Cách Tính Lương Trong Doanh Nghiệp - Luật Apollo
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một 2022
-
1. Tiền lương là gì?
- 1. Khái niệm tiền lương
- 2. Cơ cấu tiền lương
-
2. Cách tính lương
- 1. Cách tính lương tháng 13
- 2. Cách tính lương tăng ca
- 3. Cách tính lương theo giờ
- 4. Cách tính lương theo % doanh thu
- 5. Cách tính lương trong thời gian thử việc
Tiền lương luôn là một trong những mục tiêu mà người lao động hướng tới khi thiết lập quan hệ lao động. Hiện nay, quan hệ lao động ngày càng đa dạng, do đó, các biến thể của tiền lương cũng ngày một phong phú, do vậy, xuất hiện nhiều cách tính tiền lương khác nhau phù hợp với từng loại tiền lương cụ thể. Vậy, tiền lương là gì? Có những cách tính tiền lương nào?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Cách tính lương trong doanh nghiệp, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Tiền lương là gì?
Khái niệm tiền lương
Khoản 1 điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định về khái niệm tiền lương như sau:
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Có thể hiểu, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và điều kiện lao động được xác định theo sự thỏa thuận hợp pháp giữa hai bên trong hợp đồng lao động và theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tiền lương
Tiền lương được cấu thành từ các bộ phận cơ bản gồm: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong doanh nghiệp là lương cơ bản, là một số tiền tương ứng với công việc trong điều kiện lao động bình thường mà người lao động thực hiện theo thỏa thuận khi tham gia quan hệ lao động.
- Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt,..., nói cách khác, phụ cấp lương là các khoản tiền lương bù đắp cho người lao động làm việc trong điều kiện không bình thường hoặc phải thực hiện công việc yêu cầu trách nhiệm cao hơn mức bình thường.
- Các khoản bổ sung khác: là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Cách tính lương
Cách tính lương tháng 13
Lương tháng 13 là khoản tiền người lao động được hưởng bên cạnh tiền lương cơ bản, bản chất của lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng do người lao động và doanh nghiệp tự đặt ra. Vì đây không phải khoản tiền bắt buộc phải trả cho người lao động nên tùy từng doanh nghiệp sẽ có cách tính lương tháng 13 khác nhau.
Cách tính lương tháng 13 phổ biến như sau:
- Lương tháng 13 thường sẽ được tính là bình quân mức lương của 12 tháng đối với người lao động đã làm việc đủ 1 năm tại doanh nghiệp.
- Đối với người lao động làm việc không đủ 1 năm thì sẽ tính theo công thức:
Lương tháng 13 = thời gian làm việc tính thưởng/12 x tiền lương trung bình
Ngoài ra, hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng cách tính lương tháng 13 bằng với lương tháng 12 để trả cho người lao động.
Cách tính lương tăng ca
Người lao động làm thêm giờ (tăng ca) vào thời gian nghỉ khác nhau có mức lương khác nhau, phụ thuộc vào tính chất, ý nghĩa của ngày nghỉ. Theo đó, khoản 1 điều 55 Nghị định 145/2020 quy định công thức tính tiền lương làm thêm giờ như sau:
“Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
a) Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động) chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm);
b) Mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường; mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần; mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.”
Cách tính lương theo giờ
Tiền lương theo giờ được tính theo công thức sau:
Lương theo giờ = Tiền lương ngày/Số giờ làm việc bình thường
Ngày 01/07/2022, Nghị định 38/2022 có hiệu lực, quy định mức lương tối thiểu theo giờ của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Cụ thể, lương theo giờ sẽ do người sử dụng lao động quy định nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu theo vùng như sau:
- Vùng I: 22.500 đồng/giờ
- Vùng II: 20.000 đồng/giờ
- Vùng III: 17.500 đồng/giờ
- Vùng IV: 15.600 đồng/giờ
Cách tính lương theo % doanh thu
Lương theo doanh thu là một khoản thu nhập người lao động được nhận phụ thuộc vào kết quả công việc mà họ đạt được. Cách tính lương theo doanh thu thường sẽ do các doanh nghiệp tự quy định sao cho phù hợp. Hiện nay, trong các doanh nghiệp thường phổ biến cách tính lương doanh thu theo công thức sau:
Lương doanh thu = Lương cứng hàng tháng + % doanh số bán hàng
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng áp dụng cách tính thưởng doanh thu theo bậc thang hoặc thưởng phần trăm theo điều kiện.
Cách tính lương trong thời gian thử việc
Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương thử việc như sau:
“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”
Công thức tính tiền lương thử việc:
Tiền lương thử việc >= Tiền lương chính thức x 85%
Như vậy, có thể thấy, tùy vào từng loại tiền lương mà sẽ có cách tính khác nhau. Các cách tính lương này có thể do pháp luật quy định hoặc do doanh nghiệp tự đặt ra để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Cách tính lương cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một 2022