Cổ Đông Là Gì? Quy Định Pháp Luật Hiện Hành - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
- 1. Cổ đông là gì?
- 2. Phân loại cổ đông
- 3. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông
Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức được chia cổ tức nếu sở hữu cổ phần của công ty cổ phần. Cũng như các loại hình doanh nghiệp khác ta có thể hiểu cổ đông là thành viên của công ty cổ phần nhưng với quy mô và sự phức tạp trong cơ cấu tổ chức mà cổ đông được phân loại đa dạng với quyền, nghĩa vụ khác nhau.
Để làm rõ về cổ đông, các loại cổ đông cũng như quyền hạn mà pháp luật trao cho từng loại.
Sau đây là phân tích chi tiết nhất của Luật Apollo mời bạn đọc tham khảo.
Cơ sở pháp lý
Cổ đông là gì?
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”.Cổ phần là vốn nhỏ nhất của công ty cổ phần, chính là vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau. Như vậy, cổ đông chính là người góp vốn vào công ty cổ phần và sở hữu phần vốn góp tương ứng với số lượng cổ phần đã mua trong công ty.
Theo Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về số lượng cổ đông công ty cổ phần tối thiểu là 03 thành viên (như các nước khác là 05 -10 thành viên) và không giới hạn số lượng tối đa. Điều này giúp công ty cổ phần có thể mở rộng số lượng thành viên tùy theo nhu cầu, chiến lược của công ty. Cổ đông trong công ty cổ phần giống với chủ sở hữu/ thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn là chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Phân loại cổ đông
Dựa vào các đặc trưng khác nhau mà cổ đông được phân ra theo 3 tiêu chí, đó là:
- Dựa vào thời điểm thành lập công ty
Dựa vào thời điểm thành lập công ty: Chia ra bao gồm cổ đông thành lập (cổ đông sáng lập) và cổ đông khác.
- Cổ đông sáng lập: Theo khoản 4 Điều 4 và Điều 120 Luật Doanh nghiệp thì Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Ta có thể hiểu, cổ đông sáng lập chính là người ban đầu đứng ra góp vốn thành lập công ty cổ phần, sở hữu những cổ phần phổ thông đầu tiên trong công ty cổ phần. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Ngoài cổ phần phổ thông bắt buộc, cổ đông sáng lập còn có cổ phần ưu đãi biểu quyết.
- Cổ đông khác: Cổ đông khác là cổ đông mà không phải cổ đông sáng lập, họ không tham gia vào quá trình thành lập công ty mà chỉ góp vốn với mục đích lợi nhuận.
- Dựa vào loại cổ phần mà cổ đông sở hữu
Điều 114 Luật Doanh nghiệp quy định về các loại cổ phần dựa vào loại cổ phần mà cổ đông sở hữu chia ra thành cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi.
- Cổ đông phổ thông: Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông trừ trường hợp cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần phổ thông.
- Cổ đông ưu đãi: Cổ đông ưu đãi là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi. Tương ứng với các loại cổ phần ưu đãi thì có các loại cổ đông ưu đãi như sau:
+ Cổ đông ưu đãi biểu quyết: Là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết. Cổ đông này có quyền lợi và vai trò quan trọng vì có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Vì thế cổ đông ưu đãi có quyền hành rất lớn đối với việc thông qua các vấn đề liên quan đến quản lý, hoạt động kinh doanh, chiến lược cũng như bầu giám đốc, ban kiểm soát. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được phép chuyển nhượng.
Điều 116 Luật Doanh nghiệp quy định chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
+ Cổ đông ưu đãi cổ tức: Là cổ đông sở hữu cổ phần cổ tức quy định tại Điều 117 theo đó cổ đông ưu đãi cổ tức được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm.
+ Cổ đông ưu đãi hoàn lại: Là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại tại Điều 118 Luật Doanh nghiệp đó là được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi khác: Là cổ đông sở hữu các cổ phần ưu đãi khác ngoài các cổ phần ưu đãi kể trên mà không trái pháp luật và Điều lệ công ty quy định.
- Dựa vào tư cách pháp lý
Dựa vào tư cách pháp lý: Bao gồm cổ đông là cá nhân và cổ đông là tổ chức.
- Cổ đông là cá nhân: Không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch của cá nhân, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp đều có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty cổ phần; có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần.
- Cổ đông là tổ chức: Tổ chức khi muốn tham gia là thành viên của công ty cổ phần và trở thành cổ đông thì phải thỏa mãn điều kiện là pháp nhân. Nhóm này bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính ở đâu, nếu không thuộc đối tượng bị cấm như được nêu đối với trường hợp cổ đông là cá nhân thì đều có quyền thành lập, tham gia thành lập, mua cổ phần của công ty cổ phần.
Quyền và nghĩa vụ của cổ đông
Pháp luật quy định từng loại cổ đông có quyền và nghĩa vụ khác nhau, cụ thể:
- Đối với cổ đông phổ thông
- Quyền lợi của cổ đông phổ thông
Theo Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:
+ Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
+ Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
+ Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
+ Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật doanh nghiệp;
+ Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;
+ Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;
+ Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty;
- Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
Nghĩa vụ của cổ đông được quy định tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:
+ Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.
+ Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.
+ Tuân thủ Điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của công ty.
+ Chấp hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
+ Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
- Đối với cổ đông sáng lập
- Quyền của cổ đông sáng lập
Cổ đông sáng lập có các quyền có các quyền như cổ đông phổ thông trừ quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông quy định tại Điều 120 Luật Doanh nghiệp:
+ Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
+ Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cổ đông sáng lập có các nghĩa vụ như cổ đông phổ thông.
- Đối với cổ đông ưu đãi
- Quyền của cổ đông ưu đãi
+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền theo Điều 116 Luật Doanh nghiệp đó là: Quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
+ Theo Điều 117 Luật Doanh nghiệp quy định Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền: Nhận cổ tức theo quy định; Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản; Các quyền khác như cổ đông phổ thông; Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông và được quy định tại Điều 118 trong đó đặc biệt là trừ trường hợp Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
- Cổ đông ưu đãi có các nghĩa vụ như cổ đông phổ thông.
Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về cổ đông. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về doanh nghiệp cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022