Quyền Tự Định Đoạt Của Nguyên Đơn Trong Vụ Án Dân Sự

  1. 1. 1. Khái niệm quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự
    1. 1. Định nghĩa quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự
    2. 2. Đặc điểm quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự
  2. 2. 2. Phân tích quy định pháp luật về quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự
    1. 1. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc việc khởi kiện vụ án dân sự 
    2. 2. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
    3. 3. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự
    4. 4. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc kháng cáo, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu kháng cáo đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự
  3. 3. 3. Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong giải quyết vụ án dân sự hiện nay và một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật
    1. 1. Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật
    2. 2. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

1. Khái niệm quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Định nghĩa quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Để có thể định nghĩa về quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự, ta cần phải tìm hiểu một số vấn đề như sau: 

- Về nguyên đơn [1] trong vụ án dân sự, có thể hiểu là có tư cách đương sự trong vụ án dân sự, là người tham gia tố tụng khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích hợp pháp của công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc được người khác khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ[2]. Nguyên đơn có thể là cá nhân hoặc là pháp nhân, tổ chức.

- Vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định thì cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

⇒ Từ những định nghĩa trên, ta có thể thấy quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự có thể hiểu là quyền tố tụng của nguyên đơn được quy định trong pháp luật TTDS, theo đó nguyên đơn thể hiện tự do ý chí của mình bằng việc mình lựa chọn quyết định các hành vi tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. [3] 

Nội dung của quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự theo nghĩa hẹp bao gồm: quyền yêu cầu, khởi kiện vụ án dân sự; quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu và quyền thỏa thuận về việc giải quyết vụ việc dân sự. [4]

Đặc điểm quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự có một số đặc điểm đặc trưng trên cơ sở của nguyên tắc quyền tự quyết của các bên đối với các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quan hệ dân sự[5]: 

  • Thứ nhất, quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong VADS là quyền về hình thức và được quyết định bởi các quyền nội dung trong các quan hệ pháp luật dân sự, luôn gắn liền với nguyên đơn là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung. Trường hợp chủ thể là người không có đủ năng lực hành vi dân sự để thực quyền của mình thì sẽ được thực hiện thông qua người đại diện mà pháp luật đã quy định. Một số trường hợp, để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước có thể thuộc về một số chủ thể nhất định được nhà nước trao quyền. 
  • Thứ hai, quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong VADS được thể hiện thông qua một loạt các quyền tố tụng cụ thể, thể hiện xuyên suốt trong quá trình nguyên đơn bắt đầu tham gia vào quá trình tố tụng cho đến khi kết thúc. 
  • Thứ ba, quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong VADS là sự thể hiện ý chí chủ quan của nguyên đơn và cũng đồng thời là quyền khách quan do pháp luật TTDS quy định. 
  • Thứ tư, quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong VADS phải xuất phát từ ý chí tự nguyện thực sự của nguyên đơn thông qua các hành vi cụ thể. Nếu các hành vi này không do sự tự nguyện của nguyên đơn thì không còn đảm bảo tính chất “tự định đoạt” và quyền của nguyên đơn không được đảm bảo.[6]

Khái niệm quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự

2. Phân tích quy định pháp luật về quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc việc khởi kiện vụ án dân sự 

Đây là yếu tố đầu tiên, thể hiện rõ nhất quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong VADS và cũng là cơ sở để phát sinh các quyền tiếp theo trong quá trình tố tụng. Theo Điều 5 BLTTDS 2015, quyền tự định đoạt của nguyên đơn được thể hiện ở quyền khởi kiện VADS. Điều 186 BLTTDS 2015 quy định về quyền khởi kiện VADS: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án... tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.  Khi một chủ thể thực hiện quyền này, là khi quyền và lợi ích hợp pháp của người đó có khả năng bị xâm phạm, chủ thể đó có thể tự mình hoặc thông qua người khác để khởi kiện. Trường hợp đặc biệt, để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, pháp luật trao quyền khởi kiện cho cá nhân, cơ quan, tổ chức như cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan nhà nước quản lý về trẻ em...

Để đảm bảo quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong khởi kiện VADS, tại Điều 4, 5, 9, 186, 190 của BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể về quyền khởi kiện của nguyên đơn. Theo đó, nguyên đơn có quyền tự định đoạt việc khởi kiện VADS khi có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu có đủ năng lực hành vi TTDS, thì nguyên đơn có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác khởi kiện VADS. Trường hợp nguyên đơn không đủ năng lực hành vi TTDS thì người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn sẽ quyết định việc khởi kiện VADS thay cho nguyên đơn. Để đảm bảo quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong khởi kiện VADS, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tòa án cũng chỉ thụ lý giải quyết khi có đơn kiện VADS của nguyên đơn và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện VADS đó[7].

Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

Quyền tự định đoạt của nguyên đơn được thể hiện khi nguyên đơn có quyền  quyết định các hành vi tố tụng tiếp theo của mình như có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của mình. Đó là quyền tự định đoạt của nguyên đơn. BLTTDS 2015 đã quy định về quyền này của nguyên đơn tại các Điều 70, 71, 217, 245 và 249.

Nguyên đơn thực hiện quyền tự định đoạt của mình bằng việc lựa chọn một trong các hành vi: giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu tại khoản 4 Điều 70 BLTTDS 2015 và thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại khoản 4 Điều 71 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng.

Như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm nếu nguyên đơn thay đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà vượt quá phạm vi khởi kiện thì yêu cầu đó sẽ không được chấp nhận. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn còn thể hiện ở quyền rút yêu cầu được quy định tại Điều 5 và khoản 4 Điều 70. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp nguyên đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt thì giải quyết. Với những trường hợp khác nhau thì hậu quả pháp lý của hành vi cũng khác nhau.

Tại phiên toà sơ thẩm quy định rằng Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Trường hợp có nguyên đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu nguyên đơn đã rút. Việc rút ở phiên tòa sơ thẩm có thể làm thay đổi địa vị tố tụng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 299 thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Ngay cả khi nguyên đơn rút đơn ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì việc rút đơn của nguyên đơn vẫn phải đưa ra tòa án phúc thẩm để xem xét.

Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự

Quyền tự dịnh đoạt của nguyên đơn trong VADS còn thể hiện ở quyền tự thỏa thuậ giải quyết vụ án dân sự. Theo Điều 5 BLTTDS 2015 quy định trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nguyên đơn có quyền thỏa thuận với các chủ thể còn lại một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Điều 205 BLTTDS 2015 quy định trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các nguyên đơn thỏa thuận với các chủ thể có liên quan khác về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án được quy định tại Điều 206 và 207 Bộ luật này. Điều 246 BLTTDS năm 2015 quy định nếu tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn thỏa thuận được với các chủ thể liên quan về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của nguyên đơn với các chủ thể có liên quan về việc giải quyết vụ án. 

Có thể thấy, BLTTDS 2015 đã tạo điều kiện để nguyên đơn thực hiện quyền thỏa thuận, hòa giải của mình để giải quyết tranh chấp, qua đó đảm bảo quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong thỏa thuận giải quyết VADS. Tuy nhiên, trong trường hợp trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Tòa án lập biên bản mà nguyên đơn thay đổi thỏa thuận này bằng thỏa thuận khác thì chưa được BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể.

Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc kháng cáo, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu kháng cáo đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự

Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong VADS thể hiện trong việc kháng cáo, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự.   Theo Điều 271 BLTTDS năm 2015 quy định về các chủ thể có quyền kháng cáo, theo đó, nguyên đơn là một trong những chủ thể có quyền kháng cáo. Đối tượng kháng cáo phúc thẩm là bản án sơ thẩm, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Điều 284 BLTTDS 2015 quy định về quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm của nguyên đơn thì đây được xem là giới hạn của quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn tại các thời điểm khác nhau phải đảm bảo các điều kiện nhất định. Trong thời hạn kháng cáo, đối với nguyên đơn không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp nguyên đơn đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án. Đối với những phần của bản án, quyết định không có kháng cáo hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo thì HĐXX phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét, quyết định.[8]

3. Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong giải quyết vụ án dân sự hiện nay và một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật

Theo số liệu thống kê tại báo cáo tổng kết năm 2020 của các tòa án trong nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án đã thụ lý 1.894.472 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 1.842.684 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 523.966 vụ việc; giải quyết tăng 496.752 vụ việc), công tác hòa giải cũng được chú trọng và nâng cao, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều đạt trên 50% tổng số các vụ việc đã giải quyết. Năm 2016 các Tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ; năm 2017 là 173.958 vụ; năm 2018 là 184.143 vụ; năm 2019 là 201.995 vụ; năm 2020 là 205.747 vụ.9. 

Trên cơ sở thống kê này, ta có thể đánh giá trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về quyền tự định đoạt của nguyên đơn, người dân đã thực hiện tốt được quyền tự định đoạt của mình khi có quyền và lợi ích bị xâm phạm, được thể hiện ở hầu hết trong tất cả các giai đoạn tố tụng. 

Bên cạnh đó, trong quá trình áp dụng pháp luật trên thực tiễn vẫn có một số hạn chế, vướng mắc nhất định, đó là:  

  • Một, nguyên đơn trong nhiều vụ việc đã không hiểu và biết được đầy đủ các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình dẫn đến việc không thực hiện được đúng các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của mình. 
  • Hai, trong quá trình thụ lý, xét xử, phía cơ quan có thẩm quyên áp dụng pháp luật còn có tình trạng không đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu cũng như đảm bảo được quyền tự quyết của nguyên đơn, dẫn đến quyền lợi của nguyên đơn chưa được thực hiện và bảo đảm một cách triệt để. 
  • Ba, BLTTDS 2015 quy định nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm phải được sự đồng ý của bị đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 299 BLTTDS 2015 là chưa hợp lý, gây mâu thuẫn với quyền tự định đoạt của nguyên đơn.

Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

  • Thứ nhất, cần tăng cường hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật dân sự và tố tụng dân sự quy định về quyền tự định đoạt của nguyên đơn. Cụ thể, cần hoàn thiện các quy định trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của nguyên đơn, về hòa giải của các đương sự trong vụ án dân sự,... 
  • Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS năm 2015 về việc nguyên đơn đươc trực tiếp đế tòa án trình bày yêu cầu khởi kiện VADS, yêu cầu kháng cá bản án quyết định sơ thẩm. 
  • Thứ ba, cần sửa đổi bổ sung các quy định của BLTTDS 2015 về đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự nói chung và nguyên đơn nói riêng trong việc thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu.  
  • Thứ tư, cần bổ sung quy định của BLTTDS 2015 về việc Tòa án giải thích quyền kháng cáo cho đương sự nói chung và nguyên đơn nói riêng để tăng khả năng tiếp cận và thực hiện được quyền tự định đoạt của nguyên đơn. 

----

[1] Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. 

[2] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, tr.108. 

[3] Xem Bùi Mạnh Cường, Quyền tự định đoạt của đương sự và thực tiễn áp dụng tại các Tòa án nhân dân ở tỉnh Lạng Sơn, luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.15

[4] Xem Nguyễn Thị Tuyết, Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại các Tòa án tại tỉnh Bắc Ninh, luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.14. 

[5] Xem Bùi Mạnh Cường, Quyền tự định đoạt của đương sự và thực tiễn áp dụng tại các Tòa án nhân dân ở tỉnh Lạng Sơn, luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.21. 

[6] Xem Nguyễn Thị Tuyết, Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại các Tòa án tại tỉnh Bắc Ninh, luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.20. 

[7] Xem Bùi Mạnh Cường, Quyền tự định đoạt của đương sự và thực tiễn áp dụng tại các Tòa án nhân dân ở tỉnh Lạng Sơn, luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.21. 

[8] Quyền tự định đoạt của các đương sự và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Sơn La https://sonla.toaan.gov.vn/webcenter/portal/sonla/chitietchidaodieuhanh?dDocName=TAND158872  9 Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016 – 2020; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của các tòa án.

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết