Tội Trộm Cắp Tài Sản Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự - Luật Apollo

  1. 1. Quy định chung của pháp luật về tội trộm cắp tài sản
    1. 1. Tội trộm cắp tài sản theo quy định bộ luật hình sự 2015
    2. 2. Các yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản
    3. 3. Các hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản
    4. 4. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản
  2. 2. So sánh giữa tội trộm cắp tài sản và tội cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản.
    1. 1. ► Giống nhau:  
    2. 2. ► Khác nhau: 

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng vì dịch bệnh Covid kéo theo đó là các tội phạm về chiếm đoạt tài sản đặc biệt là tội trộm cắp tài sản. Vậy thế nào là tội trộm cắp tài sản theo bộ luật hình sự 2015? Đều là các tội về chiếm đoạt tài sản nhưng tội trộm cắp tài sản, tội cướp tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản lại là những tội danh khác nhau và có những điểm khác biệt. 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề nêu trên sau đây là một vài hướng dẫn  được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật hình sự 2015

2. Bộ luật dân sự 2015

3. Thông tư số 01/2021/TT-NHNN ngày 31/03/2021 của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Quy định chung của pháp luật về tội trộm cắp tài sản

Tội trộm cắp tài sản theo quy định bộ luật hình sự 2015

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó ta có thể hiểu trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, không công khai, không dùng các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần, không để chủ sở hữu tài sản hoặc người khác có trách nhiệm quản lý tài sản biết nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản

Để nhận biết như nào được gọi là tội trộm cắp tài sản, hay dấu hiệu nhận biết tội trộm cắp tài sản là như nào? Thì người thực hiện tội phạm phải có đủ 4 yếu tố tạo nên tội phạm. Phải có đủ 4 yếu tố này thì một người mới được coi là người phạm tội, nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt. 

Để xác định một tội danh có phải tội trộm cắp tài sản hay không cần căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm, cụ thể:

► Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

  • Về hành vi: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút. Hành vi lén lút phải là sự giấu giếm vụng trộm lấy tài sản khi chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị mất tài sản, chỉ khi tài sản bị chiếm đoạt họ mới biết tài sản đã bị mất. Lén lút được coi là đặc điểm riêng biệt có tính đặc thù của tội trộm cắp tài sản, không có việc lén lút thì không phải là trộm cắp. 

Hành vi lén lút có thể được che giấu bằng những hình thức khác nhau, cụ thể là: Che giấu toàn bộ hành vi  (ví dụ: Lợi dụng đêm tối, kẻ trộm lẻn vào nhà hàng xóm lấy trộm toàn bộ vàng, kim cương). Che giấu một phần hành vi: Tức chỉ che giấu riêng hành vi phạm tội (ví dụ:A bí mật lấy chìa khóa nhà của B đi đánh chìa khóa khác, chờ dịp gia đình B đi nghỉ dưỡng A đã dùng chìa khóa đánh thêm để mở khóa và chuyển một số tài sản đi giả là chuyển nhà giúp B.). Che giấu tính chất của hành vi phạm tội: (ví dụ:người phạm tội rút trộm điện thoại trong túi quần của anh A ngay trước sự chứng kiến của những người xung quanh vì tưởng là bạn bè.).

  • Hậu quả: Hậu quả người phạm tội có lấy được tài sản không là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Vì vậy phải có hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Nếu tài sản chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi là đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã dấu được tài sản trong người, nếu tài sản lớn thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản, nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hoàn thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu. 

Trong trường hợp người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản nhưng bị người gặp nạn giành lại, người phạm tội sử dụng vũ lực đối với người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản, thì hành vi của người phạm tội chuyển hóa từ cấu thành tội trộm cắp sang tội cướp tài sản. 

► Khách thể:

Tội trộm cắp tài sản thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu, do đó khách thể của tội phạm này là quan hệ sở hữu đối với tài sản. Theo Điều 158 Bộ luật dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 163 Bộ luật dân sự 2015 thì hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền sở hữu tài sản của người khác. Hành vi trộm cắp tài sản gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu phải là hành vi gây thiệt hại xâm phạm đến cả ba quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu, đồng thời tước đoạt cả ba quyền trên. Nếu một hành vi chỉ xâm phạm đến một trong ba quyền sở hữu của chủ sở hữu, thì không phải là hành vi trộm cắp tài sản.

Cũng như các hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu khác, để xâm phạm đến khách thể là quan hệ xã hội thì người phạm tội trộm cắp tài sản cũng phải tác động đến đối tượng cụ thể, đó là tài sản - đối tượng vật chất để phát sinh quan hệ sở hữu tài sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, tài sản bao gồm bất động sản và động sản (có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai). 

Tuy nhiên không phải mọi loại tài sản đều là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. Ví dụ như quyền tài sản và bất động sản (nhà, đất…) không thể là đối tượng của tội trộm cắp tài sản vì quyền tài sản phải thông qua các thủ tục pháp lý nên không thể lén lút mà chiếm đoạt được. Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất...các quyền tài sản thông thường là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp…các quyền này thường gắn liền với nhân thân.

Như vậy, tài sản thuộc đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá. Cụ thể:

  • Vật: Vật khi là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là vật có thực, vật cụ thể tức là vật hữu hình, có giá trị sử dụng. Đối tượng của tội trộm cắp tài sản là vật có thực, dễ dàng di chuyển như tiền, vàng, đá quý…
  • Tiền: Tiền là một loại tài sản đặc biệt, có chức năng trao đổi ngang giá với những loại tài sản khác. Tiền là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản bao gồm tiền Việt Nam và tiền nước ngoài. Tuy nhiên tiền giả không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. Những loại tiền cũ có giá trị văn hóa, lịch sử khi bị trộm cắp không được coi là tiền theo nghĩa này mà được coi là vật.
  • Giấy tờ có giá: Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2021/TT-NHNN ngày 31/03/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì giấy tờ có giá bao gồm kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu. 

Những tài sản trên là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản thì tài sản đó phải đang nằm trong sự chiếm hữu, quản lý của con người (tài sản đang có chủ). Đối với các loại tài sản vô chủ ví dụ như tài sản đã bị chủ sở hữu vứt bỏ, bị bỏ quên…thì không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. 

Tài sản đó có thể là hợp pháp hoặc không hợp pháp, tuy nhiên do pháp luật hình sự không quy định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của tài sản nên dù tài sản có được do bất hợp pháp nhưng khi người phạm tội thực hiện tội phạm thì vẫn tính là phạm tội. 

Đặc biệt: Những người có hành vi trộm cắp loại tài sản đặc biệt như thư, điện báo…sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này mà sẽ là các tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín… Hoặc đối với các đối tượng cấm như chất ma túy, tàu thủy tàu bay, vũ khí quân dụng sẽ phải chịu trách nhiệm về các tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194), tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221). Tài sản bị chiếm đoạt không phải là của người phạm tội, khoản 1 Điều 138 quy định đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản của người khác, nếu một người trộm cắp tài sản của thuộc quyền sở hữu của chính mình (không đang cho cho người khác thuê, mượn, cầm cố…) thì không phạm tội.

► Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp. Đây là yếu tố bắt buộc, không có trường hợp vô ý trộm cắp hay trộm cắp với lỗi cố ý gián tiếp. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc đang có người quản lý nhưng vẫn mong muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình khi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Động cơ phạm tội với mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác. 

► Chủ thể:

Căn cứ Điều 12 Bộ luật hình sự 2015. Người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định. Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội tại khoản 3, khoản 4 Điều 173 tội trộm cắp tài sản. Người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về tội trộm cắp tài sản.

 

Các hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản

Theo Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 ta có hình phạt thấp nhất với tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt cao nhất là phạt tù đến 20 năm.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản

Theo Điều 9, Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 khi xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản cần căn cứ vào tội danh và mức phạt tù để xác định thời hiệu khởi kiện. Ví dụ trường hợp phạm tội trộm cắp tài sản dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm với mức phạt tù đến 07 năm thì sẽ là tội nghiêm trọng tương ứng với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm như vậy trong 10 năm kể từ khi có hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

So sánh giữa tội trộm cắp tài sản và tội cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Cùng là các tội về chiếm đoạt tài sản nên tội trộm cắp tài sản, tội cướp tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản có một số điểm chung nhất định và dễ bị nhầm lẫn, để phân biệt hai tội danh này sẽ có những điểm khác biệt.

► Giống nhau:  

  • Khách thể: Không phải tài sản nào theo Bộ luật dân sự cũng là đối tượng của các tội này bởi lẽ không phải tài sản nào người phạm tội cũng có thể lấy được vì nó gắn liền với quyền nhân thân và vô hình như quyền tài sản, một số tài sản khác là bất động sản như nhà và đất, quyền tài sản cũng không thể là đối tượng của các tội này.
  • Chủ quan: Cả ba tội phạm này người phạm tội đều thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác đều với mục đích chiếm đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
  • Chủ thể: Bất kỳ ai có đủ độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể trở thành chủ thể của ba tội phạm này.

► Khác nhau: 

Tội trộm cắp tài sản

  • Tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội theo khoản 3, khoản 4 
  • Giá trị tài sản: Có quy định giá trị tài sản trong cấu thành tội phạm cơ bản
  • Khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi lén lút trộm cắp tài sản. Dấu hiệu lén lút vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt tài sản vừa chỉ ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi đó. Người phạm tội nhanh chóng thoát khỏi nơi thực hiện hành vi phạm tội.
  • Khách thể: Xâm phạm quan hệ sở hữu đối với tài sản mà không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. Tội trộm cắp tài sản ít nguy hiểm hơn so với tội cướp tài sản.
  • Hình phạt: Thấp nhất là cải tạo không giam giữ, nhiều nhất là phạt tù 20 năm

Tội cướp tài sản

  • Tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.Từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội tại khoản 2, khoản 3, khoản 4
  • Giá trị tài sản: Không quy định giá trị tài sản trong cấu thành tội phạm cơ bản. Do mục đích phạm tội của tội cướp tài sản là nhằm chiếm đoạt tài sản nên việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành của tội cướp tài sản chỉ phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện một trong ba dạng hành vi được mô tả trong điều luật mà không phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản hay chưa.
  • Khách quan:

- Người phạm tội sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi tấn công người khác khiến nạn nhân không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản. 

- Sử dụng lời nói hoặc cử chỉ hay hành động đe dọa xâm phạm ngay đến tính mạng, sức khỏe và làm tê liệt ngay ý chí chống cự -  phản kháng của người có tài sản. 

- Hành động một cách khẩn trương, nhanh chóng và chợp nhoáng về thời gian.

- Sau khi thực hiện hành vi, người phạm tội sẽ mau chóng rời khỏi hiện trường. Người phạm tội không cần che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của mình mà thực hiện một cách công khai, tạo bất ngờ và dứt khoát trong một thời gian rất ngắn làm cho người bị hại không kịp ứng phó.

  • Khách thể: Xâm phạm cả quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết đến thân thể, sự tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu.
  • Hình phạt: Thấp nhất là phạt tù 03 năm, cao nhất là tù chung thân.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

  • Tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
  • Giá trị tài sản: Có quy định giá trị tài sản trong cấu thành tội phạm cơ bản
  • Khách quan

- Thủ đoạn đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là không cần che giấu hành vi và thực hiện công khai hành vi và lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc các hoàn cảnh về thiên tai, hỏa hoạn để chiếm đoạt. 

- Hành vi thực hiện có tính chất công khai (hành vi chiếm đoạt tài sản không cần che giấu, hành vi đó được thực hiện trước mặt người bị hại và những người khác) lợi dụng tình trạng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chủ tài sản trong hoàn cảnh đặc biệt không có điều kiện bảo vệ tài sản (như người bị hại là trẻ em, người già yếu) để công khai chiếm đoạt tài sản của họ, hành vi xảy ra bình thường không nhanh chóng như tội cướp tài sản. Người phạm tội có thể không rời khỏi nơi thực hiện tội phạm.

  • Khách thể: Chỉ xâm phạm quan hệ sở hữu đối với tài sản
  • Hình phạt: Thấp nhất là cải tạo không giam giữ, nhiều nhất là phạt tù 20 năm

⇒ Tội trộm cắp tài sản được đánh giá là tội chiếm tỷ lệ lớn trong các tội xâm phạm quyền sở hữu các năm gần đây. Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về tội trộm cắp tài sản và phân biệt tội trộm cắp tài sản với các tội về chiếm đoạt tài sản khác.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về tội phạm cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Quy định của pháp luật về Tội hiếp dâm

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về Tội hiếp dâm
Quy định của pháp luật về Tội cưỡng dâm

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về Tội cưỡng dâm
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết