Xử Lý Kỷ Luật Cách Chức - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Tư, 30 Tháng Mười Một 2022
- 1. Thế nào là xử lý kỷ luật cách chức?
- 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật cách chức
- 3. Áp dụng xử lý kỷ luật cách chức đối với một số trường hợp cụ thể
- 4. Xóa kỷ luật lao động cách chức
Xử lý kỷ luật là quyền của người sử dụng lao động khi người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động nhằm thiết lập trật tự, nề nếp và tạo sự đồng bộ, thống nhất đối với người lao động. Trong số các hình thức xử lý kỷ luật lao động thì cách chức là một biện pháp xử lý khá đặc trưng bởi nó chỉ áp dụng đối với một số người lao động nhất định. Vậy, xử lý kỷ luật cách chức là gì? Pháp luật quy định về cách chức ra sao?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Xử lý kỷ luật cách chức, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Thế nào là xử lý kỷ luật cách chức?
Bộ luật Lao động 2019 chỉ quy định cách chức là một hình thức xử lý kỷ luật, không quy định cụ thể khái niệm của hình thức kỷ luật này. Xử lý kỷ luật cách chức chỉ được áp dụng đối với người lao động hiện đang giữ chức vụ trong doanh nghiệp như giám đốc marketing, giám đốc pháp chế, giám đốc tài chính, trưởng phòng, quản đốc, cửa hàng trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng… Đối với người lao động bình thường không có chức vụ sẽ không thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.
Pháp luật cho phép người sử dụng lao động quy định cụ thể các hành vi vi phạm áp dụng hình thức xử lý cách chức. Mỗi doanh nghiệp xây dựng một hệ thống các cấp bậc quản lý từ cao xuống thấp khác nhau, do đó, để áp dụng hình thức cách chức, người sử dụng lao động phải xem xét các vị trí làm việc trong đơn vị mình để có những quy định phù hợp.
Nguyên tắc xử lý kỷ luật cách chức
Cách chức là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động, do vậy, khi người sử dụng lao động xử lý cách chức người lao động cũng phải tuân theo các nguyên tắc xử lý kỷ luật thông thường quy định tại điều 122 Bộ luật Lao động 2019:
“1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.”
Áp dụng xử lý kỷ luật cách chức đối với một số trường hợp cụ thể
Áp dụng xử lý kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Điều 12 Nghị định 112/2020 quy định cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức nếu thuộc các trường hợp sau:
“1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định này mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này;
3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ;
4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.”
Áp dụng xử lý kỷ luật cách chức đối với viên chức quản lý
Viên chức quản lý nếu có hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại điều 18 Nghị định 112/2020 thì cũng sẽ bị áp dụng hình thức xử lý cách chức:
“1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 17 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;
4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ.”
Xóa kỷ luật lao động cách chức
Khoản 1 điều 126 Bộ luật Lao động 2019 quy định về vấn đề xóa kỷ luật lao động cách chức như sau:
“Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức sau 03 năm kể từ ngày bị xử lý, nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.”
Theo đó, người lao động bị xử lý cách chức sau 03 năm kể từ ngày bị xử lý nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật thì đương nhiên được xóa kỷ luật. Hết thời hạn 03 năm, người lao động sẽ được khôi phục lại chức vụ mà không cần người sử dụng lao động bổ nhiệm lại. Việc quy định như vậy sẽ giúp người lao động vi phạm có cơ hội sửa chữa, khắc phục bản thân, phấn đấu trở thành lực lượng có ích cho doanh nghiệp.
Có thể nói, hình thức xử lý kỷ luật cách chức là hình thức xử lý kỷ luật lao động khá đặc biệt bởi nó chỉ áp dụng đối với một bộ phận người lao động nhất định. Vì thế, người sử dụng lao động cần quy định rõ ràng việc áp dụng hình thức kỷ luật này để việc thực thi được diễn ra một cách hợp lý.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Kỷ luật lao động cách chức cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Tư, 30 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Tư, 30 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Tư, 30 Tháng Mười Một 2022
luatapollo
Thứ Tư, 30 Tháng Mười Một 2022