Tranh Chấp Ranh Giới Đất Liền Kề - Luật Apollo

  1. 1. Cách xác định ranh giới đất liền kề
  2. 2. Hòa giải giải quyết tranh chấp
  3. 3. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án
  4. 4. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp ranh giới đất liền kề 

Tranh chấp ranh giới đất liền kề là một trong những tranh chấp rất phổ biến hiện nay. Việc giải quyết tranh chấp có thể kéo dài và mất nhiều thời gian. Pháp luật quy định các bên có thể tự giải quyết tranh chấp thông qua thỏa thuận, hòa giải, hoặc khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Vậy thỏa thuận, hòa giải, khởi kiện được tiến hành khi nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý? Nội dung trên sau đây sẽ được Luật Apollo hướng dẫn cụ thể. 

Cơ sở pháp lý:

1. Bộ luật dân sự 2015

2. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 

3. Luật đất đai 2013 

4. Nghị định  43/2014/NĐ-CP 

5. Nghị quyết 04/2017/NQ-HDTP

Cách xác định ranh giới đất liền kề

Theo điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật dân sự 2015 ta có thể hiểu đất đai là bất động sản theo quy định của pháp luật. Bất động sản là một thuật ngữ pháp luật có ý nghĩa bao gồm đất đai và những gì dính liền vĩnh viễn với mảnh đất. Những thứ được xem là dính liền vĩnh viễn như là nhà cửa, cây cối, kiến trúc hoặc các công trình khác,...Những thứ có thể dỡ ra khỏi mảnh đất như lều, cây trong chậu,.. thì không phải bất động sản. 

Cách xác định ranh giới đất liền kề được quy định tại Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 theo đó:

Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

Để giúp cho việc đơn giản hóa trong việc xác định ranh giới đất liền kề, người sử dụng đất có thể cung cấp tài liệu, bản đồ qua các thời kỳ, hợp đồng chuyển nhượng đất, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất,...từ đó ta có thể xác định bên lấn chiếm, xê dịch ranh giới đất làm cơ sở cho hòa giải hoặc khởi kiện.

>>> Xem thêm: Luật sư tư vấn Tranh chấp đất đai

Hòa giải giải quyết tranh chấp

Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

  • Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
  • Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

=> Tranh chấp ranh giới đất liền kề là tranh chấp ai có quyền sử dụng phần đất liền kề nên phải tiến hành hòa giải trước rồi mới có đủ điều kiện khởi kiện để tiến hành khởi kiện. 

Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai theo đó:

  • Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
  • Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
  • Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã (theo Điều 88 Nghị định 43/2014 NĐ-CP) được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

=> Căn cứ vào kết quả hòa giải mà xảy ra 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Khoản 5 Điều 202 Luật Đất đai 2013).

Trường hợp 2: Hòa giải không thành thì căn cứ vào Điều 203 Luật Đất đai. Theo đó: 

  • Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
  • Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền: Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (Thủ tục tại Điều 89 Nghị định 43/2014). Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (Thủ tục tại Điều 90 Nghị định 43/2014)

+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

⇒ Từ quy định trên, có thể thấy nhà nước luôn khuyến khích các bên thực hiện việc tự hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở trước, sau đó nếu không đạt được kết quả như mong muốn thì mới tiến hành hòa giải theo quy định của luật. Cuối cùng nếu như hòa giải bởi sự can thiệp của cơ quan nhà nước không thành thì các bên mới khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền như là bước cuối cùng để giải quyết tranh chấp. 

Thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Việc xác định Tòa án nhân dân có thẩm quyền dựa trên loại vụ việc, lãnh thổ và cấp tòa án.

Căn cứ vào Điều 35 về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Điều 36 về thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện, thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự bao gồm các tranh chấp về đất đai.

Căn cứ vào điểm c khoản 1 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì trường hợp “đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Do đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản.

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp ranh giới đất liền kề 

Theo khoản 3 Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp ranh giới đất liền kề không được áp dụng:

Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

4. Trường hợp khác do luật quy định.

Điều này có nghĩa là bất kỳ khi nào người sử dụng đất có tranh chấp về quyền sử dụng đất đều có thể tiến hành khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.  Đất đai đem đến nhiều giá trị thực tiễn vừa là nơi để cư ngụ, vừa là tài sản tạo nên nhiều lợi ích và của cải nên việc người dân muốn có nhiều đất, muốn đất có địa hình đẹp cũng là điều dễ hiểu. Pháp luật không đặt ra việc tính thời hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân một cách tuyệt đối. 

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về tranh chấp ranh giới đất liền kề. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về đất đai cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an



 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *