Quy Định Về Khởi Tố Vụ Án Hình Sự - Luật Apollo

  1. 1. Khởi tố vụ án hình sự là gì?
  2. 2. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
  3. 3. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
  4. 4. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự
  5. 5. Thời hạn khởi tố vụ án hình sự

Người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự theo một trình tự nhất định với những giai đoạn như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và giai đoạn khởi tố chính là giai đoạn đầu tiên trong quá trình giải quyết một vụ án nào đó. Vậy, khởi tố vụ án hình sự là gì? Khởi tố vụ án hình sự tiến hành trên những căn cứ nào với thời hạn là bao lâu? Sau đây luật Apollo sẽ cung cấp một số thông tin về vấn đề trên. 

Cơ sở pháp lý:

1. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 

2. Bộ luật hình sự 2015

Khởi tố vụ án hình sự là gì?

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự trong đó các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 kiểm tra thông tin, tài liệu thu được, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm. Khởi tố bắt đầu từ thời điểm nhận được những thông tin đầu tiên về việc thực hiện hành vi phạm tội và kết thúc bằng quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố bởi cơ quan có thẩm quyền.

Theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 trong trường hợp đặc biệt, khi xác định “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể...” thì không khởi tố mà có thể xử lý bằng các biện pháp khác.

Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về căn cứ khởi tố thì chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

- Tố giác của cá nhân: Theo đó cá nhân khi phát hiện hành vi phạm tội sẽ tiến hành tố giác với cơ quan có thẩm quyền.

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu tội phạm qua đó cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh các tình tiết được báo tin.

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng: Cũng được các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tuy nhiên phương thức truyền tải thông tin sẽ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ví dụ: Qua phát thanh, đài truyền hình. Theo Khoản 4 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì tố giác và tin báo về tội phạm có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản và trong trường hợp người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính thậm chí là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 5 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước: Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm: Trong quá trình điều tra thì bên cạnh các cơ quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án thì cũng có các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm. Trong trường hợp thực hiện thực hiện công tác mà trực tiếp phát hiện ra dấu hiệu tội phạm thì có thể khởi tố vụ án hình sự hoặc chuyển về cho các cơ quan có thẩm quyền (Điều 151 Luật tố tụng hình sự).

- Người phạm tội tự thú: Theo điểm h Khoản 1 Điều 4 Luật tố tụng hình sự thì tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện 

Theo khoản 1 Điều 152 Bộ luật tố tụng hình sự khi người phạm tội đến tự thú thì cơ quan tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

>>> Xem thêm: Khởi Tố Vụ Án Hình Sự Theo Yêu Cầu Của Bị Hại - Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015

Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Tuy pháp luật đã quy định những căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng dựa trên trên thực tế khó xác định và dễ nhầm lẫn mang đến những hậu quả xấu không đáng có cho người dân khi áp dụng luật nên pháp luật đã quy định cả những trường hợp để không khởi tố  quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo đó không được khởi tố khi có một trong các căn cứ sau:

  • Không có sự việc phạm tội;
  • Hành vi không cấu thành tội phạm;
  • Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
  • Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
  • Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Tội phạm đã được đại xá; 
  • Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
  • Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố. Sở dĩ vì đây là những điều luật liên quan đến nhân thân ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của người bị hại nên để đảm bảo lợi ích cũng như điều kiện tốt nhất cho người bị hại, pháp luật trao cho họ có quyền chọn việc khởi tố hay không.

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự, những cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự gồm:

- Cơ quan điều tra: Cơ quan điều tra sẽ có thẩm quyền ra quyết định khởi tố đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 153 (Khoản 1 Điều 153).

- Viện kiểm sát: Viện kiểm sát sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp tại Khoản 3 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

  • Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
  • Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

- Hội đồng xét xử: Theo khoản 4 Điều 153 Hội đồng xét xử cũng có thể ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

- Các cơ quan khác: Bên cạnh đó, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có thể ra quyết định khởi tố trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ví dụ: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm,...

Thời hạn khởi tố vụ án hình sự

Theo Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

  • Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Theo Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự ta có thể hiểu quyết định khởi tố là quyết định có giá trị pháp lý kết thúc giai đoạn khởi tố vụ án, bắt đầu giai đoạn điều tra vụ án hình sự được lập bởi những người tiến hành tố tụng có thẩm quyền theo những trình tự thủ tục luật định để chính thức thể hiện ý chí của Nhà nước trong việc giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Trong khi quyết định không khởi tố là căn cứ chấm dứt mọi hoạt động tố tụng, đình chỉ giải quyết vụ việc.
  • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự (Điều 158 Bộ luật tố tụng hình sự).
  • Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự). 

=> Như vậy thông thường, thời hạn khởi tố là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Ngoài ra, trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn kéo dài trên thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về khởi tố vụ án hình sự. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về tội phạm cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Quy định của pháp luật về Tội hiếp dâm

luatapollo

Thứ Ba, 26 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về Tội hiếp dâm
Quy định về Khởi tố vụ án hình sự

luatapollo

Thứ Ba, 26 Tháng Bảy 2022

Quy định về Khởi tố vụ án hình sự
Chính Sách Khoan Hồng Trong Pháp Luật Hình Sự

luatapollo

Thứ Ba, 26 Tháng Bảy 2022

Chính Sách Khoan Hồng Trong Pháp Luật Hình Sự
Quy định của pháp luật về Tội cưỡng dâm

luatapollo

Thứ Ba, 26 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về Tội cưỡng dâm
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết