Người Đại Diện Theo Pháp Luật Của Doanh Nghiệp - Luật Apollo

  1. 1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp 
    1. 1. Đại diện của doanh nghiệp là gì?
    2. 2. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì?
  2. 2. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
    1. 1. Khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
    2. 2. Yêu cầu về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
    3. 3. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
  3. 3. Người đại diện theo pháp luật của các loại hình doanh nghiệp 
    1. 1. Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 1 thành viên 
    2. 2. Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
    3. 3. Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần
    4. 4. Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh
    5. 5. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân

Người đại diện là người thay mặt cho cá nhân/ tổ chức thực hiện những công việc trong phạm vi đại diện. Người đại diện bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Đối với bài viết sau đây, Luật Apollo sẽ nghiên cứu về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Là đại diện của một tổ chức thì sẽ được các quyền hành gì và chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết.

Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự 

Luật Doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp 

Đại diện của doanh nghiệp là gì?

Điều 134 Bộ luật dân sự quy định về đại diện theo đó ta có thể hiểu đại diện của doanh nghiệp là việc cá nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp (người được đại diện) để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì?

Điều 135 Bộ luật dân sự quy định căn cứ xác lập quyền đại diện

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật). 

Điều 137 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân

“1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.”

=> Như vậy, ta có thể hiểu đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là một trong hai hình thức đại diện (theo pháp luật và theo ủy quyền). Người đại diện theo pháp luật có thể do điều lệ doanh nghiệp chỉ định hoặc theo quy định của pháp luật hoặc do Tòa án chỉ định người đại diện.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Điều 12 Luật doanh nghiệp quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo đó:

Khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. 

Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

=> Trách nhiệm liên đới được đặt ra là giải pháp nhằm ngăn chặn hậu quả nếu như doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật mà điều lệ  không quy định quyền nghĩa vụ của từng người dẫn đến khi xác lập giao dịch những người đại diện không có sự đối trọng, tương hỗ, kiểm soát, thống nhất với nhau nên xảy ra rủi ro. Việc liên đới trách nhiệm giúp các cá nhân đại diện có sự kiểm soát lẫn nhau giảm rủi ro đối với cá nhân người đại diện nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

Yêu cầu về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

- Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

- Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

+ Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

+ Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

- Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

- Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

=> Việc yêu cầu ít nhất phải có một người đại diện trong nước là hết sức dễ hiểu. Cần đến người đại diện là khi cần một người thay mặt doanh nghiệp thực hiện các công việc của doanh nghiệp, nếu mà người đại diện không ở trong nước thì không giải quyết được gì cả. Ví dụ khi công ty phải tham dự ở Tòa với tư cách nguyên đơn dân dự, lúc này cần người đại diện thay mặt công ty tham dự chứ không thể để cả công ty với số lượng nhân sự đông đảo hàng trăm hàng nghìn người đến dự được. 

Nếu mà người đại diện ở nước ngoài không dự được hoặc khi có các yêu cầu khác mà người đại diện cũng không tiện tham gia vì doanh nghiệp là hoạt động trong nước nên lúc này người đại diện cần ở trong nước để dễ dàng thực hiện các yêu cầu và thực hiện nghĩa vụ, vai trò đại diện của mình.

Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Theo Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

+ Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

+ Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

+ Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.

=> Quy định trách nhiệm của người đại diện là cần thiết vì các công việc của người đại diện là thay mặt cho cả công ty, cả tập thể. Bất cứ hành động nào của người đại diện cũng làm tình hình công ty ít nhiều có sự thay đổi nên cần có sự tỉ mỉ, cẩn trọng trọng đảm bảo lợi ích cho công ty. Doanh nghiệp phải được đặt lên ưu tiên, vì người đại diện cũng có các quyền hành nên pháp luật quy định người đại diện không được lạm dụng địa vị mà tư lợi hay lạm quyền. 

Nếu có sự tham gia vào doanh nghiệp khác hay người có liên quan của mình tham gia góp vốn, làm chủ doanh nghiệp khác thì cần thông báo. Để hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên xem xét có nên tiếp tục để người đó được đại diện công ty không. Nếu người đó tiếp tục đại diện công ty thì sẽ gây hậu quả gì không? Ví dụ như việc người đại diện công ty sử dụng quyền hành công ty để nắm bí mật công ty sau đó kể với người thân là thành viên góp vốn của công ty đối thủ. Khi đó công ty đối thủ sử dụng bí mật đó để phát triển, sản xuất sản phẩm công bố ra bên ngoài làm tình hình công ty lũng đoạn, mất mát.

Người đại diện theo pháp luật của các loại hình doanh nghiệp 

Luật doanh nghiệp quy định về người đại diện theo pháp luật của các loại hình công ty như sau:

Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 1 thành viên 

Khoản 3 Điều 79 Luật doanh nghiệp quy định

- Trường hợp công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật có thể đứng các chức danh sau: Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc....

- Trường hợp công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật có thể đứng các chức danh sau: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc...

=> Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Khoản 3 Điều 54 quy định Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần

Khoản 2 Điều 137 Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh

Khoản 4 Điều 184 quy định Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là thành viên hợp danh, giữ chức vụ hoặc đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc...

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân

Khoản 3 Điều 190 Luật doanh nghiệp quy định Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân chính là cá nhân (chủ doanh nghiệp), do mô hình doanh nghiệp này không có tư cách pháp nhân. Cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm vô hạn đối với nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ của công ty nếu có.

=> Nhìn chung, ta thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đều là Chủ tịch (chủ công ty, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị) và giám đốc, tổng giám đốc. Tùy vào điều lệ có quy định hay không mà công ty có thể có một hoặc nhiều người đại diện. Những người này trực tiếp ban hành những quyết định cũng như chỉ đạo thực hiện vận hành công ty nên đi kèm là quyền đại diện để họ dễ dàng thực hiện công việc và chịu trách nhiệm đối với những việc mình làm.

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về lĩnh vực doanh nghiệp cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Giấy Phép Kinh Doanh Theo Quy Định Pháp Luật - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022

Giấy Phép Kinh Doanh Theo Quy Định Pháp Luật - Luật Apollo
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết