Thực Tiễn Về Việc Thực Hiện Chức Năng Tư Vấn Của Tòa Án Công Lý Quốc Tế Liên Hợp Quốc

  1. 1. Thực tiễn về việc thực hiện chức năng tư vấn của Tòa án công lý quốc tế Liên hợp quốc
    1. 1. 1. Thực tiễn về chủ thể có thẩm quyền yêu cầu tư vấn
    2. 2. 2. Thực tiễn về nội dung câu hỏi yêu cầu tư vấn
    3. 3.  3. Thực tiễn về quyền quyết định của ICJ
    4. 4.  4. Thực tiễn về sự chấp thuận của quốc gia
    5. 5. 5. Thực tiễn về giá trị của ý kiến tư vấn của ICJ
  2. 2. Danh mục tham khảo

Thực tiễn về việc thực hiện chức năng tư vấn của Tòa án công lý quốc tế Liên hợp quốc

1. Thực tiễn về chủ thể có thẩm quyền yêu cầu tư vấn

ĐHĐ và HĐBA theo khoản 1 Điều 96 Hiến chương LHQ quy định có quyền có thể hỏi ý kiến của Tòa án quốc tế về mọi vấn đề pháp lý.” 

Về mặt lý luận, đây là hai cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, đều có thẩm quyền tương đương nhau về việc yêu cầu ý kiến tư vấn của ICJ. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 96 quy định thêm thẩm quyền của Đại hội đồng trong việc cho phép các cơ quan khác của LHQ và các tổ chức chuyên môn đặt câu hỏi cho ICJ về những vấn đề pháp lý có thể đặt ra trong phạm vi hoạt động của họ[0]. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giữa hai cơ quan này có cơ chế biểu quyết để đưa ra yêu cầu hỏi đối với ICJ là khác nhau: 

Đối với cơ chế biểu quyết của HĐBA: căn cứ Điều 27 khoản 2 Hiến chương LHQ, nếu xác định  yêu cầu xin tư vấn của Hội đồng bảo an là một thủ tục, thì khi được áp dụng cơ chế biểu quyết thì chỉ cần 9 phiếu thuận. Ngược lại, nếu ta  coi yêu cầu tư vấn là vấn đề phi thủ tục thì khoản 3 Điều 27 cho phép các thành viên thường trực Hội đồng bảo an phủ quyết yêu cầu đó. 

Theo ghi chép tại Báo cáo của Uỷ ban lâm thời ĐHĐ năm1948[1], Uỷ ban Lâm thời của Đại Hội đồng đã nghiên cứu vấn đề và cho rằng yêu cầu tư vấn là vấn đề thủ tục và quyền phủ quyết của quốc gia thường trực HĐBA không được áp dụng. Cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về vấn đề này bởi các yêu cầu hỏi tư vấn của Hội đồng bảo an luôn nhận được 5 phiếu thuận của các thành viên thường trực. Quy định về cơ chế biểu quyết thông qua nghị quyết tại khoản 3 Điều 27, một bên trong tranh chấp không được bỏ phiếu nếu nghị quyết này liên quan tới Chương VI (Giải quyết hoà bình tranh chấp) và Điều 52 khoản 3 Hiến chương. Tuy nhiên, quy định này chưa được áp dụng trong một vụ việc cụ thể nào do Điều 27 khoản 3 chỉ áp dụng khi nghị quyết viện dẫn Chương VI về Giải quyết hoà bình tranh chấp, không áp dụng đối với Chương VII về Hành động khi hoà bình bị đe doạ, phá hoại và hành vi xâm lược. Do đó, quy định quốc gia trong tranh chấp không được bỏ phiếu tại Điều 27 khoản 3 không thể áp dụng.  Thực tế, trong vụ việc năm 1979, HĐBA đã  xem xét nghị quyết được xây dựng  bởi 5 quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan liên quan tới xung đột vũ trang tại khu vực biên giới miền bắc và miền nam Việt Nam giữa Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia.

Trung Quốc, với tư cách là một bên liên quan, vẫn tham gia bỏ phiếu nghị quyết này[2]. Năm 1986, Nicaragua thắng kiện Hoa Kỳ tại Toà ICJ liên quan tới các hoạt động quân sự và bán quân sự của Hoa Kỳ tại Nicaragua. Tuy nhiên Hoa Kỳ từ chối tuân thủ phán quyết này. Cùng năm đó, Nicaragua tìm cách đưa vụ việc cùng phán quyết này ra trước HĐBA. Hoa Kỳ, dù là một bên trong tranh chấp, đã sử dụng quyền veto của mình để ngăn HĐBA thông qua nghị quyết này[3].  

Đối với cơ chế biểu quyết của ĐHĐ:  Căn cứ khoản 2 Điều 18 Hiến chương  LHQ, đối với câu hỏi của ĐHĐ, phải có 2/3 phiếu thuận nếu đó là “câu hỏi quan trọng”, trường hợp “câu hỏi khác” thì chỉ cần đa số phiếu thuận. Tuy nhiên, các vụ việc số phiếu đạt 2/3 phiếu thuận ở ĐHĐ vẫn còn rất hạn chế. Nhưng quan điểm của ICJ hiện nay lại cho ta thấy rằng, dù yêu cầu tư vấn của ĐHĐ không đạt được 2/3 phiếu thuận thì tòa vẫn tư vấn, chỉ cần quá nửa số phiếu thuận ICJ sẽ chấp nhận tư vấn. Nghiên cứu các kết luận tư vấn của ICJ, có thể thấy trong vụ Legality of the Threat or Use of Nuclear Weapons,26 yêu cầu tư vấn của ĐHĐ không đạt được hai phần ba số phiếu thuận, nhưng Toà ICJ vẫn cung cấp tư vấn, khi chỉ có 77 phiếu thuận, 6 phiếu chống, 74 phiếu trắng và 35 không bỏ phiếu. Bên cạnh đó, trong vụ Kosovo Declaration of Independence cũng không đạt đủ hai phần ba số đa số phiếu với 77 phiếu thuận, 6 phiếu chống, 74 phiếu trắng, 35 không bỏ phiếu, Toà ICJ vẫn đưa ra ý kiến tư vấn.[4]

Thực tiễn về việc thực hiện chức năng tư vấn của Tòa án công lý quốc tế Liên hợp quốc

2. Thực tiễn về nội dung câu hỏi yêu cầu tư vấn

Quy định của Hiến chương cũng như Quy chế ICJ không quy định cụ thể về nội dung câu hỏi yêu cầu tư vấn mà chỉ quy định chung là “một vấn đề pháp luật bất kỳ nào theo yêu cầu”[5], chỉ cần câu hỏi pháp lý do cơ quan có thẩm quyền theo Hiến chương LHQ thì ICJ sẽ thực hiện việc tư vấn. Vì vậy, nội dung câu hỏi được đặt ra cho ICJ có thể là câu hỏi mang tính lý thuyết, hay liên quan đến các tranh cãi hiện hữu. 

Đối những câu hỏi mang nặng tính lý thuyết, tính khái quát và chưa có sự kiện thực tế xảy ra:  Quan điểm của ICJ là vẫn đưa ra kết luận tư vấn cho những câu hỏi này vì chức năng tư vấn của Toà không để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia mà chỉ cung cấp tư vấn pháp lý cho cơ quan có yêu cầu, ICJ sẽ trả lời “bất kì câu hỏi pháp lý, dù có nặng tính lý thuyết hay không”[6]. Như vụ Legality of Threat or Use of Nuclear Weapons[7], câu hỏi đặt ra cho ICJ bị quá khái quát và mơ hồ do không tồn tại một tranh chấp thực tế nào nhưng ICJ vẫn chấp nhận câu hỏi. 

Với những câu hỏi mang tính chính trị, ICJ có quan điểm rằng khía cạnh chính trị của câu hỏi không làm mất đi bản chất pháp lý, và Toà không quan tâm tới động cơ của cơ quan hỏi ý kiến tư vấn hay vụ việc cụ thể nào dẫn tới câu hỏi tư vấn[8]. Lấy ví dụ về năm 1949, ĐHĐ đã tiến hành hỏi ý kiến Toà ICJ rằng liệu có thể kết nạp thành viên mới mà không cần khuyến nghị từ phía HĐBA hay không, mặc dù đây là câu hỏi mang tính chính trị nhưng ICJ vẫn tư vấn và không từ chối vì tính chính trị của câu hỏi. 

Đối với những câu hỏi thiếu rõ ràng, ICJ không từ chối mà vẫn thực hiện thẩm quyền của mình đối với những câu hỏi này, ICJ còn được yêu cầu thực hiện việc mở rộng, giải thích, đặt lại câu hỏi sao cho phù hợp với mục đích của cơ quan hỏi.  

 3. Thực tiễn về quyền quyết định của ICJ

Căn cứ Điều 96 Hiến chương LHQ, Hiến chương đã quy định về các cơ quan được hỏi ý kiến tư vấn của ICJ. Mặt khác, văn bản này không đề cập đến việc ICJ bắt buộc phải tư vấn cho các cơ quan này không. Bên cạnh đó, trong Quy chế ICJ tại khoản 1 Điều 65: “Toà có thể cung cấp ý kiến tư vấn về bất kì câu hỏi pháp lí nào khi có yêu cầu từ bất kì cơ quan nào được phép theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.” Trên cơ sở này, ICJ hoàn toàn có quyền quyết định từ chối đưa ra ý kiến tư vấn trong trường hợp xét thấy cần thiết. 

Có hai trường hợp xảy ra để ICJ có thể từ chối đưa ra ý kiến tư vấn: 

  • Thứ nhất, đó là trường hợp câu hỏi được đặt ra không đảm bảo yêu cầu theo quy định của Hiến chương LHQ. Đây là trường hợp câu hỏi được đặt bởi cơ quan hay chủ thể không có thẩm quyền đặt, hoặc do cơ quan theo khoản 2 Điều 96 Hiến chương LHQ đặt nhưng vượt quá phạm vi những vấn đề pháp lý có thể đặt ra trong phạm vi hoạt động của họ. Điều này là cơ sở để ICJ từ chối tư vấn. Thực tế đã có cơ quan bị ICJ từ chối đưa ra ý kiến tư vấn vì lí do này. Đó là trong vụ Legality of Threat or Use of Nuclear Weapons, cơ quan yêu cầu ý kiến tư vấn xuất phát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vì vậy câu hỏi yêu cầu tư vấn đã vượt quá phạm vi hoạt động của WHO và bị ICJ từ chối tư vấn[9]. 
  • Thứ hai, ICJ sẽ từ chối tư vấn khi tồn tại một ‘lý do thuyết phục’ (compelling reason) ảnh hưởng tới chức năng tư pháp của Toà thì Toà mới có thể từ chối trả lời tư vấn.[10]

 4. Thực tiễn về sự chấp thuận của quốc gia

ICJ luôn cho rằng ý kiến tư vấn sẽ không phù hợp với tính chất tư pháp của Toà nếu thiếu đi sự đồng ý từ phía quốc gia liên quan do nguyên tắc quốc gia không có nghĩa vụ phải đưa tranh chấp của mình ra giải quyết trước bất kì cơ quan tư pháp nào. Điều này thể hiện trong Quy chế ICJ tại Điều 66. Tuy nhiên, không phải việc quốc gia chấp thuận hay không chấp thuận là chìa khóa quyết định việc đưa ý kiến tư vấn của ICJ. Toà ICJ vẫn cân nhắc yếu tố ý chí của quốc gia liên quan, nhưng Toà sẽ ít có khả năng từ chối yêu cầu tư vấn nếu như câu hỏi tư vấn đó không động chạm tới nội dung tranh chấp giữa các quốc gia hoặc liên quan tới tranh chấp có tác động tới an ninh và hoà bình quốc tế, can dự tới hoạt động, chức năng của các cơ quan trong LHQ.[11]  Trong vụ Palestinian Wall: ICJ thừa nhận tồn tại các quan điểm trái chiều giữa Israel và Palestine liên quan tới hậu quả pháp lý của bức tường dựng lên bởi Israel trong lãnh thổ của Palestine. Nhưng ICJ nhận định đây không chỉ đơn thuần là vấn đề xung đột giữa hai bên, mà còn ảnh hưởng tới an ninh và hoà bình thế giới, là  mối quan ngại của LHQ nói chung. Toà ICJ tư vấn cho các cơ quan của LHQ, chứ không phải cho quốc gia[12]. 

5. Thực tiễn về giá trị của ý kiến tư vấn của ICJ

Cả Hiến chương LHQ và Quy chế ICJ đều quy định các ý kiến tư vấn thông thường chỉ mang tính chất khuyến nghị, chứ không ràng buộc pháp lý đối với các chủ thể, cơ quan đặt ra câu hỏi yêu cầu tư vấn pháp lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ý kiến tư vấn của Toà có thể ràng buộc cơ quan hỏi ý kiến nếu trong nguyên tắc hoạt động của cơ quan này có quy định như vậy. Ví dụ, tại Điều VIII Công ước Ưu đãi Miễn trừ của LHQ, Điều IX Công ước Ưu đãi Miễn trừ của các Cơ quan Chuyên môn quy định ý kiến tư vấn của Toà được chấp nhận là ràng buộc giữa các bên. Đây là trường hợp mà ý kiến tư vấn của ICJ có giá trị bắt buộc.

>>> Xem thêm: Phân Tích Những Vấn Đề Pháp Lý Về Chức Năng Tư Vấn Của Tòa Án Công Lý Quốc Tế Liên Hợp Quốc (ICJ)

Danh mục tham khảo

[0] Xem danh sách các cơ quan khác của LHQ và các tổ chức chuyên môn tại ICJ Yearbook 2007-2008: Part 4, Legal questions, chapter 1: http://dag.un.org/handle/11176/90353  

[1] Reports of The Interim Committee of The General Assembly, 5 Jan-5 Aug 1948, General Assembly Official Records, Third Session, Supplement No. 10, tr. 14 (1948).  

[2] Xem http://www.un.org/en/ga/search/view_doc.asp?symbol=S/PV.2129(OR), đoạn 72.  

[3] Xem Đường dẫn: http://www.un.org/en/ga/search/view_doc.asp?symbol=S/PV.2718, tr. 51  26 Xem GA Resolution A/RES/ES-10/14 (2003).  

[4] Xem GA Resolution A/RES/63/3 (2008): https://www.securitycouncilreport.org/un-documents/document/kosa-res63-3.php .

[5] Điều 65 Quy chế ICJ. 

[6] Conditions of Admission of a State to Membership in the United Nations (Article 4 of the Charter), Advisory Opinion, ICJ Reports (1948), tr. 57, 61.

[7] Xem legality of the Threat or Use of Nuclear Weapons, Advisory Opinion, ICJ Reports (1996), tr. 226, 236237.  

[8] (29), tr. 61.  

[9] Xem https://www.icj-cij.org/docket/files/93/10309.pdf . 

[10] Sdd (30). 

[11] Xem https://iuscogens-vie.org/2018/04/10/70/#_ftn17 . 

[12] PCIJ, Ser. B, No. 5 (1923), tr. 27-29.

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết