Ly Thân Là Gì? - Quy Định Pháp Luật Hiện Hành - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
- 1. Ly thân là gì?
- 2. Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ, chồng khi ly thân
- 3. Chế độ tài sản của vợ, chồng khi ly thân
- 4. Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đang ly thân với con cái
- 5. Ly thân có cần ra tòa không?
Ngày nay nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa khái niệm ly thân và ly hôn bởi chúng có sự tương đồng ở một vài khía cạnh. Tuy nhiên không thể đánh đồng hai khái niệm này vì sự khác biệt về mặt pháp lý. Vậy ly thân là gì? Ly thân khác ly hôn/ly dị như thế nào? Pháp luật có công nhận ly thân không? Những vấn đề trên sẽ được Luật Apollo hướng dẫn và giải thích một cách chi tiết nhất!
Cơ sở pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình 2014
Ly thân là gì?
Ly thân là khái niệm khá phức tạp và chưa có định nghĩa nào cụ thể về nó. Luật cũng chưa có quy định liên quan đến vấn đề ly thân. Ta có thể hiểu ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó quan hệ tình cảm rạn nứt và:
- Vợ, chồng không còn chung sống, ăn ở với nhau, mà sinh sống tại hai nơi khác nhau
- Vẫn sinh sống với nhau như có nơi ở chung nhưng ăn uống, ngủ nghỉ khác nhau và không thực hiện các nghĩa vụ giữa vợ và chồng với nhau.
Không nên nghĩ là cứ không sinh sống cùng nhau là ly thân vì một vài trường hợp như phải đi công tác xa, nơi làm xa nhà,...hoặc hai vợ chồng tự thỏa thuận ở hai nơi khác nhau nhưng vẫn yêu thương nhau và thực hiện các nghĩa vụ vợ chồng.
=> Nhưng quan hệ hôn nhân vẫn duy trì theo pháp luật hay nói cách khác là vẫn chưa ly hôn. Vợ chồng thường tự thỏa thuận với nhau để sống ly thân và trên pháp lý thì họ vẫn là vợ chồng.
Theo Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:“ Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Bản án, quyết định của Tòa có thể do hai bên thỏa thuận rồi yêu cầu Tòa án công nhận hoặc do một bên khởi kiện ly hôn.
=> Ly thân do hai bên thỏa thuận hoặc vợ/chồng tự dọn ra ở riêng nên không thể tính là sự kiện pháp lý để chấm dứt quan hệ vợ chồng được. Nên ly thân không phải ly hôn và không được pháp luật công nhận. Ly thân và ly hôn giống nhau ở điểm hai bên không có quan hệ vợ chồng, vợ chồng không chung sống với nhau, không có sự phụ thuộc về kinh tế và tinh thần trong quá trình sinh hoạt riêng và không muốn chăm sóc, thương yêu nhau nữa.
Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì khi có căn cứ về việc đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì ly thân có thể là căn cứ để vợ hoặc chồng khởi kiện ly hôn đơn phương.
Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ, chồng khi ly thân
Như phân tích ở trên, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nên mọi quyền và nghĩa vụ khi vợ chồng ly thân vẫn duy trì như khi hai người chưa ly thân. Theo đó, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ về nhân thân như Điều 17 và Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Theo đó vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, luật Hôn nhân và gia đình và các luật khác có liên quan. Mặc dù ly thân nhưng vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Chế độ tài sản của vợ, chồng khi ly thân
Theo Điều 29 quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng:
"1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.
Do quan hệ hôn nhân vẫn được pháp luật công nhận nên vợ chồng vẫn có quyền ngang nhau trong việc định đoạt, sử dụng tài sản chung, vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản khi cùng thực hiện hoặc khi một trong hai người thực hiện vì nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Đối với việc xác định tài sản hình thành khi ly thân thì theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng thì “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, …quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.” Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ chồng “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;...” Như vậy tài sản được hình thành trong khi ly thân sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng trừ khi có căn cứ để xác định tài sản đó được thừa kế, được tặng cho riêng…hoặc có thỏa thuận về việc xác định tài sản trong khi ly thân là tài sản riêng.
Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đang ly thân với con cái
Vợ và chồng khi tuy ly thân nhưng vẫn phải có các trách nhiệm đối với con cái cụ thể đó là:
- Thương yêu, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục con.
- Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
- Không được phân biệt đối xử giữa các con, không được bắt con phải làm việc nặng quá sức, không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái đạo đức, trái pháp luật...
Ly thân có cần ra tòa không?
Ly thân không bắt buộc ra Tòa Luật hôn nhân gia đình 2014 không thừa nhận vấn đề ly thân, ly thân chỉ là một thuật ngữ xã hội mà không mang tính pháp lý. Cũng chính vì thế mà không có thủ tục nào gọi là thủ tục ly thân. Và ly thân cũng không cần ra tòa. Cũng như ly thân không cần phải có trình tự các bước tiến hành hay văn bản gì phải ký, thời hạn ly thân cũng không đặt ra.
Đôi khi việc ly thân lại là một quyết định đúng đắn để giải quyết vấn đề xung đột giữa vợ và chồng, khi mâu thuẫn bị đẩy lên cao thì hai bên cần có khoảng thời gian để suy nghĩ lại khắc phục sai lầm, sửa đổi tính tình, để trong khoảng thời gian đó có thể quyết định tiếp tục sống với nhau hay quyết định ly hôn. Sự tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau giữa vợ và chồng thể hiện ở hành vi, cách xử sự và chồng thể hiện ở hành vi, cách xử sự và thái độ của họ đối với nhau. Đó là việc giữ gìn danh dự, uy tín, nhân phẩm cho nhau, lắng nghe ý kiến của nhau, quan tâm, động viên lẫn nhau.
Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về ly thân. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về hôn nhân và gia đình cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022