Tội Che Giấu Tội Phạm Bị Xử Lý Thế Nào? - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Tư, 14 Tháng Mười Hai 2022
Hiện nay, thống kê số lượng tội phạm ngày càng tăng cao và hiện tượng che giấu tội phạm cũng trở nên phổ biến. Những hành vi che giấu tội phạm thường đến từ người thân trong gia đình, những người mà sẵn sàng đứng ra bảo vệ mặc dù biết con em mình phạm tội. Vậy che giấu tội phạm là gì? Tội che giấu tội phạm bị xử lý thế nào? Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp và đưa ra quan điểm pháp lý về vấn đề che giấu tội phạm:
Căn cứ pháp lý:
1. Che giấu tội phạm là gì?
Vấn đề “che giấu tội phạm” được quy định khá rõ ràng trong Bộ luật Hình sự. Tại Điều 18, BLHS 2017 quy định về cụ thể như sau:
“1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”
⇒ Như vậy, có thể hiểu nôm na che giấu tội phạm là hành vi che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật hoặc cản trở quá trình điều tra, xử lý người phạm tội mà không có sự bàn bạc hay hứa hẹn trước đó. Tuy nhiên, BLHS cũng quy định những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự khi che giấu tội phạm, đó là những người thân trong gia đình của người phạm tội, ngoại trừ những tội đặc biệt nghiêm trọng như đã nêu ở trên. Quy định này phụ thuộc một phần vào truyền thống đạo lý trong gia đình của người Việt Nam, khi người thân trong gia đình gặp chuyện hoặc phạm tội, người Việt thường tìm mọi cách để bảo vệ dù biết việc làm đó là trái với quy định pháp luật. Chúng tôi cho rằng không nên loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp người che giấu tội phạm là người thân trong gia đình, cần phải đưa ra chế tài bình đẳng đối với tất cả các chủ thể có hành vi che giấu tội phạm vì pháp luật là công bằng và nghiêm minh. Việc loại trừ trách nhiệm hình sự như đã nêu ở Khoản 2, Điều 18, BLHS 2017 có thể dẫn đến hệ quả người dân không coi trọng pháp luật, đặc biệt sẽ ảnh hướng đến quá trình điều tra, truy vết tội phạm của cơ quan có thẩm quyền.
2. Phân biệt “che giấu tội phạm” với “không tố giác tội phạm”
Che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm thường bị nhầm lẫn với nhau tuy nhiên đây lại là hai khái niệm khác nhau và pháp luật Hình sự cũng có quy định riêng về hai khái niệm này. Về khái niệm “che giấu tội phạm”, chúng tôi đã phân tích ở phần trên. Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra khái niệm “không tố giác tội phạm” và nêu ra những điểm khác biệt giữa hai khái niệm này.
Khái niệm không tố giác tội phạm
Tại Điều 19, BLHS 2017 quy định về hành vi không tố giác tội phạm như sau:
“1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”
⇒ Như vậy, hành vi không tố giác tội phạm có thể được xác định xuyên suốt các giai đoạn phạm tội, từ khi chuẩn bị phạm tội, thực hiện tội phạm cho đến khi đã thực hiện xong tội phạm. Theo đó, người nào mà biết rõ tội phạm đã đang và sẽ được thực hiện nhưng không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Tương tự như “che giấu tội phạm”, những chủ thể là người thân của người phạm tội mà không tố giác tội phạm thì cũng sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Về quan điểm cho việc loại trừ trách nhiệm hình sự này, chúng tôi đã nêu ở phần 1. Tuy nhiên, tại Điều 19, BLHS 2017 còn đưa ra trường hợp người không tố giác tội phạm là người bào chữa thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự ngoại trừ những tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phân biệt “không tố giác tội phạm” và “che giấu tội phạm”
Giống nhau:
- Yếu tố lỗi: cả hai tội phạm này đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp
- Chế tài: cả hai tội đều có điều khoản loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện là người thân thích của người có hành vi phạm tội (Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội).
Khác nhau:
- Thời điểm phạm tội: Hành vi che giấu tội phạm diễn ra khi người che giấu biết tội phạm khác đã được thực hiện xong, ví dụ như A giết người xong và nói với B về hành vi giết người đó. Còn hành vi không tố giác tội phạm có thể diễn ra bất cứ giai đoạn phạm tội nào, từ khi chuẩn bị cho đến lúc đã thực hiện xong tội phạm, ví dụ A biết B chuẩn bị đồ nghề để đi ăn trộm nhưng không báo với công an).
- Cách thức thực hiện hành vi: Hành vi che giấu tội phạm gồm có che giấu dấu vết, tang vật, cản trở việc điều tra, ví dụ như B che giấu hành vi giết người của A bằng cách lau sạch vết máu tại địa điểm giết người. Còn hành vi không tố giác tội phạm chỉ đơn giản là người không tố giác biết về tội phạm nhưng không để mặc cho hậu quả xảy ra mà không tố giác với công an về hành vi đó.
- Trách nhiệm hình sự của người bào chữa: Hành vi che giấu tội phạm không hề nêu về trách nhiệm hình sự của người bào chữa, như vậy người bào chữa trong trường hợp biết mà vẫn che giấu tội phạm thì vẫn bị xử lý hình sự như tất cả các chủ thể khác. Còn hành vi không tố giác tội phạm có quy định người bào chữa được loại trừ trách nhiệm hình sự ngoại trừ trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
⇒ Như vậy, “che giấu tội phạm” và “không tố giác tội phạm” là hai tội phạm độc lập, dù có những điểm dễ gây nhầm lẫn, song để nhìn nhận tội phạm mội cách chính xác ta cần đánh giá và phân tích kỹ những yếu tố cấu thành tội phạm để không nhầm lẫn hai tội phạm này với nhau.
3. Tội che giấu tội phạm bị xử lý thế nào?
Tội che giấu tội phạm được xếp vào một trong những tội cản trở và xâm phạm hoạt động tư pháp. Tại Điều 389 BLHS 2017 quy định mức xử phạt cho tội danh này như sau:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 1 12, 113, 1 14, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
⇒ Như vậy, người có hành vi che giấu tội phạm thì có thể sẽ phải chịu mức án phạt cao nhất lên đến 07 năm tù giam.
Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về "Che giấu tội phạm bị xử lý thế nào?" theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về tội phạm cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Tư, 14 Tháng Mười Hai 2022
luatapollo
Thứ Tư, 14 Tháng Mười Hai 2022