Lãi Suất Trong Hợp Đồng Vay Tài Sản - Luật Apollo
luatapollo
Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022
-
1. Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là gì?
- 1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản và lãi suất
- 2. Đặc trưng của lãi suất
-
2. Quy định của pháp luật về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
- 1. Lãi suất cho vay
- 2. Lãi suất chậm trả nợ gốc
- 3. Lãi suất chậm trả nợ lãi
- 4. Lãi suất trong họ, hụi, biêu, phường
- 3.
- 4. Tình huống thực tiễn về tính lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là một phương tiện pháp lý để thực hiện quan hệ hợp tác giữa các chủ thể, giúp họ giải quyết phần nào những khó khăn về tài chính trong cuộc sống thường ngày. Nhắc đến hợp đồng vay thì lãi suất luôn là một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện hợp đồng trên thực tế. Vậy, lãi suất là gì? Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản được quy định như thế nào?
Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Căn cứ pháp lý:
Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm
Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là gì?
Khái niệm hợp đồng vay tài sản và lãi suất
Căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên, theo đó bên cho vay chuyển giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên vay và bên vay được toàn quyền sử dụng tài sản đó. Khi đến hạn, bên vay hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và đồng thời phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Lãi suất được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự nhưng không được định nghĩa một cách cụ thể, song, có thể hiểu lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỷ lệ phần trăm nhất định mà người vay phải trả cho bên cho vay thêm vào số tài sản đã vay tính trên một đơn vị thời gian trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi hoặc pháp luật có quy định về việc trả lãi.
Đặc trưng của lãi suất
- Thứ nhất, lãi suất xuất hiện chủ yếu trong các hợp đồng vay tài sản.
- Thứ hai, lãi suất là điều khoản tùy nghi hoặc có thể là điều khoản thông thường.
- Thứ ba, lãi suất không tồn tại một cách độc lập.
- Thứ tư, lãi suất được tính dựa trên số vay gốc và thời hạn vay.
Quy định của pháp luật về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Lãi suất cho vay
Về nguyên tắc, lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận, điều này được công nhận tại khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 “Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận”. Trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không thỏa thuận cụ thể về mức lãi suất áp dụng thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật tại khoản 2 điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
Lãi suất cho vay được áp dụng với khoản nợ gốc và trong thời gian cho vay theo thỏa thuận của các bên. Khi các bên có thỏa thuận về lãi mà bên vay trả nợ đúng hạn thì chỉ có một loại lãi suất duy nhất được áp dụng, đó là lãi suất cho vay áp dụng trên nợ gốc trong thời hạn vay.
Đối với hợp đồng vay tài sản (trừ các hợp đồng chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành khác), nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay nặng lãi, bên cho vay lợi dụng lãi suất để thu lời bất chính, các nhà làm luật đã giới hạn một mức trần lãi suất, cụ thể được quy định tại điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Ví dụ: A và B thỏa thuận lãi suất 25%/năm đối với khoản tiền vay là 100.000.000đ trong thời gian 2 năm. Trường hợp này các bên đã thỏa thuận vượt quá lãi suất theo quy định, do đó, phần vượt quá là 5% không có hiệu lực. Mức lãi suất để tính trong trường hợp này là 20%/năm.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50%/năm mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều 486 tại thời điểm trả nợ.
Lãi suất chậm trả nợ gốc
Lãi suất chậm trả nợ gốc hay lãi suất quá hạn là tỉ lệ phần trăm tính trên nợ gốc mà bên vay phải trả cho bên cho vay tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất quá hạn thường cao hơn lãi suất đúng hạn do được áp dụng đối với người vay vi phạm nghĩa vị về thời hạn. Sau thời hạn mà bên vay không trả hoặc không trả hết số tiền vay thì bên cho vay có quyền tính lãi dựa trên lãi suất quá hạn theo đúng như thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Đối với hợp đồng vay tài sản thông thường (trừ các hợp đồng chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành khác), Bộ luật Dân sự quy định về loại lãi suất này như sau:
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Tức là, mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng vay là không quá 150% x 20%/năm = 30%/năm.
- Trường hợp các bên không thỏa thuận về mức lãi suất này thì lãi suất nợ quá hạn = lãi suất trong hạn x 150%
Lãi suất chậm trả nợ lãi
Điểm a khoản 5 điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng trong trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc thì bên vay còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 của Bộ luật này. Theo quy định này thì mức lãi suất chậm trả lãi trên nợ gốc là cố định, cụ thể là 10%/năm, pháp luật không quy định về việc các bên được thỏa thuận về mức lãi suất này.
Tuy nhiên, quy định trên của Bộ luật Dân sự 2015 có phần chưa hợp lý bởi nó trái với bản chất của hợp đồng vay tài sản là sự tự do thỏa thuận của các bên. Việc quy định như vậy đã phần nào hạn chế và xâm phạm quyền của các chủ thể trong quan hệ vay tài sản.
Nhằm khắc phục được vấn đề này, Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm tại điểm b khoản 2 điều 5 đã bổ sung thêm phần “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Việc bổ sung này đã ghi nhận quyền của các chủ thể của hợp đồng vay tài sản trong việc tự mình thỏa thuận về mức lãi suất chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn.
► Tóm lại, với những quy định của pháp luật dân sự hiện hành đối với các hợp đồng vay tài sản thông thường (trừ các hợp đồng chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành khác) thì mức lãi suất chậm trả nợ lãi được hai bên thỏa thuận, trường hợp không có thỏa thuận thì mới áp dụng mức lãi suất bằng 50% quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 (tức 10%/năm).
Lãi suất trong họ, hụi, biêu, phường
Căn cứ vào khoản 3 điều 471 Bộ luật Dân sự 2015:
“Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.”
► Như vậy việc tính lãi họ phải bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, tức là quy định về lãi suất tại điều 468. Việc xác định chính xác từng loại lãi trong họ sẽ là cơ sở để quan trọng để xác định lãi suất trong từng kỳ mở họ và là căn cứ để tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến lãi trong hợp đồng họ.
Tình huống thực tiễn về tính lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Tình huống:
Ngày 15/5/2017, bà H có đến nhà ông A vay số tiền là 350.000.000 đồng ( có giấy biên nhận do bà H đứng tên). Đến tháng 6/2017 bà H có trả 120.000.000 đồng. Đến ngày 14/7/2017 bà H đến nhà ông A vay thêm 100.000.000 đồng, có giấy nhận nợ. Đến ngày 14/8/2017, bà H trả cho ông A 180.000.000 đồng. Hiện bà H còn thiếu ông A 230.000.000 đồng. Ông A khởi kiện yêu cầu bà H phải trả cho ông 230.000.000 đồng và yêu cầu tính lãi 1%/tháng kể từ ngày 14/8/2017 đến khi xét xử sơ thẩm. Ngày xét xử sơ thẩm là ngày 04/01/2018.
Trả lời:
Trong tình huống này, căn cứ theo khoản 2 điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ. Đối với trường hợp trên, khi vay tiền, các bên không có thỏa thuận về lãi suất, do vậy, mức lãi suất áp dụng sẽ được xác định là 10%/năm.
Từ ngày 14/8/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (tức ngày 04/01/2018) là 143 ngày.
Số tiền lãi trong tình huống trên được tính như sau:
143 (ngày) x 230.000.000 x 10%/năm:365 ngày = 9.010.958 đồng.
Như vậy, tổng số tiền vốn gốc và tiền lãi bà H có nghĩa vụ thanh toán cho ông A là 239.010.958 đồng.
⇒ Có thể nói, lãi suất là một trong những thành tố quan trọng của hợp đồng vay tài sản, song các vấn đề liên quan tới lãi suất cũng khá phức tạp, dễ dẫn đến tranh chấp và tương đối phức tạp để giải quyết. Do vậy, các chủ thể khi giao kết cần chú ý đến vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản để bảo vệ được quyền lợi cho mình và tránh xảy ra tranh chấp.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an