Ly Hôn Đơn Phương Vắng Mặt - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
- 1. Ly hôn là gì? Ly hôn đơn phương là gì?
- 2. Ly hôn đơn phương vắng mặt là gì?
- 3. Ly hôn đơn phương vắng mặt nguyên đơn
- 4. Ly hôn đơn phương vắng mặt bị đơn
- 5. Ly hôn đơn phương vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan
- 6. Ly hôn đơn phương vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
- 7. Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt bị đơn
Khi có các căn cứ để tiến hành ly hôn đơn phương nhưng một bên vợ hoặc chồng lại không có mặt trong quá trình giải quyết ly hôn khiến quá trình ly hôn gặp nhiều khó khăn. Vậy ly hôn đơn phương vắng mặt là gì? Ly hôn đơn phương vắng mặt vợ/chồng hoặc những người tham gia tố tụng khác có được tiến hành không? Trình tự, thủ tục ly hôn khi vắng mặt vợ hoặc chồng tiến hành như nào? Những thắc mắc trên sẽ được Luật Apollo giải đáp dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
1. Bộ luật tố tụng dân sự 2015
2. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
Ly hôn là gì? Ly hôn đơn phương là gì?
Định nghĩa về ly hôn được quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Hiện có 02 hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.
- Trong đó ly hôn thuận tình là việc hai vợ chồng cùng đồng ý ly hôn và đã thỏa thuận được các vấn đề về tài sản chung của vợ chồng, vấn đề nuôi con cũng như cấp dưỡng... và chỉ cần Tòa án công nhận.
- Ly hôn đơn phương là một trong các bên có thể là vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án của Tòa án có thẩm quyền. Có thể hiểu là việc ly hôn đơn phương là việc khi vợ chồng không thống nhất được việc ly hôn; hoặc đã thống nhất ly hôn nhưng không thỏa thuận được việc nuôi con, chia tài sản khi có một trong những điều kiện theo Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Ly hôn đơn phương vắng mặt là gì?
Sự vắng mặt trong thủ tục ly hôn đơn phương có thể hiểu là việc đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không tham gia trong quá trình Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương: Đương sự gồm có: Nguyên đơn (người khởi kiện), bị đơn (người bị kiện), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (không phải người khởi kiện cũng như bị kiện nhưng lại có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án). Như vậy, ly hôn đơn phương vắng mặt là một trong các đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không đến.
Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì đối với yêu cầu xin ly hôn đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn. Tuy nhiên, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng trong việc ly hôn trừ trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa vụ án vẫn tiếp tục được xét xử nhưng phải có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Tùy thuộc vào người vắng mặt là ai, và thuộc giai đoạn nào trong quá trình ly hôn đơn phương mà Tòa án sẽ xem xét sự vắng mặt này có phù hợp không và sẽ xảy ra những kết quả như nào nếu đương sự không tới phiên tòa.
Ly hôn đơn phương vắng mặt nguyên đơn
Ly hôn đơn phương vắng mặt nguyên đơn có thể thực hiện nếu có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nếu không có thể dẫn đến một số hệ quả theo khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như:
- Hoãn phiên tòa: Khi tòa án triệu tập hợp lệ lần 1, nguyên đơn phải có mặt tại phiên tòa; nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Thông thường, nguyên đơn đều có nhu cầu giải quyết nhanh chóng và dứt điểm sự việc, nên sự vắng mặt mà không có lý do và cũng không có văn bản gửi Tòa án này sẽ gây ảnh hưởng đến chính quyền lợi của nguyên đơn.
- Đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn: Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần 2, nguyên đơn phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
* Lưu ý: Khi nguyên đơn vắng mặt để vụ việc được diễn ra suôn sẻ thì ngoài đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt, nguyên đơn còn nên thêm các lý do cho việc vắng mặt. Trong trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì nguyên đơn nên có các chứng cứ, tài liệu.
=> Như vậy, nguyên đơn vắng mặt khi ly hôn đơn phương trong một số trường hợp sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục tại Tòa án. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc không thể thực hiện thủ thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt nguyên đơn. Mà việc thực hiện việc ly hôn sẽ kéo dài.
Ly hôn đơn phương vắng mặt bị đơn
Ly hôn đơn phương vắng mặt bị đơn là trường hợp ly hôn mà bên bị yêu cầu ly hôn không ra Tòa án để giải quyết việc ly hôn khi mà Tòa án triệu tập.
Theo Khoản 1, điểm b, c Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về việc bị đơn vắng mặt lần thứ 1 thì Tòa án sẽ hoãn phiên tòa, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, nếu lần 2 Tòa án triệu tập mà vắng mặt mà lý do không phải vì sự kiện bất khả kháng hoặc sự kiện khách quan thì:
- Trường hợp bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
- Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.
=> Như vậy, trong trường hợp bị đơn không đến khi Tòa án triệu tập lần 2 thì vẫn tiến hành xét xử.
Ly hôn đơn phương vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan
Theo Khoản 1, điểm c, d Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự thì trường hợp Tòa án triệu tập lần thứ 1 cũng giống như đối với trường hợp của nguyên đơn và bị đơn, nhưng đối với trường hợp Tòa án triệu tập lần 2 mà vắng mặt không phải do trường hợp bất khả kháng thì:
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật.
Ly hôn đơn phương vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Trường hợp Tòa án triệu tập lần thứ 1 cũng giống như các trường hợp trên nhưng đối với việc vắng mặt lần 2 mà không phải sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì theo điểm đ Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt bị đơn
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Căn cước công dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
- Sổ hộ khẩu gia đình - bản sao có chứng thực (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung - bản sao có chứng thực (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Theo Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nơi nộp hồ sơ sẽ là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc. Theo khoản 1 Điều 37 Luật tố tụng dân sự đối với ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài thì tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết là Tòa án cấp tỉnh, nơi bị đơn cư trú.
- Theo điểm a Khoản 1 Điều 40 trong trường hợp không xác định được chỗ ở hiện tại của bị đơn thì nguyên đơn có thể nộp đơn ly hôn tại Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc cuối cùng. Nhưng thông thường việc này sẽ phải chứng minh nên nguyên đơn khi không biết thông tin về bị đơn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố bị đơn mất tích để ly hôn theo khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 với thời gian bị đơn mất tích 2 năm để tiến hành ly hôn.
- Khi không xác định được địa chỉ cư trú của bị đơn do bị đơn che dấu địa chỉ cư trú thì nếu trong trường hợp có căn cứ, chứng cứ cho thấy việc chồng/vợ vẫn liên lạc với người thân và cố tình không cung cấp địa chỉ cho nguyên đơn và Tòa án thì nguyên đơn cung cấp chứng cứ đó cho Tòa án. Tòa án sẽ dựa vào đó để kết luận rằng bị đơn cố ý thay đổi, che dấu địa chỉ để trốn tránh nghĩa vụ. Nếu Tòa án yêu cầu đến lần thứ hai mà người thân của bị đơn không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức cho Tòa cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho chồng biết, thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
- Theo Khoản 1 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự thì người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi bằng phương thức gửi trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
- Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Trường hợp xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa, nguyên đơn sẽ tạm ứng án phí nộp tại cơ quan thi hành án dân sự, sau đó nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 3: Tòa án hòa giải và tiến hành giải quyết
Sau khi nhận biên lai tạm ứng án phí, Tòa án sẽ xem xét đơn và thụ lý vụ án nếu hồ sơ hợp lệ. Ngược lại, Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao từ chối. Sau khi ra quyết định thụ lý thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải. Nếu bị đơn cố tình vắng mặt khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai thì sẽ bị coi là không hòa giải thành theo quy định tại Khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự. Khi đó vụ án sẽ được đem ra xét xử.
Bước 4: Ra bản án ly hôn
Nếu xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.
Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về ly hôn đơn phương vắng mặt. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về hôn nhân cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
luatapollo
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022