Vi Phạm Quyền, Nghĩa Vụ Vợ Chồng - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
-
1. Vợ chồng có quyền, nghĩa vụ gì?
- 1. Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng
- 2. Quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng
-
2. Vi phạm các quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng thì sẽ bị xử lý ra sao?
-
1. Vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân
- 1. 1. Về việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
- 2. 2. Về hành vi bạo lực gia đình
-
2. Vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản
- 1. 1. Không tiến hành cấp dưỡng
- 2. 2. Lỗi của các bên làm căn cứ chia tài sản khi ly hôn
-
1. Vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân
Tình trạng bạo lực gia đình xảy ra rất phổ biến xung quanh chúng ta đem đến nhiều hệ lụy trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình và phát triển của trẻ nhỏ, gây rối trật tự - an toàn xã hội. Tình trạng trên là biểu hiện của sự vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Ngoài bạo lực gia đình còn có những vi phạm nào khác về quyền, nghĩa vụ vợ chồng. Nếu có thì hậu quả của những hành vi đó là gì?
Sau đây là những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề Vi phạm nghĩa vụ vợ chồng được chúng tôi tổng hợp, mời bạn đọc tham khảo!
Cơ sở pháp lý:
Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007
Vợ chồng có quyền, nghĩa vụ gì?
Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng
Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng mang yếu tố tình cảm, gắn liền với đời sống vợ chồng, có vai trò quan trọng là tiền đề cho các quyền và nghĩa vụ về tài sản. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng được quy định tại Điều 17, 18,19, 20, 21, 22, 23 Luật HNGĐ 2014.
1. Quyền, nghĩa vụ cơ bản về nhân thân
Các nhà làm luật đã lồng ghép các chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa Việt Nam vào quy định pháp luật. Vì vậy nó khác ở những quy tắc ứng xử thông thường ở chỗ, nếu vi phạm các quy tắc ứng về xã hội thì có thể không bị pháp luật trừng trị, thay vào đó họ có thể bị bàn tán, dư luận xã hội chỉ trích… Còn nếu là vợ chồng, quyền và nghĩa vụ đang được quy định trong luật thì khi xâm phạm về quyền, vi phạm về nghĩa vụ, người vi phạm (vợ hoặc chồng) sẽ phải chịu hình phạt thích đáng có thể là xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ nghiêm trọng của vi phạm.
Theo Điều 19 Luật HNGĐ 2014 quy định:
“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
- “Thương yêu”, “chung thủy” là hai yếu tố duy trì hạnh phúc gia đình, tạo nên giá trị thật sự của hôn nhân, ngày nay xảy nhiều tình trạng như vợ, chồng kết hôn hết tình cảm nên “ông ăn chả, bà ăn nem”, hoặc có vợ/chồng rồi vẫn muốn bắt đầu quan hệ yêu đương với người khác. Điều này nhen nhóm nên ngọn lửa thiệu rụi quan hệ vợ chồng vì bản chất tình yêu thời nay là một người với một người không thể sống với vợ nhưng vẫn có suy nghĩ khác không phải phép với người khác.
- “Tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” là nghĩa vụ không chỉ phụ thuộc vào người vợ hoặc chồng mà cả hai phải cùng vun vén, cùng chia sẻ những câu chuyện, khó khăn của mình để nhận được sự cảm thông, hỗ trợ từ bên kia. Ngược lại, khi nhận ra vợ, chồng cần chăm sóc, giúp đỡ thì người còn lại cần thực hiện để tình cảm vợ chồng đi lên, cuộc sống hôn nhân được đảm bảo. Xưa nay các công việc trong gia đình đều mặc định phải là người phụ nữ thực hiện, nhận biết được điều đó người làm luật đã đưa ra nghĩa vụ chia sẻ công việc trong gia đình, không chỉ người đàn ông tạo ra thu nhập cho gia đình mà người phụ nữ cũng có thể.
=> Không phải một mình người chồng là cần được nghỉ ngơi mà người làm nội trợ cũng cần những phút giây được thư giãn. Đây cùng là sự bình đẳng của pháp luật trong quan hệ vợ chồng
Về nghĩa vụ sống chung với nhau được tạo nên là tiền đề, cơ sở cho việc xây dựng mái ấm gia đình, sống chung mới có cơ hội để vợ chồng chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện các công việc trong gia đình hay nuôi dưỡng, dạy bảo con cái, việc chung sống giữa vợ chồng cũng là yếu tố giúp duy trì quan hệ vợ chồng. Chỉ khi do các yếu tố khách quan mang lại như tính chất nghề nghiệp, vợ/chồng phải học tập, công tác, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa hoặc lý do chính đáng khác, vợ chồng có thỏa thuận khác thì vợ chồng mới không cần sống chung.
2. Quyền, nghĩa vụ nhân thân khác
Điều 21 Luật HNGĐ 2014 quy định vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Điều 20 quy định về lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính. Điều 22 quy định vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; Điều 23 quy định vợ chồng có các quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó vợ chồng phải tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng
Quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng về tài sản trong hôn nhân được quy định tại Điều 24, 28, 29, 30, 31, 37 Luật HNGĐ 2014 như xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch; lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận; quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; …
Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.”
- Bình đẳng trong tài sản thể hiện như việc vợ chồng có nghĩa vụ như nhau trong việc tạo lập và bảo vệ khối tài sản chung. Quy định này vừa để cho vợ chồng đều có trách nhiệm chăm lo sản xuất; tạo thu nhập phát triển đời sống gia đình; và đề cao mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa vợ và chồng. Điều này cũng là nhằm tôn trọng công sức đóng góp của nhau trong quá trình xây dựng kinh tế gia đình.
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Các tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng đó là: Bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải đảm bảo lợi ích của người có tài sản. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của vợ, chồng.
Vi phạm các quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng thì sẽ bị xử lý ra sao?
Vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân
1. Về việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Điểm a, b, c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được nêu rõ:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.
Từ quy định của pháp luật có thể thấy, người nào đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thì sẽ bị xử lý hành chính.
Điều 182. Bộ luật hình sự 2015 quy định Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm..”
Như vậy, không phải cứ vợ hoặc chồng đi ngoại tình dẫn đến ly hôn thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rất rõ chỉ khi nào người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì mới có thể xem xét xử lý hình sự.
Trong thực tế cuộc sống hiện nay, ngoại tình trở lên ngày càng phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề này bằng hình phạt của pháp luật thì không phải là điều dễ dàng.
2. Về hành vi bạo lực gia đình
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định các hành vi bạo lực gia đình gồm: hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng…Mặt khác, tại điểm h khoản 2 Điều 5 Luật HNGĐ quy định về cấm hành vi bạo lực gia đình để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Như vậy, hành vi chồng đánh đập vợ gây ra thương tích là hành vi nghiêm cấm, vi phạm luật hôn nhân gia đình và quyền, nghĩa vụ vợ chồng, hành vi đó sẽ bị xử lý như sau.
Tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối…”
Ngoài ra, Điều 134 Bộ luật hình sự còn quy định về tội cố ý gây thương tích, gây hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:..”
Như vậy, tùy mức độ mà hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về hành chính. Người vợ khi bị bạo hành có thể tiến hành nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng hay nhờ hàng xóm làng chứng, giám định thương tích để làm căn cứ chứng minh cho sự bạo hành của người chồng.
Vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản
1. Không tiến hành cấp dưỡng
Theo khoản 2 Điều 82 Luật HNGĐ quy định sau ly hôn người nào mà không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, người con phải thuộc các trường hợp như con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Việc không thực hiện cấp dưỡng cho con khi có khả năng cấp dưỡng là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào hành vi đó nghiêm trọng hay không mà có thể xử phạt như sau.
Khoản 2 Điều 54 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con khi ly hôn. Điều 386 Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khi người vợ/chồng không tiến hành cấp dưỡng thì người trực tiếp nuôi con có thể làm đơn gửi tới cơ quan thi hành án yêu cầu người vợ/chồng tiến hành thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Lỗi của các bên làm căn cứ chia tài sản khi ly hôn
Khi ly hôn, theo nguyên tắc chung, vợ chồng có tranh chấp về tài sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Toà án còn phải tính đến một số yếu tố để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia, trong đó có yếu tố lỗi của mỗi bên vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Căn cứ Điểm d Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT có quy định:
Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Như vậy, nếu chồng/vợ vi phạm quyền nghĩa vụ vợ chồng mà chứng minh được thì tài sản được chia sẽ ít đi so với nguyên tắc chia đôi tài sản.
Trong thực tế hiện nay, việc vi phạm quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng diễn ra phổ biến, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà vợ/chồng vẫn tiếp tục nhận nhịn để giữ gìn duy trì hôn nhân. Đồng ý là cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những xô xát, bất đồng quan điểm nhưng không đồng nghĩa với việc để mặc cho tình trạng đó xảy ra mà cần sự can thiệp của Công an, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích của mình.
Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng theo quy định pháp luật. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về hôn nhân, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022