Làm Thế Nào Để Đòi Lại Đất Cho Mượn, Ở Nhờ - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
-
1. Làm thế nào để Đòi lại đất cho mượn, ở nhờ?
- 1. Vụ việc 1:
- 2. Vụ việc 2:
Đất đai là một tài nguyên rất quan trọng, luôn được đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt của nhà nước, các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất cũng phải tuân thủ theo những quy định chặt chẽ của pháp luật. Trong đời sống hiện nay, việc cho mượn quyền sử dụng đất diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là giữa những người thân thích với nhau. Cùng với đó vấn đề tranh chấp liên quan tới đòi lại đất đã cho mượn, ở nhờ cũng xuất hiện nhiều và khá phức tạp.
Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn đọc những vấn đề pháp lý xoay quanh vấn đề Đòi lại đất cho mượn, ở nhờ, mời bạn đọc tham khảo!
Căn cứ pháp lý:
Làm thế nào để Đòi lại đất cho mượn, ở nhờ?
Vụ việc 1:
Chào luật sư, tôi tên là Nguyễn Văn N, tôi có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn như sau: Tôi có một mảnh đất tại huyện X (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một mình tôi), được thừa kế từ người bố đã chết. Tôi đang sống cùng gia đình tại huyện Y, không có nhu cầu sử dụng mảnh đất kia nên đã để trống mảnh đất đó được 03 năm. Hiện nay, em họ tôi đang ngỏ ý muốn mượn mảnh đất kia để xây nhà để ở vì thấy đất đang để trống. Tôi muốn hỏi là tôi có được cho mượn đất không? Nếu em họ tôi đã sử dụng đất lâu dài thì sau này tôi có nhu cầu, muốn đòi lại đất thì có được hay không?
Trả lời:
Chào anh N, đối với thắc mắc của anh, Luật Apollo xin giải đáp như sau:
► Thứ nhất, về tính hợp pháp của việc cho mượn đất
Theo quy định tại khoản 1 điều 167 Luật Đất đai 2013:
“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”
Có thể thấy, pháp luật đất đai chỉ liệt kê các quyền của người sử dụng đất bao gồm quyền chuyển đổi, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, quyền cho thuê lại, quyền thừa kế, quyền tặng cho, quyền thế chấp, quyền góp vốn quyền sử dụng đất, không có quy định về vấn đề cho mượn quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan không cấm hành vi cho mượn quyền sử dụng đất. Theo nguyên tắc, người sử dụng đất được phép làm những việc mà pháp luật không cấm.
Do đó, người sử dụng đất hoàn toàn có quyền cho người khác mượn quyền sử dụng đất của mình. Việc cho người khác mượn quyền sử dụng đất của mình không đồng nghĩa với việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất sang người được cho mượn mà chỉ là cho phép người đó khai thác, hưởng lợi từ việc sử dụng đất trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi anh và em họ phát sinh quan hệ cho mượn quyền sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của hai bên sẽ tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về quyền và nghĩa vụ của bên mượn và bên cho mượn tài sản, lần lượt từ điều 496 đến điều 499.
► Thứ hai, về vấn đề đòi lại đất đã cho ở nhờ lâu dài
Theo như thông tin anh cung cấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên của anh, do vậy mảnh đất thuộc quyền sử dụng của anh. Và như đã nói ở trên, việc anh cho em họ mượn quyền sử dụng đất để xây nhà sẽ không làm chuyển quyền sử dụng đất từ anh sang em họ.
Theo quy định tại điều 496 Bộ luật Dân sự 2015, một trong những nghĩa vụ của bên mượn tài sản là “Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.”
Do vậy, mặc dù đã cho mượn đất nhưng khi anh có nhu cầu, anh vẫn có thể đòi lại đất từ em họ. Tuy nhiên, để tránh việc xảy ra tranh chấp khi đòi lại đất, trong quá trình giao kết hợp đồng mượn tài sản, anh nên thỏa thuận rõ với em họ các vấn đề liên quan tới thời hạn mượn đất, mục đích mượn đất, quyền và nghĩa vụ của các bên.
>>> Xem thêm: Luật sư tư vấn Tranh chấp đất đai
Vụ việc 2:
Chào luật sư, tôi có thắc mắc mong muốn được giải đáp:
Bố mẹ tôi có một mảnh đất ở quê (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố tôi), do chưa sử dụng nên đã cho cô họ mượn để ở nhờ. Nay gia đình tôi đang có một vài vấn đề về tài chính muốn bán mảnh đất ở quê đi để lấy tiền lo liệu, nhưng khi đòi thì cô họ lại không chịu trả với lý do mình đã ở đất này ổn định lâu dài. Tôi muốn hỏi là gia đình tôi nên làm gì để đòi lại mảnh đất đó?
Trả lời:
Chào bạn, đối với tình huống của bạn đưa ra, luật Apollo xin giải đáp như sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên của bố bạn, do vậy, mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của bố bạn. Việc bố bạn cho cô họ của bạn mượn đất không chuyển giao quyền sử dụng đất từ bố bạn sang cô bạn mà chỉ là cho phép cô bạn được khai thác, sử dụng mảnh đất đó trong một thời gian nhất định. Khi bố bạn đòi lại đất thì cô bạn có nghĩa vụ phải trả lại mảnh đất đó.
Về phương thức đòi lại đất đã cho mượn ở nhờ, hiện nay, pháp luật quy định có hai phương thức sau:
► Thứ nhất, phương thức hòa giải
Theo khoản 2 điều 3 Nghị quyết 04/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về trả lại đơn khởi kiện, nộp đơn khởi kiện lại vụ án:
“Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”
Tranh chấp về đòi lại đất đã cho mượn ở nhờ được xác định là tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất, do đó, hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc khi tiến hành giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nhà nước vẫn luôn khuyến khích các bên tiến hành hòa giải, coi hòa giải như là một bước đầu trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bởi nếu hòa giải thành thì tranh chấp sẽ được giải quyết một cách êm đẹp, tránh tốn thời gian và tiền bạc, giảm bớt công việc cho các cơ quan nhà nước.
Theo quy định của luật đất đai, các bên có thể tự hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở. Nếu không hòa giải được thì có thể gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tranh chấp để tiến hành hòa giải. Thủ tục hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã sẽ được thực hiện trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.
► Thứ hai, tiến hành khởi kiện ra tòa án
Do bố bạn có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tranh chấp đòi lại đất cho mượn ở nhờ trong trường hợp của bạn là tranh chấp mà đương sự có giấy chứng nhận theo khoản 1 điều 203 Luật Đất đai 2015, nên tranh chấp này sẽ do tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất giải quyết.
Khi tiến hành khởi kiện, bạn cần chú ý chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu)
- Giấy tờ về nhân thân (chứng minh thư, căn cước công dân…)
- Tài liệu có liên quan: hợp đồng cho mượn tài sản (nếu có), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….
Bạn có thể gửi trực tiếp hồ sơ này tại tòa án hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức điện tử theo Cổng thông tin điện tử của tòa án.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Đòi lại đất cho mượn ở nhờ cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022