Đàm Phán, Thương Lượng Trong Giải Quyết Tranh Chấp Dân Sự - Luật Apollo
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 2022
-
1. Thế nào là đàm phán, thương lượng trong giải quyết tranh chấp dân sự?
- 1. Khái niệm thương lượng
- 2. Đặc điểm của thương lượng
- 3. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp dân sự bằng thương lượng
-
2. Ưu điểm và hạn chế của phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng
- 1. Ưu điểm
- 2. Hạn chế
- 3. Trình tự giải quyết tranh chấp dân sự bằng thương lượng
Tranh chấp trong các mối quan hệ dân sự là một hiện tượng bình thường khách quan trong đời sống xã hội. Khi xảy ra tranh chấp, các chủ thể thường có xu hướng lựa chọn những phương thức giải quyết tranh chấp đáp ứng tốt nhất yêu cầu của họ, trong đó phải kể đến phương thức đàm phán, thương lượng.
Vậy, đàm phán, thương lượng trong giải quyết tranh chấp dân sự là gì? Phương thức này có những ưu thế gì so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Đàm phán, thương lượng trong giải quyết tranh chấp dân sự, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Thế nào là đàm phán, thương lượng trong giải quyết tranh chấp dân sự?
Khái niệm thương lượng
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể về thương lượng trong giải quyết tranh chấp dân sự. Thương lượng thường là phương thức đầu tiên được các bên sử dụng khi mới phát sinh tranh chấp. Khi lựa chọn giải quyết bằng thương lượng, các bên có thể trực tiếp gặp mặt hoặc thông qua người đại diện được ủy quyền để đàm phán, tìm ra giải pháp nhằm giải quyết tranh chấp.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất của phương thức thương lượng so với các phương thức khác là quá trình giải quyết tranh chấp chỉ có sự tham gia của các bên tranh chấp thay vì có sự xuất hiện của một bên thứ ba - đóng vai trò là bên trung lập hỗ trợ hoặc đưa ra phán quyết về việc giải quyết tranh chấp.
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 hiện nay mặc dù không trực tiếp đề cập đến hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, song vẫn thể hiện sự tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Theo quy định tại khoản 11 điều 70, một trong những quyền của đương sự là “tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”.Trong trường hợp các bên tự tiến hành thương lượng và đạt được thỏa thuận chung về việc giải quyết tranh chấp, nguyên đơn sẽ rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố (nếu có), trên cơ sở đó, tòa án có thẩm quyền sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Đặc điểm của thương lượng
Phương thức thương lượng trong giải quyết tranh chấp dân sự có những đặc điểm sau:
- Thứ nhất, phương thức giải quyết tranh chấp này được thực hiện bởi cơ chế tự giải quyết thông qua việc các bên tranh chấp trực tiếp gặp nhau hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền bàn bạc, thỏa thuận để giải quyết những bất đồng phát sinh mà không cần có sự hiện diện của bên thứ ba để trợ giúp hay ra phán quyết. Hiệu quả của phương thức thương lượng phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần thiện chí, thái độ bình tĩnh, quyết đoán cùng kinh nghiệm và kỹ năng đàm phán, xử lý tình huống của các bên.
- Thứ hai, quá trình thương lượng giữa các bên không chịu sự ràng buộc của bất kỳ nguyên tắc pháp lý hay những quy định mang tính khuôn mẫu nào của pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp. Các bên có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến thủ tục thương lượng, chẳng hạn: thành phần tham gia, thời gian, quy trình….
- Thứ ba, việc thực thi kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện, thiện chí của mỗi bên tranh chấp, đặc biệt là bên phải thi hành mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng.
Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp dân sự bằng thương lượng
- Thứ nhất, thương lượng các tranh chấp dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội.
- Thứ hai, thương lượng phải tuân thủ quyền tự do ý chí của các bên trong tranh chấp.
- Thứ ba, thương lượng được thực hiện theo tiêu chuẩn “khách quan, công bằng, hợp lý” tôn trọng tập quán trong nước và quốc tế.
- Thứ tư, bảo toàn bí mật tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các bên trong quá trình thương lượng.
- Thứ năm, kết quả thương lượng phải cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện.
- Thứ sáu, các bên phải tôn trọng và tự giác thi hành các thỏa thuận đã thương lượng.
Ưu điểm và hạn chế của phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng
Ưu điểm
Ưu điểm nổi bật của phương thức thương lượng trong giải quyết tranh chấp là sự thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém, các bên có thể tự kiểm soát quá trình và giải pháp giải quyết tranh chấp, thay vì phải tuân thủ theo bất cứ một thủ tục pháp lý nào. Các bên không mất chi phí để tham gia tranh tụng, nhà nước không mất chi phí để huy động nhân lực, vật lực để giải quyết. Vì thế, việc thương lượng thành công sẽ giúp các giảm được rất nhiều chi phí.
Việc không có một bên thứ ba tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp có thể giúp cho các bên chủ động hơn trong việc đưa ra quyết định thay vì bị chi phối bởi ý kiến của bên này.
Mặt khác, do tự giải quyết với nhau nên tranh chấp sẽ không bị làm lớn, không ảnh hưởng đến uy tín của các bên trong tranh chấp. Nếu thương lượng thành công, không những các bên loại bỏ được những bất đồng đã phát sinh mà mức độ phương hại đến mối quan hệ giữa các bên cũng thấp, tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau trong tương lai.
Hạn chế
Hạn chế của phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là thương lượng thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết và thái độ thiện chí, hợp tác của các bên tranh chấp. Khi một hoặc các bên tranh chấp thiếu sự hiểu biết về lĩnh vực, vấn đề đang tranh chấp, không nhận thức được vị thế của mình về khả năng thắng thua nếu phải theo đuổi vụ kiện tại cơ quan tài phán hoặc không có thái độ nỗ lực hợp tác, thiếu sự thiện chí, trung thực trong quá trình thương lượng thì khả năng thành công là rất mong manh, kết quả thương lượng thường bế tắc.
Ngoài ra, không có một cơ chế pháp lý mang tính chất bắt buộc để đảm bảo kết quả thương lượng được thực hiện, ngay cả trong trường hợp thương lượng thành công. Khi một bên không chịu thực thi các thỏa thuận đã thương lương thì những nỗ lực của mỗi bên để giải quyết tranh chấp coi như thất bại, và các bên sẽ lại cần đến những phương thức giải quyết tranh chấp khác mạnh mẽ hơn.
Trình tự giải quyết tranh chấp dân sự bằng thương lượng
Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung bằng thương lượng. Trình tự này chủ yếu được tiến hành theo như thỏa thuận và mong muốn của các bên, nhìn chung bao gồm các giai đoạn sau:
- Trước tiên là giai đoạn chuẩn bị: ở giai đoạn này, các bên cần hiểu rõ những điểm mạnh điểm yếu của mình và phía bên kia, tìm hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của đối phương. Sau đó sẽ, các bên cử đội ngũ tham gia thương lượng với tiêu chí có kiến thức, năng lực về vấn đề cần thương lượng và có kỹ năng thương lượng.
- Tiếp theo là giai đoạn trình bày ý kiến: ở giai đoạn này hai bên đã tiến hành trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp qua email, điện thoại. Các bên trình bày ý kiến, quan điểm của mình và lắng nghe ý kiến của đối phương. Dựa trên tình hình thực tế các bên thương lượng có thể đưa ra những giải pháp phù hợp sao cho hài hòa với lợi ích của cả hai.
- Cuối cùng là giai đoạn quyết định: tùy thuộc vào tính chất của tranh chấp, mối quan hệ cũng như nhu cầu của các bên để lựa chọn phương án tốt nhất phù hợp với mong muốn của cả hai bên. Sau khi các bên đã đạt được phương án giải quyết tranh chấp thì sẽ lập biên bản và ký vào biên bản đó.
Nhìn chung, khi tranh chấp dân sự phát sinh thì việc lựa chọn phương thức giải quyết nào sẽ phụ thuộc vào ý chí của các bên. Song, phương thức đàm phán, thương lượng với những ưu thế của mình, thường được các chủ thể lựa chọn như là phương thức đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Đàm phán, thương lượng trong giải quyết tranh chấp dân sự cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 2022
Nguyễn Thị Bảo Ngọc
Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 2022