Thương Lượng Tập Thể - Quy Định Pháp Luật 2022 - Luật Apollo
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một 2022
-
1. Thế nào là thương lượng tập thể?
- 1. Khái niệm thương lượng tập thể
- 2. Tầm quan trọng của thương lượng tập thể
-
2. Chủ thể thương lượng tập thể
- 1. Bên đại diện người lao động
- 2. Bên người sử dụng lao động
-
3. Nguyên tắc và nội dung của thương lượng tập thể
- 1. Nguyên tắc của thương lượng tập thể
- 2. Nội dung của thương lượng tập thể
Thương lượng tập thể được coi là một trong những cách thức để đảm bảo quyền và lợi ích các bên, duy trì ổn định và kéo dài mối quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp xảy ra. Vậy, thương lượng tập thể là gì? Vấn đề thương lượng tập thể được pháp luật quy định ra sao?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Thương lượng tập thể, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Thế nào là thương lượng tập thể?
Khái niệm thương lượng tập thể
Điều 65 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa khái niệm thương lượng tập thể như sau:
“Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.”
Thương lượng tập thể là nội dung quan trọng, quyết định việc cho ra đời thỏa ước lao động tập thể hay không và liên quan xuyên suốt đến vấn đề tranh chấp lao động và đình công. Từ định nghĩa tại điều 65 Bộ luật Lao động 2019, thương lượng tập thể được hiểu là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là người lao động và một bên là người sử dụng lao động. Mục đích của thương lượng tập thể là nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Tầm quan trọng của thương lượng tập thể
- Thứ nhất, thương lượng tập thể góp phần cân đối vị thế của các bên trong quan hệ lao động, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của tập thể người lao động.
- Thứ hai, thương lượng tập thể giúp quan hệ lao động luôn hài hòa, ổn định và phát triển.
- Thứ ba, thương lượng tập thể góp phần phòng ngừa tranh chấp lao động.
- Thứ tư, thương lượng tập thể là một trong các phương pháp hiệu quả để giải quyết tranh chấp lao động.
Chủ thể thương lượng tập thể
Chủ thể thương lượng tập thể là các cá nhân hoặc tổ chức đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định, được quyền đại diện để thực hiện thương lượng, bàn bạc với bên kia nhằm bảo đảm tốt nhất quyền, trách nhiệm, lợi ích cho bên mình, gồm hai bên: một bên là đại diện người lao động và bên kia là người sử dụng lao động
Bên đại diện người lao động
Bên đại diện cho người lao động chính tổ chức đại diện người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được quy định tại điều 68 Bộ luật Lao động 2019:
“1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
2. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.
3. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền thương lượng tập thể.”
Trong trường hợp thương lượng tập thể ngành, chủ thể đại diện cho bên người lao động là tổ chức công đoàn ngành
Bên người sử dụng lao động
Về phía người sử dụng lao động đại diện thương lượng tập thể, đó có thể là người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào phạm vi thương lượng tập thể mà chủ thể đại diện cho bên người sử dụng lao động cũng có sự khác nhau:
- Thương lượng tập thể giới hạn ở phạm vi doanh nghiệp, chủ thể đại diện của bên người sử dụng lao động sẽ là người sử dụng lao động.
- Thương lượng tập thể ở phạm vi ngành, chủ thể đại diện bên người sử dụng lao động là tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
Nguyên tắc và nội dung của thương lượng tập thể
Nguyên tắc của thương lượng tập thể
Thương lượng tập thể được tiến hành phải tuân theo nguyên tắc quy định tại điều 66 Bộ luật Lao động 2019, đó là:
“Thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch.”
Việc tuân thủ nguyên tắc trên sẽ đảm bảo quyền và vị thế bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thương lượng tập thể.
Nội dung của thương lượng tập thể
Nội dung thương lượng tập thể là những chủ đề các bên đưa ra đàm phán, thỏa thuận. Điều 67 Bộ luật Lao động 2019 quy định những nội dung mà các bên có thể lựa chọn để tiến hành thương lượng tập thể:
“1. Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
2. Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
3. Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
4. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
5. Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;
6. Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;
7. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
8. Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.”
Các bên thương lượng ở phạm vi một doanh nghiệp hoặc nhiều doanh nghiệp có quyền lựa chọn một hoặc một số nội dung trên để tiến hành thương lượng tập thể. Pháp luật hiện hành chỉ đề cập đến các nội dung cơ bản mang tính chất gợi ý, để các bên lựa chọn tiến hành thương lượng tập thể cho phù hợp với nhu cầu của một hoặc nhiều doanh nghiệp hoặc ngành. Còn nội dung cụ thể của thương lượng tập thể hoàn toàn do các bên tự quyết định.
Nhìn chung, thương lượng tập thể là một quá trình quan trọng, góp phần đảm bảo sự ổn định, hài hòa các mối quan hệ lao động. Các bên khi tiến hành thương lượng tập thể cần nắm được các quy định mang tính cơ bản về vấn đề này để quá trình thương lượng diễn ra thuận và có hiệu quả.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Thương lượng tập thể cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một 2022