 1. Ưu điểm
    2. 2. Nhược điểm

Đánh giá quy định pháp luật về tổ chức thanh tra chuyên ngành

Ưu điểm

Luật Thanh tra năm 2010 đã có sự phân biệt khá rõ ràng về thẩm quyền trong hoạt động thanh tra hành chính và quyền trong hoạt động thanh tra chuyên ngành. Việc trao cho các chủ thể tiến hành hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành cơ bản có những điểm giống nhau. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra cũng đã căn cứ vào tính chất khác biệt của hoạt động thanh tra chuyên ngành để trao những quyền hạn khác so với hoạt động thanh tra hành chính, chẳng hạn như quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính… 

Luật thanh tra theo xu hướng mở rộng tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành. Luật thanh tra 2010 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành không chỉ được giao cho thanh tra bộ, thanh tra sở mà còn được giao cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.[1] Điều này phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hiện nay, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cụ thể, chuyên ngành, đảm bảo quản lý các tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc quản lý ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và khắc phục tình trạng đang diễn ra không thống nhất về tổ chức thanh tra chuyên ngành. 

Các quy định pháp luật hiện hành cũng có những bước tiến mạnh mẽ trong việc quy định về quyền của các chủ thể trong hoạt động thanh tra chuyên ngành. Theo đó, cơ quan tiến hành thanh tra chuyên ngành được quy định mở rộng hơn, không chỉ bao gồm Thanh tra bộ, Thanh tra sở mà còn là các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (tổng cục, cục thuộc Bộ; chi cục thuộc Cục, chi cục thuộc sở). Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành hoặc phân công công chức trong đơn vị mình tiến hành thanh tra độc lập. Điều đó nhằm tăng cường tính chủ động trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, đảm bảo xử lý nhanh nhạy, kịp thời các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, quyền hạn của từng chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành được pháp luật hiện hành quy định cụ thể, rõ nét chứ không dẫn chiếu các điều khoản như trong Luật thanh tra năm 2004. Đặc biệt, trình tự, thủ tục cũng như căn cứ, cách thức thực hiện một số quyền trong hoạt động thanh tra chuyên ngành nhìn chung đã được quy định cụ thể hơn rất nhiều so với Luật Thanh tra năm 2004. 

Đánh giá quy định pháp luật về tổ chức thanh tra chuyên ngành

>>> Xem thêm: Phân Biệt Cơ Quan Thanh Tra Hành Chính Với Cơ Quan Thanh Tra Chuyên Ngành

Nhược điểm

Điều 3 khoản 6 của Luật Thanh tra 2010 chưa được quy định thống nhất trong các văn bản dưới luật: Nghị định 07/2012/NĐ-CP đã quy định cụ thể các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở các bộ, ngành, nhưng nhiều nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ, ngành được ban hành sau đó đã tiếp tục bổ sung cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với những lý giải, vận dụng khác nhau về Điều 3, khoản 6 của Luật Thanh tra 2010, thậm chí phá vỡ tiêu chuẩn về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở). 

Cụ thể các trường hợp như sau:  

Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Cục đường thủy nội địa, Chi cục đường thủy nội địa, Cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam, Trung tâm tần số tuyến điện khu vực thuộc Cục tần số… là các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà không phải chi cục thuộc sở theo quy định tại khoản 6, Điều 3 Luật Thanh tra 2010.  

Trường hợp đặc biệt là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một cơ quan thuộc Chính phủ, không có chức năng quản lý nhà nước, được giao chức năng thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội tại Nghị định 21/2016/NĐ-CP ngày 31/03/2016 quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, 

BHYT của cơ quan BHXH. Việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan này vì lý do lực lượng thanh tra bộ và thanh tra sở của ngành lao động – thương binh và xã hội không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. 

Đối với các lĩnh vực đặc thù, chủ yếu thực hiện hoạt động kiểm tra như kiểm lâm và quản lý thị trường thì ít khi áp dụng quy trình thanh tra chuyên ngành do quy trình thanh tra chặt chẽ, không phù hợp tới tính chất, đặc điểm của ngành. Ngoài ra, các cơ quan này cũng gặp khó khăn trong việc phân định trường hợp nào tiến hành thanh tra, trường hợp nào thực hiện kiểm tra (Cục Quản lý thị trường).[2] 

Bất cập về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Luật Thanh tra 2010 chỉ quy định trong quá trình thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, công chức thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính còn việc xử phạt thế nào lại do pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định. Điều này gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, nhất là khi mà pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này. 

Thiếu cơ sở pháp lý cho việc ban hành kết luận thanh tra chung: Đối với thanh tra chuyên ngành, do đặc thù hoạt động của một số bộ, sở, ngành cho nên khi tiến hành thanh tra trên diện rộng, nội dung, phạm vi, tính chất thanh tra với nhiều đối tượng về cơ bản là giống nhau, vì thế việc ra quyết định thanh tra thường là quyết định thanh tra chung cho nhiều đối tượng (cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thuốc bảo vệ thực vật…) và khi kết luận thì ban hành kết luận thanh tra chung. Tuy nhiên, theo pháp luật thanh tra hiện hành thì nội dung này cũng chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc thực hiện ở nhiều nơi rất khác nhau, làm giảm hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành.[3] 

 

Danh mục tham khảo:

[1] Xem Nguyễn Thị Thục, Tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra chuyên ngành ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, luận văn thạc sĩ luật học.  

[2] Xem Nguyễn Thị Hải Yến, “Các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành”, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: http://thanhtra.moet.gov.vn/chi-tiettin//viewarticle/1/1496050452792/1507194153869.

[3] Xem Nguyễn Huy Hoàng, “Đánh giá các quy định pháp luật về quyền trong hoạt động thanh tra”:  https://mt.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/1110/55283/danh-gia-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-quyen-trong-hoat-dongthanhtra.aspx

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *