Tranh Chấp Về Quyền Sử Dụng Đất - Luật Apollo

  1. 1. 1. Làm sao để đòi lại đất đã cho mượn, ở nhờ lâu dài?
    1. 1. Vụ việc 1:
    2. 2. Vụ việc 2:
  2. 2. 2. Khi bị Chủ cũ đòi lại đất giải quyết thế nào?
    1. 1. Vụ việc 1
    2. 2. Vụ việc 2
  3. 3. 3. Đòi lại đất khai hoang không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đất đai là một tài nguyên rất quan trọng, luôn được đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt của nhà nước, các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất cũng phải tuân thủ theo những quy định chặt chẽ của pháp luật. Trong đời sống hiện nay, vấn đề trah chấp về quyền sử dụng đất không còn xa lạ, diễn ra rất phổ biến đặc biệt là những người thân thích với nhau. 

Dưới đây là những phân tích, đánh giá về những trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất phổ biến, sẽ giải đáp cho bạn đọc những vấn đề pháp lý xoay quanh tranh chấp đất đai, mời bạn đọc tham khảo!

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Đất đai 2013

1. Làm sao để đòi lại đất đã cho mượn, ở nhờ lâu dài?

Vụ việc 1:

Chào luật sư, tôi tên là Nguyễn Văn N, tôi có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn như sau: Tôi có một mảnh đất tại huyện X (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một mình tôi), được thừa kế từ người bố đã chết. Tôi đang sống cùng gia đình tại huyện Y, không có nhu cầu sử dụng mảnh đất kia nên đã để trống mảnh đất đó được 03 năm. Hiện nay, em họ tôi đang ngỏ ý muốn mượn mảnh đất kia để xây nhà để ở vì thấy đất đang để trống. Tôi muốn hỏi là tôi có được cho mượn đất không? Nếu em họ tôi đã sử dụng đất lâu dài thì sau này tôi có nhu cầu, muốn đòi lại đất thì có được hay không?

Tranh Chấp Về Quyền Sử Dụng Đất - Luật Apollo

Trả lời:

Chào anh N, đối với thắc mắc của anh, Luật Apollo xin giải đáp như sau:

► Thứ nhất, về tính hợp pháp của việc cho mượn đất

Theo quy định tại khoản 1 điều 167 Luật Đất đai 2013:

“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Có thể thấy, pháp luật đất đai chỉ liệt kê các quyền của người sử dụng đất bao gồm quyền chuyển đổi, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, quyền cho thuê lại, quyền thừa kế, quyền tặng cho, quyền thế chấp, quyền góp vốn quyền sử dụng đất, không có quy định về vấn đề cho mượn quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan không cấm hành vi cho mượn quyền sử dụng đất. Theo nguyên tắc, người sử dụng đất được phép làm những việc mà pháp luật không cấm. 

Do đó, người sử dụng đất hoàn toàn có quyền cho người khác mượn quyền sử dụng đất của mình. Việc cho người khác mượn quyền sử dụng đất của mình không đồng nghĩa với việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất sang người được cho mượn mà chỉ là cho phép người đó khai thác, hưởng lợi từ việc sử dụng đất trong một khoảng thời gian nhất định.

Khi anh và em họ phát sinh quan hệ cho mượn quyền sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của hai bên sẽ tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về quyền và nghĩa vụ của bên mượn và bên cho mượn tài sản, lần lượt từ điều 496 đến điều 499.

► Thứ hai, về vấn đề đòi lại đất đã cho ở nhờ lâu dài

Theo như thông tin anh cung cấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên của anh, do vậy mảnh đất thuộc quyền sử dụng của anh. Và như đã nói ở trên, việc anh cho em họ mượn quyền sử dụng đất để xây nhà sẽ không làm chuyển quyền sử dụng đất từ anh sang em họ. 

Theo quy định tại điều 496 Bộ luật Dân sự 2015, một trong những nghĩa vụ của bên mượn tài sản là “Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.”

Do vậy, mặc dù đã cho mượn đất nhưng khi anh có nhu cầu, anh vẫn có thể đòi lại đất từ em họ. Tuy nhiên, để tránh việc xảy ra tranh chấp khi đòi lại đất, trong quá trình giao kết hợp đồng mượn tài sản, anh nên thỏa thuận rõ với em họ các vấn đề liên quan tới thời hạn mượn đất, mục đích mượn đất, quyền và nghĩa vụ của các bên.

>>> Xem thêm: Luật sư tư vấn Tranh chấp đất đai

Vụ việc 2:

Chào luật sư, tôi có thắc mắc mong muốn được giải đáp:

Bố mẹ tôi có một mảnh đất ở quê (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố tôi), do chưa sử dụng nên đã cho cô họ mượn để ở nhờ. Nay gia đình tôi đang có một vài vấn đề về tài chính muốn bán mảnh đất ở quê đi để lấy tiền lo liệu, nhưng khi đòi thì cô họ lại không chịu trả với lý do mình đã ở đất này ổn định lâu dài. Tôi muốn hỏi là gia đình tôi nên làm gì để đòi lại mảnh đất đó?

tranh chấp về quyền sử dụng đất - đòi lại đất cho mượn ở nhờ

Trả lời:

Chào bạn, đối với tình huống của bạn đưa ra, luật Apollo xin giải đáp như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên của bố bạn, do vậy, mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của bố bạn. Việc bố bạn cho cô họ của bạn mượn đất không chuyển giao quyền sử dụng đất từ bố bạn sang cô bạn mà chỉ là cho phép cô bạn được khai thác, sử dụng mảnh đất đó trong một thời gian nhất định. Khi bố bạn đòi lại đất thì cô bạn có nghĩa vụ phải trả lại mảnh đất đó.

Về phương thức đòi lại đất đã cho mượn ở nhờ, hiện nay, pháp luật quy định có hai phương thức sau:

► Thứ nhất, phương thức hòa giải

Theo khoản 2 điều 3 Nghị quyết 04/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về trả lại đơn khởi kiện, nộp đơn khởi kiện lại vụ án:

“Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”

Tranh chấp về đòi lại đất đã cho mượn ở nhờ được xác định là tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất, do đó, hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc khi tiến hành giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nhà nước vẫn luôn khuyến khích các bên tiến hành hòa giải, coi hòa giải như là một bước đầu trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bởi nếu hòa giải thành thì tranh chấp sẽ được giải quyết một cách êm đẹp, tránh tốn thời gian và tiền bạc, giảm bớt công việc cho các cơ quan nhà nước.

Theo quy định của luật đất đai, các bên có thể tự hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở. Nếu không hòa giải được thì có thể gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tranh chấp để tiến hành hòa giải. Thủ tục hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã sẽ được thực hiện trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.

► Thứ hai, tiến hành khởi kiện ra tòa án

Do bố bạn có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tranh chấp đòi lại đất cho mượn ở nhờ trong trường hợp của bạn là tranh chấp mà đương sự có giấy chứng nhận theo khoản 1 điều 203 Luật Đất đai 2015, nên tranh chấp này sẽ do tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất giải quyết. 

Khi tiến hành khởi kiện, bạn cần chú ý chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện (theo mẫu)
  • Giấy tờ về nhân thân (chứng minh thư, căn cước công dân…)
  • Tài liệu có liên quan: hợp đồng cho mượn tài sản (nếu có), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….

Bạn có thể gửi trực tiếp hồ sơ này tại tòa án hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức điện tử theo Cổng thông tin điện tử của tòa án.

2. Khi bị Chủ cũ đòi lại đất giải quyết thế nào?

Vụ việc 1

Chào luật sư, tôi tên là Đinh Tiến S, tôi có vấn đề này mong muốn nhận được tư vấn:

Hiện tại gia đình tôi đang sử dụng mảnh đất tại huyện B tỉnh V, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2005. Mảnh đất này là từ những năm 80 cha tôi thấy để trống nên đã đến xây nhà để sử dụng, gia đình tôi sử dụng đất từ đó và không hề phát sinh tranh chấp nào.

Đến năm 2010, có người tự xưng là chủ cũ của mảnh đất đó đòi lại đất từ cha tôi và những người kia, đồng thời cũng bảo rằng họ có giấy tờ để chứng minh đất đó là của mình. Ban đầu họ yêu cầu gia đình tôi phải trả lại đất hoặc phải trả tiền theo diện tích đất đang sử dụng nhưng gia đình tôi không đồng ý vì nhà tôi đã sử dụng mảnh đất đó từ rất lâu và cũng có sổ đỏ đàng hoàng. Dây dưa qua nhiều năm, đến nay tôi được biết rằng con cháu ông X đã khởi kiện ra tòa án.

Tôi muốn hỏi luật sư là mảnh đất đó nhà tôi đã sử dụng bấy lâu nay, có sổ đỏ thì bọn họ có quyền đòi lại hay không?

Giải đáp:

Chào bạn, đối với câu hỏi của bạn, luật Apollo xin được giải đáp như sau:

Căn cứ theo điều 2.4.a mục II Nghị quyết 02/2004 về thừa kế, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, thì việc chủ cũ đòi lại quyền sử dụng đất được quy định như sau:

“Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng và họ đã được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo... để được giao quyền sử dụng đất.”

Chủ cũ hoặc người thừa kế của chủ cũ chỉ có thể đòi lại quyền sử dụng đất nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điều 2.4.b mục II Nghị quyết 02/2004, cụ thể như sau:

“- Đất không bị Nhà nước quản lý trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Chủ cũ có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003;

- Người đang sử dụng đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và cũng không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 vì lý do người đó sử dụng đất là ở nhờ, mượn, thuê, lấn, chiếm đất hoặc bằng các giao dịch dân sự khác trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Trong trường hợp của bạn, gia đình bạn đã sử dụng đất liên tục ổn định từ năm 1975 và không có tranh chấp cho đến khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2005 theo quy định của Luật Đất đai 2003. Đối chiếu với các quy định pháp luật như trên, chủ cũ hay người thừa kế của người đó không có cơ sở để đòi lại đất từ gia đình bạn. Chỉ trong trường hợp những người đó có căn cứ chứng minh cha của bạn có hành vi gian dối, lừa đảo… để được giao quyền sử dụng đất thì họ mới có cơ sở để đòi lại đất.

tranh chấp về quyền sử dụng đất - chủ cũ đòi lại đất

Vụ việc 2

Chào luật sư, tôi có thắc mắc liên quan tới vấn đề đất đai mong muốn được giải đáp:

Năm 2002, gia đình tôi được ủy ban nhân dân xã X huyện Y cấp sổ đỏ, chúng tôi cũng nộp tiền thuế đầy đủ đối với mảnh đất được cấp sổ đỏ đó nhưng do chưa có nhu cầu nên nhà tôi không xây nhà trên mảnh đất này mà sống cùng ông bà tại mảnh đất khác ở cùng xã.

Đến nay, tôi muốn bán lại mảnh đất đó với giá rẻ cho anh họ nên đã đi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng lại phát hiện ra rằng mảnh đất đó đã được cấp giấy chứng nhận cho một hộ gia đình khác từ năm 2015, trùng hợp là nhà đó cũng chưa tiến hành xây dựng nhà ở trên đất. Khi được hỏi thì họ lại bảo ông bà của họ là chủ cũ của mảnh đất này từ những năm 60 nhưng do chiến tranh nên đã chuyển đi nơi khác sống.

Luật sư cho tôi hỏi là giờ tôi phải làm gì để được bảo đảm quyền lợi?

Giải đáp:

Đối với câu hỏi của bạn, luật Apollo xin giải đáp như sau:

Thông thường, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ chỉ cấp cho một người, trừ trường hợp có nhiều người sử dụng chung mảnh đất thì mỗi người sẽ được cấp 01 giấy chứng nhận. Trường hợp của bạn, mảnh đất đó không hề  được sử dụng chung nên việc có hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên một mảnh đất là không đúng về mặt pháp luật.

Trước tiên, bạn cần phải chứng minh được quyền của mình đối với mảnh đất này. Để làm được điều này, bạn cần thu thập và xuất trình trước cơ quan có thẩm quyền các loại giấy tờ được quy định tại khoản 1 điều 100 Luật Đất đai 2013 (có thể là các giấy tờ thể hiện việc bạn thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất, lập các biên bản họp tại địa phương nhờ những người có uy tín, hàng xóm ký vào xác nhận quyền sử dụng đất thuộc về ai). Từ những căn cứ đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nhận định và giải quyết cho bạn. 

Sau đó, bạn có quyền yêu cầu ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ gia đình kia. Theo điểm d khoản 2 điều 106 Luật Đất đai, một trong các trường hợp Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận là:

“Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”

Ngoài ra, trong trường hợp bạn và hộ gia đình kia xảy ra tranh chấp về xác định ai là người có quyền sử dụng đất thì trước tiên bắt buộc phải tiến hành hòa giải, các bên có thể tự hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở. Nếu không hòa giải được thì có thể gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tranh chấp để tiến hành hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành, có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết, tòa án sẽ xem xét các chứng cứ mà hai bên đưa ra để xác định ai là người có quyền sử dụng đất.

3. Đòi lại đất khai hoang không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Vụ việc:

Chào luật sư, tên tôi là Trần Trung H, tôi có vấn đề này liên quan tới việc đòi lại đất khai hoang mong muốn được giải đáp:

Vào năm 1990, khi mới lấy nhau, bố mẹ tôi cùng khai hoang một mảnh đất ở quê và sử dụng liên tục mảnh đất đó trong vòng khoảng 15 năm, tuy nhiên khi đó bố mẹ tôi không làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, đến năm 2006 thì bố mẹ tôi chuyển đi nơi khác sinh sống. Hiện nay, do nhà có công việc cần đến tiền gấp nên bố mẹ tôi muốn bán mảnh đất đã khai hoang ở quê để lấy tiền trang trải. Tuy nhiên, chúng tôi lại phát hiện mảnh đất đó hiện tại đang được bà V (một người hàng xóm cũ) sử dụng để trồng trọt. Khi nhà tôi yêu cầu bà V trả lại đất thì bà không đồng ý lấy lý do là gia đình tôi không có sổ đỏ và nhà bà V đã sử dụng mảnh đất này từ lâu. Do vậy, hai bên đã xảy ra tranh chấp. Tôi muốn hỏi luật sư liệu giờ bố mẹ tôi xin cấp sổ đỏ có được không? Trong trường hợp của tôi thì phải giải quyết tranh chấp như thế nào?

tranh chấp về quyền sử dụng đất - đòi lại đất khai hoang không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giải đáp:

Chào bạn, đối với vấn đề đòi lại đất khai hoang mà bạn đưa ra, luật Apollo xin giải đáp như sau:

► Thứ nhất, về việc cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)

Trường hợp của gia đình bạn là trường hợp sử dụng đất thuộc quy định tại khoản 2 điều 101 Luật Đất đai 2013, theo đó, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Đất được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/07/2004. Việc sử dụng đất ổn định được quy định tại khoản 1 điều 21 Nghị định 43/2014 như sau: “Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).”
  • Không vi phạm pháp luật đất đai.
  • Được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.

Như vậy, đối chiếu với các điều kiện trên, do mảnh đất khai hoang đang xảy ra tranh chấp nên bố mẹ bạn không thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất đó được. Do đó, nếu muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước tiên, tranh chấp liên quan tới mảnh đất cần được giải quyết.

Thứ hai, về việc giải quyết tranh chấp

Trong trường hợp của gia đình bạn, tranh chấp xảy ra là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, theo khoản 2 điều 3 Nghị quyết 04/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về trả lại đơn khởi kiện, nộp đơn khởi kiện lại vụ án:

“Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.”

Do đó, trong trường hợp này, thủ tục hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp. 

Theo quy định của luật đất đai, các bên có thể tự hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở. Nếu không hòa giải được thì có thể gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tranh chấp để tiến hành hòa giải. Thủ tục hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã sẽ được thực hiện trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản và có chữ ký xác nhận của các bên, ủy ban nhân dân cấp xã sẽ xác nhận việc hòa giải thành hay hòa giải không thành. Biên bản hòa giải sẽ được gửi đến các bên tranh chấp và được lưu tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Trường hợp hòa giải không thành, tranh chấp lại là tranh chấp mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy quy định tại điều 100 Luật Đất đai thì có thể lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại điều 203 Luật Đất đai 2013 như sau:

  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại ủy ban nhân dân, do đây là tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau nên sẽ do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết, nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
  • Khởi kiện tại tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp này là tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản. 

⇒ Có thể thấy, việc đòi lại đất khai hoang không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hề đơn giản và rất dễ dẫn đến tranh chấp. Do đó, người sử dụng đất cần chú ý đến vấn đề xin cấp giấy chứng nhận khi đã đủ điều kiện để có thể sử dụng đất ổn định, bảo đảm được quyền lợi và tránh tranh chấp xảy ra.

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc những kiến thức pháp luật liên quan đến Tranh chấp về quyền sử dụng đất. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về đất đai cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *