Đánh Giá Thực Trạng Xâm Phạm Quyền Tác Giả Tại Các Cơ Sở Giáo Dục Đại Học Tại Việt Nam Hiện Nay

  1. 1. Một số vấn đề lí luận liên quan đến quyền tác giả
  2. 2. Thực trạng xâm phạm quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay
    1. 1. Mạo danh tác giả
    2. 2. Sao chép tác phẩm
    3. 3. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày tác phẩm hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số
  3. 3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học

Một số vấn đề lí luận liên quan đến quyền tác giả

Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009, 2019 tại khoản 2 Điều 4, quyền tác giả được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Hiểu theo góc độ là một quan hệ dân sự, QTG là quan hệ giữa tác giả, chủ sở hữu QTG với các chủ thể khác trong xã hội thông qua tác phẩm được các quy định của pháp luật tác động điều chỉnh[1]. Trong đó, tác giả và chủ sở hữu QTG là chủ thể quyền đối với tác phẩm, các chủ thể khác đều là chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng quyền của tác giả, chủ sở hữu QTG. Khách thể của QTG là tác phẩm do tác giả sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ, nội dung của QTG bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định của LSHTT đối với tác phẩm. 

Đánh giá thực trạng xâm phạm quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay

Thực trạng xâm phạm quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay

Quyền tác giả được bảo hộ trên toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam và lãnh thổ các nước cùng là thành viên với Việt Nam trong điều ước quốc tế về quyền tác giả, theo đó QTG được bảo hộ ở phạm vi rộng rãi, bao trùm về mặt lãnh thổ, mọi cơ quan tổ chức đều có nghĩa vụ phải tôn trọng QTG của tác giả, chủ sở hữu QTG đối với tác phẩm. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019-2020, Việt Nam có tổng cộng 237 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc, 447.483 sinh viên tuyển mới và không bao gồm các trường, học viện thuộc khối An ninh, Quốc phòng[2]. Với số lượng sinh viên cũng như cơ sở giáo dục lớn như vậy, các hành vi xâm phạm QSHTT-QTG ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam là rất phổ biến, dưới đây là những hình thức xâm phạm QTG thường gặp: 

Mạo danh tác giả

Theo khoản 2 Điều 28, mạo danh tác giả là một trong các hành vi xâm phạm QTG theo LSHTT hiện hành, theo đó cá nhân khác sử dụng tên của tác giả để làm việc có lợi cho mình, xâm phạm tới quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng của tác giả. Hành vi này bắt đầu xuất hiện và phổ biến ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi quá trình hội nhập với quốc tế. Động cơ của hành vi này là nhằm mục đích để tên tuổi của trường được góp mặt vào các bảng xếp hạng quốc tế về chất lượng giáo dục. Ví dụ như bảng xếp hạng ARWU của Trung Quốc mà trong năm 2020, trường đại học Tôn Đức Thắng đã xếp số 1 về chất lượng giáo dục tại Việt Nam. ARWU là bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu trên thế giới trên cơ sở phương pháp minh bạch và cơ sở dữ liệu của bên thứ ba[3]. Một trong các tiêu chí đánh giá là tiêu chí nghiên cứu khoa học, chiếm 40% điểm số xếp hạng của ARWU, trong đó, số bài báo xuất bản trên tạp chí Nature and Science chiếm 20% và số báo được trích dẫn trong hệ thống các tạp chí Science Citation Index Expanded(SCIE) VÀ Social Science Citation Index chiếm 20%. Do đó, lợi dụng tiêu chí này, đại học Tôn Đức Thắng đã sử dụng tên ông David Ross làm đồng tác giả trong 2 bài báo khác do Abdollahzadeh Jamalabadi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng tên tác giả liên hệ, đã bị tạp chí này gỡ bỏ vì quan ngại về danh tính tác giả “David Ross”-là tên một đồng tác giả trong bài mà Narjes Nabipour của Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm tác giả liên hệ khi ĐH Texas tại Austin phủ nhận người này làm việc tại trường; tên của các đồng tác giả đã được thêm vào bản thảo chỉnh sửa mà không thông báo cho biên tập viên - một việc làm trái với chính sách của tạp chí về thay đổi tác giả; các tác giả không thể giải trình hợp lý đóng góp của họ trong bài báo[4]. 

Sao chép tác phẩm

(Khoản 6 Điều 28 LSHTT hiện hành)

Hành vi sao chép tác phẩm không được sự đồng ý của tác giả xuất phát từ nhu cầu và ý thức của sinh viên về QTG chưa cao. Theo đó, họ chấp nhận việc sử dụng các bản sao của tác phẩm như giáo trình, tài liệu học liệu được sao chép trái phép từ các cơ sở photocopy. Bên cạnh đó, việc lưu giữ giáo trình, tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học trong thư viện trường Đại học. Quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, thư viện chỉ có quyền sao chép không quá một bản nhằm mục đích nghiên cứu. Ngoài ra thư viện không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng. Thực tế còn có một số thư viện lưu trữ khá nhiều giáo trình, tài liệu là bản sao cùng lúc để phục vụ cho nhu cầu của nhà trường. 

Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày tác phẩm hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số

(Khoản 10 Điều 28 LSHTT hiện hành).

Hành vi này được thực hiện chủ yếu qua hai đối tượng là sinh viên và chủ thể kinh doanh dịch vụ photocopy. Trên môi trường mạng, các tác phẩm có thể bị xâm hại bởi hành vi chụp, chia sẻ nội dung, ghi âm... và phân phối mà không được tác giả, chủ sở hữu QTG cho phép. Hành vi nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối phổ biến được các chủ thể kinh doanh dịch vụ photocopy xung quanh cơ sở giáo dục đại học thực hiện, nhìn bề ngoài,những người kinh doanh này chỉ bán dịch vụ photocoy hay gọi là “sao chép thuê”. Nhưng trên thực tế, giá bán bản sao  photocopy được các chủ cửa hàng tính bằng tổng giá bán : dịch vụ + giấy + mực – những yếu tố để sản xuất ra bản sao tác phẩm. Như vậy, họ là người đã xâm phạm bản quyền tác giả, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.[5]

Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả (Khoản 7 Điều 28 LSHTT hiện hành): Đây là trường hợp rất phổ biến với tên gọi là đạo văn. Theo đó, học viên giảng viên trong quá trình học tập,giảng dạy đã sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình nhưng không thực hiện việc nêu tên tác giả của tác phẩm, không thực hiện việc trích dẫn nguồn đầy đủ, gây phương hại đến QTG. 

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học

  • Thứ nhất, cần thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng luật Sở hữu trí tuệ đến với quần chúng nhân dân, đặc biệt là những giảng viên, sinh viên qua đó nâng cao hiể biết pháp luật và ý thức tôn trọng, bảo vệ QTG. 

  • Thứ hai, cần xây dựng cơ chế quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường Đại học một cách hiệu quả hơn bằng cách xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý tác phẩm, hệ thống phương tiện kiểm tra đạo văn... 
  • Thứ ba, nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra, giám sát vấn đề QTG, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý về bản quyền dành cho tác phẩm, ấn phẩm trong các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời cần phân cấp, tổ chức và hoạt động của cơ quan giám sát, thanh tra vi phạm quyền tác giả. Nhà nước nên quy định chỉ một cơ quan duy nhất xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực bản quyền tác giả, qua đó tránh tình trạng chồng chéo trong quá trình giám sát hoạt động lĩnh vực này. [6]

>>> Xem thêm: Bài Tập Tình Huống Môn Luật Sở Hữu Trí Tuệ - Đáp Án

Danh mục tham khảo:

[1] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu Trí tuệ, NXB.Cand, HN, 2021, tr.38.  

[2] Xem Bộ Giáo dục và Đào tạo, Số liệu thống kê giáo dục đại học năm 2019-2020: https://moet.gov.vn/thongke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=7389. 

[3] Xem A2Z Education, Tìm hiểu tiêu chí của các bảng xếp hạng đại học thế giới: https://a2z.edu.vn/tim-hieu-tieu-chicua-cac-bang-xep-hang-dai-hoc-the-gioi/ . 

[4] Xem TS. Ngô Đức Thế (2020), “Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học, những tác giả ma”, Thanh niên:

https://thanhnien.vn/giao-duc/bai-2-dau-hoi-ve-nhung-tac-gia-ma-1395631.html .

[5] Xem Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, Quyền tác giả đang bị xâm phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực photocopy: http://vietrro.org.vn/quyen-tac-gia-dang-bi-xam-pham-nghiem-trong-trong-linh-vuc-photocopy-d-1277 . 

[6] Xem Nguyễn Cảnh Toàn, “Vi phạm quyền tác giả trong các trường đại học”, Trường đại học Luật tp. Hồ Chí Minh: http://hotrosinhvien.hcmulaw.edu.vn/index.php/hoc-tap/434-vi-ph-m-quy-n-tac-gi-trong-cac-tru-ng-d-i-h-c-vi-t-nam .

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *