Các Nguyên Tắc Tổ Chức Và Hoạt Động Của Hợp Tác Xã - Luật Apollo

  1. 1. Hợp tác xã là gì?
    1. 1. Khái niệm hợp tác xã
    2. 2. Đặc điểm của hợp tác xã
  2. 2. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã

Hợp tác xã là một mô hình khá phổ biến và được người dân hưởng ứng một cách rất nhiệt tình, thu hút đông đảo người lao động tham gia, cải thiện được cuộc sống cho cộng đồng dân cư ở các địa phương. Vậy, hợp tác xã là gì? Hợp tác xã được tổ chức và hoạt động dựa trên các nguyên tắc nào?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Cơ sở pháp lý:

Luật Hợp tác xã 2012

Hợp tác xã là gì?

Khái niệm hợp tác xã

Khoản 1 điều 3 Luật Hợp tác xã 2012 đưa ra khái niệm hợp tác xã như sau:

“Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.”

Hợp tác xã mặc dù không được quan niệm là một loại hình doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khác với các loại hình công ty thương mại được thành lập chủ yếu với mục đích kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư, hợp tác xã mặc dù mang bóng dáng của một loại hình doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nhưng nó còn có các dấu hiệu của tổ chức liên kết, hợp tác nhằm hướng đến sự tương trợ, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên.

Đặc điểm của hợp tác xã

- Về mặt kinh tế, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế liên kết các thành viên hợp tác xã, được hình thành một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu chung của họ theo nguyên tắc “tự trợ giúp, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ”.

Là một tổ chức kinh tế tập thể, các hợp tác xã được hình thành trên cơ sở gắn kết giữa các thành viên nhằm hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của họ trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

- Về mặt xã hội, hợp tác xã mang tính xã hội thể hiện tính nhân văn.

Hợp tác xã là tổ chức vì mục tiêu đầu tiên là đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của các xã viên về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng thêm lợi ích cho họ trong đó có cả lợi ích về xã hội. Bên cạnh đó, trong hoạt động của mình, hợp tác xã còn quan tâm, giáo dục, đào tạo bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến cho các thành viên của mình về tính chất chất cao đẹp và những lợi ích mà bản thân hợp tác xã mang lại, nhất là tinh thần hợp tác và dân chủ.

- Về mặt pháp luật, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân

Hợp tác xã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được công nhận là một pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự: hợp tác xã là một tổ chức kinh tế được thành lập theo thủ tục pháp lý nhất định, có đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định; có quyền nhân danh mình để tham gia các quan hệ pháp luật; có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính.

Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã

Điều 7 Luật Hợp tác xã 2012 quy định 7 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã như sau:

- Nguyên tắc 1: “Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.” (khoản 1 điều 7 Luật Hợp tác xã)

Với tôn chỉ hoạt động hướng đến sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nên về nguyên tắc, mọi cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân khi đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định đều có quyền thành lập, gia nhập hoặc rời khỏi hợp tác xã. Điều này có nghĩa không chủ thể nào có quyền gây khó dễ, cản trở, ép buộc đối với cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tham gia hoặc phải rời khỏi hợp tác xã nếu trái với ý muốn của họ.

- Nguyên tắc 2: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên.” (khoản 2 điều 7 Luật Hợp tác xã)

Việc kết nạp thành viên của hợp tác xã không bị giới hạn bởi giới tính, địa vị, xã hội, chủng tộc, dân tộc hay tôn giáo. Về nguyên tắc, những chủ thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật đều có thể được kết nạp làm thành viên của hợp tác xã.

- Nguyên tắc 3: “Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.”(khoản 3 điều 7 Luật Hợp tác xã)

Đối với hợp tác xã, về nguyên tắc, thành viên hay hợp tác xã thành viên đều có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vào mức độ vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Vì vậy, mọi công việc, chủ trương của hợp tác xã đều được biểu quyết theo đa số, mỗi thành viên hợp tác xã chỉ có một phiếu khi biểu quyết, bất kể người góp nhiều vốn hay ít vốn.

- Nguyên tắc 4: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.” (khoản 4 điều 7 Luật Hợp tác xã)

Là một chủ thể kinh tế hợp pháp, hợp tác xã có quyền tự quyết định phương án sản xuất, kinh doanh cũng như việc phân phối kết quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hợp tác xã còn có quyền lập và quản lý các quỹ, quyết định vấn đề chi trả tiền lương, tiền công hay có quyền tự quyết định hình thức, thời điểm huy động vốn.

- Nguyên tắc 5: “Thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.” (khoản 5 điều 7 Luật Hợp tác xã)

Việc tham gia hợp tác xã là hoàn toàn tự nguyện, thế nên, khi đã tham gia hợp tác xã thì những chủ thể tham gia sẽ phải có nghĩa vụ đối với hợp tác xã. Khi đã trở thành thành viên của hợp tác xã, mọi người lao động, các hộ gia đình và các pháp nhân có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện các cam kết, các hợp đồng dịch vụ đã ký kết với hợp tác xã và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong điều lệ, nội quy của hợp tác xã.

- Nguyên tắc 6: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.” (khoản 6 điều 7 Luật Hợp tác xã)

Ngoài việc thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh để thu lợi nhuận, hợp tác xã còn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục văn hóa, đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ hay cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho các xã viên và tại cộng đồng dân cư nơi hợp tác xã hoạt động.

- Nguyên tắc 7: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.” (khoản 7 điều 7 Luật Hợp tác xã)

Các hợp tác xã thường thu hút được đông đảo thành viên tham gia và tạo ra rất nhiều việc làm cũng như luôn đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, để phong trào hợp tác xã tiếp tục phát triển mạnh mẽ và lan rộng tới nhiều khu vực, địa bàn hơn nữa thì việc chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, quốc gia là rất cần thiết. Đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các hợp tác xã trong giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam hiện nay.

Nhìn chung, có thể thấy, hợp tác xã là mô hình hợp tác, sản xuất kinh doanh rất phù hợp với các đặc điểm và điều kiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, để việc tổ chức và hoạt động có hiệu quả, hợp tác xã luôn phải tuân thủ triệt để theo các nguyên tắc do pháp luật quy định.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Giấy Phép Kinh Doanh Theo Quy Định Pháp Luật - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Sáu, 07 Tháng Mười 2022

Giấy Phép Kinh Doanh Theo Quy Định Pháp Luật - Luật Apollo
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết