Tình Tiết Giảm Nhẹ Trách Nhiệm Hình Sự - Luật Apollo

  1. 1. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì? 
  2. 2. Những trường hợp được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
    1. 1. Cách tình tiết giảm nhẹ do luật định
    2. 2. Các tình tiết không được áp dụng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
  3. 3. Vai trò của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Một vụ án hình sự có rất nhiều vấn đề cần xem xét, trong đó tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là vấn đề được chú trọng hàng đầu. Toà án sẽ cân nhắc những tình tiết này nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong phạm vi khung hình phạt. Cùng tìm hiểu thế nào là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự qua bài viết sau đây:

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Hình sự 2015

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì? 

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hiểu là căn cứ quyết định hình phạt độc lập để khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ cân nhắc tình tiết này trong mối quan hệ với toàn bộ vụ án nhằm quyết định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong phạm vi khung hình phạt cho phép. Như vậy, có thể hiểu tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ giảm nhẹ khung hình phạt đối với trường hợp phạm tội. 

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự xác định dựa trên: 

  • Các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. 

  • Các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục người phạm tội; 

  • Các tình tiết phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội. 

Những trường hợp được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Tại Điều 51 BLHS 2015 có quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dựa vào các quy định này có thể phân định các trường hợp về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: 

Cách tình tiết giảm nhẹ do luật định

Theo khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 quy định về các trường hợp được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: 

► Các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội: đây là các tình tiết thuộc về yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan hay về nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng làm giảm mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, gồm những tình tiết: 

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm (điểm a khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm và nếu không thực hiện việc ngăn cản thì hậu quả sẽ xảy ra hoặc xảy ra lớn hơn nhưng người phạm tội đã ngăn chặn không cho tác hại xảy ra hoặc đã hạn chế được một phần tác hại của hành vi phạm tội. Tuy nhiên mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hành vi ngăn chặn hoặc giảm bớt tác hại cùng với đó là tác hại trên thực tế được ngăn chặn và hạn chế như thế nào. 

  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả thiệt hại và đã tự nguyện (không phải vì bị ép buộc) thực hiện hành vi khắc phục hậu quả của tội phạm như là: Sửa chữa tài sản hư hỏng; Bồi thường về vật chất thiệt hại về tài sản, thể chất, tinh thần hoặc có những hành vi khắc phục hậu quả của tội phạm. Việc này phản ánh được thái độ ăn năm hối cải của người phạm tội đối với hành vi phạm tội của mình. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này căn cứ vào sự cố gắng khắc phục hậu quả của người phạm tội và mức độ khắc phục trên thực tế.

  • Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn ( điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): ở trường hợp này lưu ý phải xác định nguyên nhân của việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội. Nên nó khác với trường hợp ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm là việc người phạm tội đã có hành động tích cực để có được kết quả đó. Vấn đề hậu quả là yếu tối quyết định mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nên trường hợp này được coi là trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS 2015) mức độ giảm nhẹ TNHS trong trường hợp này phụ thuộc chính vào mức độ ít nghiêm trọng của hành vi phạm tội. 

  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng(điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS 2015) đây là trường hợp phạm tội có động cơ phòng vệ. Hành vi phạm tội xảy ra là do người phòng vệ đã vượt quá giới hạn mà luật cho phép dẫn đến hậu quả.

  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (điểm d khoản 1 Điều 51 BLHS 2015). 

  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điểm đ khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Tình tiết này mới được quy định trong BLHS 2015. Người phạm tội trong trường hợp này có động cơ bắt giữ một người phạm tội khác nhưng khi thực hiện việc này họ đã dùng vũ lực vượt quá mức cần thiết mà luật cho phép dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho người bị bắt giữ.

  • Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra (điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Trong trường hợp này, người phạm tội đang trong tình trạng bị hạn chế khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi, do chịu sự tác động của hành vi trái pháp luật mà nạn nhân gây ra trước đó. Tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tác động trước đó mà mức độ giảm hẹ sẽ khác nhau trong từng trường hợp cụ thể.

  • Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra (điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể là do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn hoặc do nguyên nhân khách quan khác. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ khó khăn và mức độ cố gắng tìm cách khắc phục của người phạm tội. 

  • Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức (điểm k khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Đây là trường hợp người phạm tội không hoàn toàn tự do lựa chọn, điều khiển hành vi của mình mà buộc phải thực hiện tội phạm theo ý chí của người có hành vi đe dọa hoặc cưỡng bức. Đe dọa ở đây có thể được hiểu là đe doạ sẽ gây thiệt hại như doạ sẽ gây thương tích, doạ sẽ huỷ hoại tài sản.. nếu người bị đe dọa không thực hiện tội phạm theo ý muốn của người đe doạ. Cưỡng bức là hành vi dùng vũ lực uy hiếp người khác (đánh đập, giam giữ...), buộc họ thực hiện tội phạm theo ý muốn của mình. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này tuỳ thuộc nhiều vào mức độ bị đe dọa hoặc cưỡng bức. 

  • Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra (điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Người phạm tội trong trường hợp này đã thực hiện tội phạm trong tình trạng bị hạn chế khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Mà nguyên nhân họ bị rơi vào tình trạng này không phải do lỗi của bản thân họ, ví dụ trường hợp bị lừa dối nên đã sử dụng nhầm chất kích thích mạnh dẫn đến thực hiện tội phạm. Mức độ giảm nhẹ TNHS phụ thuộc vào mức độ hạn chế khả năng nhận thức hành vi của người phạm tội. 

  • Phạm tội do lạc hậu (điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Đây là trường hợp người phạm tội do trình độ nhận thức lạc hậu nên không nhận thức được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình gây ra. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này căn cứ vào mức độ lạc hậu của người phạm tội và cũng căn cứ vào điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương- nơi người phạm tội sinh sống. 

  • Người phạm tội là người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình (điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể đã phạm tội khi đang trong tình trạng bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi do mắc bệnh. trong trường hợp này, lỗi của người phạm tội là lỗi hạn chế nên họ được coi là có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của người phạm tội. 

Các trường hợp là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

► Các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục, cải tạo của người phạm tội. 

  • Người phạm tội tự thú (điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS 2015) đây là trường hợp tuy chưa phát hiện là người phạm tội nhưng chủ thể đã tự đến cơ quan công an trình diện và khai báo về hành vi phạm tội của mình. 

  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): đây là trường hợp người phạm tội đã khai rõ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện, đã có biểu hiện thể hiện rõ sự day dứt, hối hận về thực hiện tội phạm và mong muốn sửa chữa lỗi lầm thông qua việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tích cực lao động…

  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan điều tra có trách nhiệm (điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): đây là trường hợp người phạm tội đã cung cấp các bằng chứng, tài liệu, tin tức cho cơ quan điều tra có trách nhiệm hoặc làm đúng theo yêu cầu của các cơ quan đó để phát hiện hoặc giải quyết vụ án về tội phạm mà họ tham gia thực hiện hoặc về tội phạm, người phạm tội khác có liên quan. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết này phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của hành vi tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc. 

  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội (điểm u khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): đây là trường hợp người phạm tội đã có thành tích đột xuất, tương đối đặc biệt như thành tích trong cứu hoả, chống bão, lụt hoặc trong việc cứu người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng… việc lập công này đã thể hiện phần nào sự hối hận cũng như quyết tâm cải tạo của người phạm tội. 

  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hướng dẫn vận dụng cho các trường hợp người phạm tội được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng lao động sáng tạo, bằng khen của Chính phủ hoặc sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua… 

► Các tình tiết phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội

  • Người phạm tội là phụ nữ có thai (điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): đây là trường hợp người phụ nữ phạm tội trong thời gian đang mang thai. Tình tiết này được quy định xuất phát từ chính sách nhân đạo, phụ nữ khi mang thai có tình trạng sức khoẻ không ổn định, dễ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm - sinh lý.

  • Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên (điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS 2015): Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định thay cho tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định trong BLHS năm 2015. Việc quy định tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ xuất phát chủ yếu từ nguyên tắc nhân đạo có tính đến đặc điểm tâm- sinh lí ở độ tuổi này. 

  • Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng (điểm p khoản 1 Điều 51 BLHS 2015).

  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con liệt sĩ (điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS 2015). Việc quy định tình tiết này xuất phát từ chính sách của nhà nước đối với người có công với cách mạng, là thân nhân của liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. 

Lưu ý: Ngoài các tình tiết trên toà án còn có thể xác định tình tiết khác như đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng phải ghi rõ trong bản án (khoản 2 Điều 51 BLHS 2015). Đây là một trong những điểm khác biệt so với tình tiết tăng nặng bởi nếu tình tiết tăng nặng được quy định cụ thể và chỉ được áp dụng theo quy định của luật thì tình tiết giảm nhẹ sẽ có sự linh động hơn, Toà án có thể xem xét trong từng trường hợp cụ thể để áp dụng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho tội phạm. 

Các tình tiết không được áp dụng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 nếu là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. 

Ví dụ: Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, đây chính là tình tiết định tội của tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 126 BLHS 2015. Nếu không có tình tiết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ không phạm tội này. Nên trong trường hợp này thì không được áp dụng tình tiết này vào tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Như vậy có thể thấy tình tiết giảm nhẹ chỉ có giá trị sau khi đã xác định người phạm tội nào và khung hình phạt là bao nhiêu để tuyên mức phạt dưới mức trung bình của khung. Do đó nếu một tình tiết giảm nhẹ đã được dùng để định tội và định khung thì sẽ không áp dụng đề xem xét định lượng hình phạt nữa vì như vậy 1 tình tiết giảm nhẹ lại áp dụng đến 2 lần. 

Vai trò của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

  • Một trong những căn cứ để Tòa án ra quyết định mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. 
  • Thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước đối với người phạm tội. 
  • Đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đặc biệt là những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập, công tác, những người có công với cách mạng và nhân thân của họ. 
  • Thể hiện tính khách quan, mền dẻo, linh hoạt trong quá trình giải quyết vụ án. 
  • Khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo, thành khẩn hối lỗi trước hành vi phạm tội của mình góp phần giúp cho quá trình phá án diễn ra nhanh chóng hơn. 

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về tội phạm cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Quy định của pháp luật về Tội hiếp dâm

luatapollo

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 2022

Quy định của pháp luật về Tội hiếp dâm
Quy định của pháp luật về Tội cưỡng dâm

luatapollo

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 2022

Quy định của pháp luật về Tội cưỡng dâm
Quy định của pháp luật về Tội trộm cắp tài sản

luatapollo

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 2022

Quy định của pháp luật về Tội trộm cắp tài sản
Quy định chung của pháp luật về tội cố ý gây thương tích

luatapollo

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 2022

Quy định chung của pháp luật về tội cố ý gây thương tích
Truy Nã Là Gì? Đối Tượng Nào Bị Truy Nã? - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 2022

Truy Nã Là Gì? Đối Tượng Nào Bị Truy Nã? - Luật Apollo
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết