Phân Tích Và Bình Luận Về Quyền Di Chuyển Và Cư Trú Của Công Dân Châu Âu Và Thành Viên Trong Gia Đình Của Công Dân EU

  1. 1. 1. Khái quát về quyền tự do di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU
    1. 1. Quyền tự do di chuyển của công dân EU
    2. 2. Quyền di chuyển và cư trú của công dân EU và thành viên trong gia đình của công dân EU
  2. 2. 2. Phân tích và bình luận về các quy định của pháp luật Liên minh châu Âu về quyền di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU
    1. 1. Cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của quyền di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU
    2. 2. Phân tích và bình luận về các quy định của pháp luật Liên minh châu Âu về quyền di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU
      1. 1. ► Công dân EU và thành viên gia đình của công dân EU
      2. 2. ► Quyền di chuyển của công dân EU và thành viên gia đình
      3. 3. ► Quyền cư trú của công dân EU và gia đình trên lãnh thổ một quốc gia thành viên khác
      4. 4. ► Trục xuất đối với công dân EU, thành viên gia đình công dân EU

Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu (TFEU: còn được gọi là Hiệp ước Rome) là một trong hai hiệp ước hình thành nên cơ sở lập hiến của Liên minh châu Âu (EU), cùng với các hiệp ước Amsterdam, Hiệp ước Nice đều hướng tới một mục tiêu chung , đó là tạo cho công dân EU một khu vực tự do, an ninh và công lý không biên giới nội bộ mà trong đó, sự tự do di chuyển của cá nhân được bảo đảm. Do đó, vấn đề đảm bảo quyền tự do di chuyển của công dân EU và thành viên trong gia đình của công dân EU là một trong nhưng vấn đề quan trọng của hợp tác tư pháp và nội vụ của EU. 

1. Khái quát về quyền tự do di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU

Quyền tự do di chuyển của công dân EU

Tự do di chuyển là một quyền cơ bản của công dân EU, được thực hiện thông qua một khu vực tự do, an ninh và công lý không biên giới nội bộ. Công ước Schengen năm 1990, khởi xướng việc xóa bỏ kiểm soát biên giới giữa các quốc gia tham gia. Trở thành một phần trong khuôn khổ pháp lý của EU, hợp tác Schengen đã từng bước mở rộng ra phần lớn các quốc gia thành viên EU cũng như một số quốc gia ngoài EU. Quyền tự do di chuyển được bảo đảm bằng các quy định của pháp luật EU xóa bỏ việc kiểm soát biên giới nội bộ giữa các nước EU. Không gian Schengen là một vùng lãnh thổ, nơi việc tự do di chuyển của cá nhân được đảm bảo, trong đó có công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân châu Âu. 

Quyền di chuyển và cư trú của công dân EU và thành viên trong gia đình của công dân EU

Quyền di chuyển và cư trú của công dân EU trong lãnh thổ của Liên minh châu Âu hiện nay được ghi nhận tại Chỉ thị 2004/38/EC của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu về quyền của công dân liên minh và các thành viên trong gia đình được tự do di chuyển và cư trú trong lãnh thổ các quốc gia thành viên, sửa đổi Quy định RRC số 1612/68 và bãi bỏ các Chỉ thị số 64/221/EEC, 68/360/EEC, 72/194/EEC, 73/148/EEC, 75/34/EEC, 75/35/EEC, 90/364/EEC, 90/365/EEC và 93/96/EEC[1].  

Chỉ thị này đã thống nhất tất cả các quy định của pháp luật về quyền nhập cảnh và cư trú của công dân EU và thành viên gia đình của họ, bao gồm hai quy định và chín chỉ thị. Qua đó, nó đã giúp đơn giản hóa các quy định cho công dân và các cơ quan quản lý trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Chỉ thị này cũng đã giảm đến tối thiểu các thủ tục mà công dân EU và gia đình của họ phải hoàn tất để thực hiện quyền cư trú.

2. Phân tích và bình luận về các quy định của pháp luật Liên minh châu Âu về quyền di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU

Chỉ thị số 2004/38/EC của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu quy định và điều chỉnh các vấn đề sau về quyền di chuyển và cư trú của công dân EU và thành viên gia đình họ: 

  • Một, các điều kiện cho công dân Liên minh và gia đình của họ để thực hiện quyền tự do di chuyển và cư trú trong các quốc gia thành viên.
  • Hai, quyền thường trú.
  • Ba, giới hạn của các quyền nói trên vì các lý do an ninh, y tế hoặc chính sách công cộng. 

Cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của quyền di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU

  • Về cơ sở pháp lý:  Quyền di chuyển và cư trú của công dân EU trong lãnh thổ Liên minh hiện nay được quy định tại Chỉ thị số 2004/38/EC của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu về quyền của công dân Liên minh và các thành viên trong gia đình được tự do di chuyển và cư trú trong lãnh thổ các quốc gia thành viên, sửa đổi Quy định EEC số 1612/68 và bãi bỏ các Chỉ thị số 64/221/EEC, 68/360/EEC, 72/194/EEC, 73/148/EEC, 75/34 EEC, 75/35/EEC, 90/364 EEC, 90/365 EEC và 93/96/EEC[2]. 
  • Về cơ sở thực tiễn: Tự do di chuyển và cư trú là xu hướng tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế và là mục đích quan trọng của EU. Trên cơ sở của TFEU- cơ sở lập hiến của Liên minh châu Âu (EU), cùng với các hiệp ước Amsterdam, Hiệp ước Nice đều hướng tới một mục tiêu chung , đó là tạo cho công dân EU một khu vực tự do, an ninh và công lý không biên giới nội bộ mà trong đó, sự tự do di chuyển của cá nhân được bảo đảm.

Phân tích và bình luận về các quy định của pháp luật Liên minh châu Âu về quyền di chuyển và cư trú của công dân châu Âu và thành viên trong gia đình của công dân EU

► Công dân EU và thành viên gia đình của công dân EU

Chỉ thị 2004/38/EC của Nghị viên và Hội đồng châu Âu thì cá nhân được hưởng quyền tự do di chuyển và cư trú trong Cộng đồng châu Âu bao gồm: công dân EU, công dân EEA (Norway, Iceland, Liechtenstein) và công dân CH(Swizerland). Thành viên gia đình của công dân EU được hưởng quyền tự do di chuyển cũng đã được quy định cụ thể tại Chỉ thị, bao gồm: 

  • Một, vợ hoặc chồng của công dân EU: Quan hệ vợ chồng được xác lập trên cơ sở hôn nhân hợp pháp. Trường hợp hôn nhân cưỡng ép mà trong đó không có sự đồng ý của một trong hai bên sẽ không được chấp nhận. Trường hợp hôn nhân theo thỏa thuận- khi hai bên vẫn tồn tại sự đồng ý hoàn toàn từ cả hai mặc dù bên thứ ba có thể đóng vai trò quan trọng trong quyết định của họ hoặc mục đích của cuộc hôn nhân đó chỉ là nhằm được hưởng quan hệ hôn nhân đã xác lập. Để có thể xác định được trường hợp hôn nhân thỏa thuận, một số tiêu chuẩn đã đặt ra đối với các cặp vợ chồng này: người vợ/ chồng là công dân của nước thứ ba, với khả năng của họ không gặp khó khăn gì trong việc hưởng quyền cư trú; quan hệ vợ chồng đã tồn tại trong một thời gian dài; có nhà ở chung trong một thời gian dài; tham gia vào các giao dịch tài chính hay hoạt động pháp lý mà có sự chia sẻ trách nhiệm giữa hai bên... [3]
  • Hai, bạn trai/ bạn gái của công dân EU: Các cá nhân này chỉ được hưởng quyền tự di chuyển theo quy định tại chỉ thị này nếu như họ đưa ra được những bằng chứng chứng minh giữa họ và công dân EU có mối quan hệ tình cảm lâu dài, ví dụ như giấy đăng ký mối quan hệ bạn trai/ bạn gái theo quy định của một số nước thành viên... 
  • Ba, con cháu dưới 21 tuổi, người sống phụ thuộc về tài chính vào công dân EU hoặc cần có sự chăm sóc của công dân EU do có vấn đề về thể chất. 
  • Bốn,  họ hàng gần phải sống phụ thuộc vào công dân EU, vợ hoặc chồng của họ. 

► Quyền di chuyển của công dân EU và thành viên gia đình

Đối với công dân EU khi xuất/ nhập cảnh sẽ chỉ cần xuất trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu. Đối với thành viên gia đình của công dân EU là công dân của nước thứ ba cần phải xuất trình hộ chiếu, có thể bao gồm cả thị thực nhập cảnh nếu được yêu cầu,trừ phi họ nắm giữ thẻ cư trú hợp pháp được cung cấp bởi các nước thành viên. 

Người được hưởng quyền tự do di chuyển không có các giấy tờ cần thiết theo quy định thì trước khi từ chối nhập cảnh, nước thành viên phải cho họ cơ hội để lấy được các giấy tờ theo yêu cầu hoặc cho họ một khoảng thời gian hợp lý để chứng minh rằng họ có quyền này. Vấn đề kiểm tra tối thiểu được áp dụng đối với những cá nhân được hưởng quyền tự do di chuyển, bao gồm việc nhận dạng và chứng minh mối quan hệ gia đình. Các thủ tục liên quan đến xác định mục đích di chuyển, kế hoạch di chuyển, giấy chứng nhận việc làm, bản kê khai tiền gửi ngân hàng, nơi ở, phương tiện sống hoặc các thông tin cá nhân khác không bị bắt buộc. Tuy nhiên, để đảm bảo vấn đề an ninh nội bộ, sức khỏe, chính sách công cộng hoặc các mối quan hệ quốc tế của bất cứ quốc gia thành viên nào thì nhân viên cảnh sát tại biên giới phải tiến hành tra cứu trong hệ thống dữ liệu cấp quốc gia và châu Âu.  

Qua đó, ta có thể thấy giữa công dân EU và thành viên gia đình của công dân EU có sự khác biệt trong quy chế về quyền di chuyển. Đối với công dân EU, điều kiện thủ tục xuất nhập cảnh đã tinh gọn, giảm nhẹ, tuy nhiên đối với gia đình của họ là công dân nước thứ 3, tuy đã giảm đến tối thiểu các thủ tục mà công dân EU và gia đình của họ phải hoàn tất để thực hiện quyền cư trú nhưng vẫn phải đặt ra một số điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo trật tự, an ninh công cộng cho quốc gia thành viên. 

► Quyền cư trú của công dân EU và gia đình trên lãnh thổ một quốc gia thành viên khác

Đối với trường hợp cư trú dưới ba tháng: 

Đối với công dân EU, họ cần có một tài liệu nhận dạng hợp lệ hoặc hộ chiếu, mà không cần phải có thị thực xuất, nhập cảnh trong mọi trường hợp. 

Đối với thành viên gia đình thuộc nước thứ ba thì được hưởng các quyền giống như công dân EU mà họ đã đi kèm. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại, cư trú ngắn ngày của công dân EU và thành viên gia đình họ trong phạm vi không gia Schengen. Tuy nhiên, đối với thành viên gia đình là công dân quốc gia thứ ba, họ vẫn có thể bị yêu cầu một giấy phép cư trú- tương đương với một thị thực cư trú ngắn ngày theo Quy chế (EC) số 539/2001. Nước thành viên tiếp nhận, với một lý do rõ ràng và không phân biệt đối xử, có thể yêu cầu những người có liên quan đăng ký sự hiện diện của họ tại nước mình. 

Đối với trường hợp cư trú trên ba tháng:

Đối với công dân EU, theo Điều 7 khoản 1 Quy chế, họ sẽ được cư trú trên ba thánh trên lãnh thổ quốc gia thành viên khác khi:

  • Là người lao động hoặc là cá nhân kinh doanh tại nước thành viên sở tại. 
  • Có đủ nguồn lực và đã tham gia bảo hiểm bệnh tật để đảm bảo rằng họ không trở thành một gánh nặng đối với dịch xã hội của nước thành viên sở tại trong thời gian lưu trú. 
  • Đang theo học tại một cơ sở tư nhân hoặc công cộng được hình thành hoặc tài trọ bởi chính quyền nước sở tại. 
  • Là một thành viên gia đình của một công dân Liên minh rơi vào một trong các trường hợp nói trên. 

Đối với thành viên gia đình đi kèm thì cần phải nộp đơn xin cấp giấy phép cư trú cho các thành viên gia đình. Giấy phép này có hiệu lực ít nhất năm năm kể từ ngày được cấp. Việc người công dân EU chết, ly hôn, hủy bỏ kết hôn hoặc chấm dứt quan hệ với người thành viên gia đình không làm ảnh hưởng đến quyền được tiếp tục sinh sống tại các nước sở tại đến hết thời hạn ghi trên giấy phép của người thành viên gia đình đó. 

Công dân EU có quyền thường trú tại nước thành viên tiếp nhân sau năm năm cư trú hợp pháp không bị gián đoạn và chưa có một quyết định trục xuất. Có nghĩa, việc cho phép cư trú vĩnh viễn mà không bị ràng buộc với bất kỳ điều kiện nào được áp dụng trong trường hợp này. Quy định này cũng được áp dụng đối với các thành viên gia đình là công dân nước thứ ba chung sống với người công dân EU trong năm năm. Quyền cư trú vĩnh viễn chỉ bị tước bỏ khi vắng mặt nhiều hơn hai năm liên tiếp ở nước thành viên tiếp nhận. 

Công dân EU khi có đủ quyền cư trú hoặc quyền thường trú, cùng các thành viên trong gia đình họ cũng được hưởng sự đối xử bình đẳng với công dân của nước tiếp nhận trong việc được đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên nước tiếp nhận sẽ không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho họ trong ba tháng đầu tiên. Người thành viên gia đình, không phân biệt quốc tịch, có quyền tham gia vào các hoạt động kinh tế trên cơ sở làm thuê hoặc tự kinh doanh. 

► Trục xuất đối với công dân EU, thành viên gia đình công dân EU

Công dân EU hoặc thành viên gia đình của họ sẽ bị trục xuất khỏi nước thành viên tiếp nhận vì lý do công cộng, an ninh hoặc y tế. Các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại và cư trú phải tuân theo nguyên tắc tương ứng và được dựa hoàn toàn vào mức độ nguy hiểm của cá nhân liên quan. Tiền án hình sự trước đó không thể được xem là nguyên nhân hợp lý cho các biện pháp như vậy. Trong bất kỳ trường hợp nào, trước khi ra quyết định trục xuất, các nước thành viên phải xem xét nhiều yếu tố như thời gian cư trú của người đó, tuổi tác, mức độ hòa nhập vào bên cạnh gia đình và kết nối chung với nước mà người đó đã rời đi. Người được quyết định từ chối cho nhập cảnh hoặc cư trú tại một nước thành viên phải được thông báo một cách rõ ràng.Lệnh trục suất trọn đời không thể được ban hành trong bất kỳ trường hợp nào. Cá nhân liên quan có thể nộp đơn xin xem xét lại việc trục suất sau 3 năm. Chỉ thị cũng đưa ra quy định về một loạt sự bảo đảm về mặt thủ tục pháp lý. Đặc biệt vậy người đó có thể sử dụng các thủ tục tố tụng nếu cần thiết để đảm bảo quyền được xem xét lại lệnh trục xuất tại nước thành viên tiếp nhận

KẾT LUẬN

“Tự do đi lại của người dân đối với châu Âu cũng như các chân móng của tòa nhà, dỡ chúng đi thì tất cả sẽ sụp đổ”, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso đã nhắc về tầm quan trọng của Hiệp ước Schengen. Do đó, không gian Schengen có thể coi là không biên giới với sự tự do đi lại dành cho gần 500 triệu công dân là một trong những thành tựu thể hiện tính hòa nhập nhất của Liên minh châu Âu, thể hiện ý nghĩa sâu sắc trên mọi lĩnh vực văn hóa, chính trị và xã hội[4]. 

---

[1] Xem Phạm Việt Anh, Hợp tác tư pháp và nội vụ của Liên minh châu Âu, trường Đại học Luật Hà Nội, Khóa luận tốt nghiệp, 2010, tr. 36. 

[2] Phạm Việt Anh (2010), Hợp tác tư pháp và nội vụ của liên minh châu Âu, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.36.

[3] Vũ Hà Thu, Kiểm soát biên giới và thị thực của Liên minh châu Âu- những vấn đề pháp lý và thực tiễn, trường Đại học Luật Hà Nội. Khóa luận tốt nghiệp, 2012. 

[4] Xem True Knowledge: What is the population of European Union in 2012. 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *