Có Được Giữ Bản Chính Giấy Tờ Tùy Thân Khi Xin Việc Hay Không - Luật Apollo
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 2022
-
1. Quy định chung về giao kết hợp đồng lao động
- 1. Khái niệm giao kết hợp đồng lao động
- 2. Vai trò của giao kết hợp đồng lao động
- 3. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên khi giao kết hợp đồng lao động
- 2. Người sử dụng lao động có được giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động không?
- 3. Xử lý đối với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân khi giao kết hợp đồng lao động
Cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động là nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, tạo tiền đề đầu tiên cho việc thiết lập mối quan hệ của hai bên. Giấy tờ tùy thân là một trong những loại giấy tờ mà người sử dụng lao động thường yêu cầu người lao động xuất trình trong khi giao kết hợp đồng lao động. Vậy, người sử dụng lao động có được giữ bản chính giấy tờ tùy thân khi giao kết hợp đồng lao động hay không?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về vấn đề này được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Quy định chung về giao kết hợp đồng lao động
Khái niệm giao kết hợp đồng lao động
Mặc dù Bộ luật Lao động 2019 không đưa ra khái niệm về giao kết hợp đồng lao động, song có thể hiểu, giao kết hợp đồng lao động là giai đoạn người lao động và người sử dụng lao động đưa ra các thỏa thuận và cam kết thực hiện các thỏa thuận đó bao gồm tiền công, tiền lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động và đi đến thống nhất xác lập các nội dung dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.
Vai trò của giao kết hợp đồng lao động
- Thứ nhất, giao kết hợp đồng lao động là cơ sở hình thành nên quan hệ lao động. Để có được quan hệ lao động các bên bắt buộc phải trải qua giai đoạn này-giai đoạn tiền đề cho một quan hệ lao động. Đây là giai đoạn các bên thỏa thuận đàm phán và ký kết hợp đồng lao động, là điều kiện bắt buộc trước khi hình thành quan hệ lao động. Nếu cả hai bên đều thỏa thuận và thống nhất được các quyền và nghĩa vụ thì họ mới tiến hành ký kết hợp đồng lao động, kể từ đó mới hình thành nên quan hệ lao động. Vì vậy, đây là giai đoạn tiền để để hình thành và cũng là căn cứ pháp lý để xác lập quan hệ lao động.
- Thứ hai, quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động sẽ được đảm bảo khi thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động. Nếu việc giao kết được thực hiện tốt theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nguyện vọng lợi ích của các bên thì quyền lợi của các bên sau này sẽ được đảm bảo, quan hệ lao động sẽ được duy trì bền vững lâu dài và tranh chấp lao động sẽ hạn chế xảy ra. Nếu việc giao kết không đảm bảo sẽ có thể dẫn tới hợp đồng lao động vô hiệu, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và nghĩa vụ của các bên, thậm chí quan hệ lao động có thể bị chấm dứt. Vì vậy, giai đoạn giao kết hợp đồng lao động có thể xem là giai đoạn quyết định cho số phận của quan hệ lao động cũng như lợi ích của các bên.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên khi giao kết hợp đồng lao động
Về vấn đề này, điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.”
Như vậy, khi giao kết hợp đồng lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho đối phương. Trong khi các thông tin mà người sử dụng lao động phải cung cấp chủ yếu là các thông tin liên quan đến công việc thì người lao động lại có nghĩa vụ cung cấp các thông tin về nhân thân, trình độ phù hợp với công việc.
Người sử dụng lao động có được giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động không?
Nghĩa vụ cung cấp các thông tin là một trong những nghĩa vụ của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc người lao động xuất trình các giấy tờ tùy thân như căn cước, chứng minh thư, hộ chiếu, hộ khẩu…
Người sử dụng lao động có thể xem xét, đối chiếu các giấy tờ tùy thân mà người lao động cung cấp, song không được giữ lại bản chính các giấy tờ này. Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi giao kết hợp đồng lao động bao gồm các hành vi sau đây:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”
Như vậy, theo quy định pháp luật, hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp chứng chỉ của người lao động là một trong những hành vi bị cấm khi giao kết hợp đồng lao động. Nếu thực hiện hành vi này, người sử dụng lao động có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Xử lý đối với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân khi giao kết hợp đồng lao động
Hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân khi giao kết hợp đồng lao động là một hành vi vi phạm hành chính, sẽ bị xử lý theo khoản 2 điều 9 Nghị định 12/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Theo đó, quy định về xử phạt hành vi này như sau:
“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.”
Như vậy, khi người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng sẽ bị buộc phải trả lại các giấy tờ tùy thân đã giữ của người lao động.
Nhìn chung, giấy tờ tùy thân là các loại giấy tờ vô cùng quan trọng, vì thế người lao động khi tiến hành giao kết hợp đồng lao động được yêu cầu cung cấp các giấy tờ này cần lưu ý để tránh bị xâm phạm quyền lợi.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Giấy tờ khi đi xin việc cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 2022