Thành Viên Hợp Danh Là Gì? Quy Định Pháp Luật Thế Nào? - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022
-
1. Thế nào là công ty hợp danh, thành viên hợp danh?
- 1. Khái niệm công ty hợp danh
- 2. Khái niệm thành viên hợp danh
- 3. Vai trò, vị trí của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh
- 2. Điều kiện pháp lý đối với thành viên hợp danh
-
3. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh
- 1. Quyền của thành viên hợp danh
- 2. Nghĩa vụ của thành viên hợp danh
So với các loại hình doanh nghiệp khác, công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp còn khá mới mẻ và chưa được phổ biến rộng rãi. Trong công ty hợp danh, thành viên hợp danh được xác định là thành viên có vai trò chủ chốt trong cả việc thành lập hay trong tổ chức hoạt động của công ty. Vậy, thành viên hợp danh là gì? Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định ra sao?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Thành viên hợp danh, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Thế nào là công ty hợp danh, thành viên hợp danh?
Khái niệm công ty hợp danh
Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty hợp danh như sau:
“1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.”
Như vậy, công ty hợp danh trước tiên là một doanh nghiệp, do ít nhất 2 thành viên sang sáng lập, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, gọi là thành viên hợp danh. Ngoài ra, công ty còn có thể có thêm thành viên góp vốn chịu trách nhiệm tài sản hữu hạn với phần vốn góp vào công ty.
Công ty hợp danh là loại hình công ty xuất hiện bởi nhu cầu của các nhà đầu tư, từ chỗ làm ăn đơn lẻ, độc lập, các thương nhân tìm cách liên kết lại với nhau để thích ứng với những thử thách mới của nền sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển, đồng thời là cơ hội tốt để tích tụ tư bản, nâng cao năng lực cạnh tranh và chia sẻ rủi ro. Các thương nhân sẽ ưu tiên tìm đến những người mà người đó quen biết, tin tưởng để cùng góp vốn làm ăn. Chính vì vậy, nguồn gốc hình thành của loại hình công ty này mang đậm nét của công ty đối nhân.
Khái niệm thành viên hợp danh
Theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh là cá nhân, chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Tuy nhiên, không phải mọi cá nhân đều có thể làm thành viên hợp danh, thành viên hợp danh không được là các trường hợp bị cấm tại khoản 2 điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020.
Vai trò, vị trí của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh
Thành viên hợp danh là nhà đầu tư chủ chốt trong công ty hợp danh, họ thể hiện rõ nét nhất bản chất đối nhân của công ty hợp danh. Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với các nghĩa vụ vật chết của công ty hợp danh. Trách nhiệm của thành viên hợp danh phát sinh từ khi nhà đầu tư trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh và chỉ chấm dứt khi đã thực hiện xong các nghĩa vụ có tính chất tài chính đối với công ty hợp danh. Ngay cả khi có sự chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, thì trong thời hạn 2 năm sau đó, thành viên hợp danh vẫn phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên này, nếu có nguồn thu nhập chính thức.
Các thành viên hợp danh phân công nhau điều hành, quản lý các hoạt động kinh doanh của công ty hợp danh. Mỗi thành viên hợp danh đều có thể trở thành người lãnh đạo, người quản lý, điều hành công ty hợp danh.
Điều kiện pháp lý đối với thành viên hợp danh
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thành viên hợp danh phải là cá nhân. Trong một số trường hợp công ty hợp danh kinh doanh những ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoặc nghiệp vụ nhất định ( ví dụ công ty hợp danh hoạt động trong các ngành nghề như: tư vấn chứng khoán, dịch vụ pháp lý, kiến trúc, khám chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm…)
Thành viên hợp danh còn phải không thuộc các trường hợp cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh
Quyền của thành viên hợp danh
- Các thành viên hợp danh được tham gia họp, thảo luận và biểu quyết các vấn đề quan trọng của công ty hợp danh. Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết theo phương thức khác được quy định trong điều lệ công ty hợp danh.
- Tất cả các thành viên hợp danh đều có quyền nhân danh công ty hợp danh tiến hành các hoạt động kinh doanh các ngành, nghề trong lĩnh vực kinh doanh của công ty hợp danh; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với các đối tác theo những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty.
- Sử dụng con dấu, tài sản của công ty hợp danh để hoạt động kinh doanh các ngành nghề kinh doanh của công ty. Trường hợp thành viên hợp danh ứng trước tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty hợp danh thì họ có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại số tiền (cả gốc và lãi) theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước.
- Thành viên hợp danh có quyền yêu cầu công ty hợp danh bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong thẩm quyền, nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót của chính thành viên đó.
- Trong trường hợp xét thấy cần thiết, có quyền yêu cầu công ty hợp danh, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty hợp danh, kiểm tra tài sản, số kế toán và các tài liệu khác của công ty hợp danh.
- Sau mỗi năm tài chính hoặc khoảng thời gian nhất định, thành viên hợp danh sẽ được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ góp vốn hoặc theo thỏa thuận đã được quy định trong tài liệu công ty hợp danh.
- Trong trường hợp công ty hợp danh giải thể hoặc phá sản, thành viên hợp danh sẽ được chia một phần giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ góp vốn vào công ty, nêu điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác.
- Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản của công ty hợp danh sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế đó có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được hội đồng thành viên công ty chấp thuận.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty hợp danh.
Nghĩa vụ của thành viên hợp danh
- Tiến hành quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty hợp danh.
- Tiến hành việc quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty hợp danh theo đúng quy định của pháp luật, điều lệ công ty và nghị quyết của hội đồng thành viên, nếu làm trái quy định này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
- Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty hợp danh trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không đem nộp cho công ty.
- Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trả nợ.
- Chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại điều lệ của công ty trong trường hợp công ty hợp danh kinh doanh thua lỗ.
- Định kỳ hàng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty, cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật và điều lệ công ty.
Như vậy, có thể nói, thành viên hợp danh có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thường xuyên, liên tục của công ty hợp danh. Vì vậy, các thành viên hợp danh cần nắm rõ những quyền và nghĩa vụ của mình để đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Thành viên hợp danh cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022