Thời Hiệu Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự Và Miễn Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự
luatapollo
Thứ Sáu, 16 Tháng Chín 2022
- 1. Khái niệm truy cứu trách nhiệm hình sự
- 2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
- 3. Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự
- 4. Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
-
5. Căn cứ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
- 1. Trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự
- 2. Trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó. Qua đó bộ luật hình sự quy định khi hết thời hạn nêu trên thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Để làm rõ hơn vấn đề này, dưới đây là những kiến thức pháp luật liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ pháp lý:
Khái niệm truy cứu trách nhiệm hình sự
Truy cứu trách nhiệm hình sự là việc áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015:
“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm sẽ được quyết định dựa vào mức độ phạm tội, tính chất gây nguy hiểm cho xã hội hay nói ngắn gọn là loại tội phạm. Hiện nay có bốn loại tội phạm nên đi kèm với nó là bốn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng:
- Thứ nhất, 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
- Thứ hai, 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng
Tội phạm nghiêm trọng được hiểu là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
- Thứ ba, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng
Tội phạm rất nghiêm trọng được định nghĩa là Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
- Thứ tư, 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Có thể hiểu tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
► Trong trường hợp nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hệ quả xảy ra là người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và tại thời điểm đó không được khởi tố vụ án đó, và bị can.
Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự
Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
- Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.( khoản 2 Điều 18)
- Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.(khoản 2 Điều 19)
- Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”.(khoản 3 Điều 19)
- Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.(Điều 20)
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự( Điều 21)
- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (Điều 22).
- Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa (Điều 23).
- Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm (khoản 1 Điều 24).
- Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm (Điều 25).
- Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự( Điều 26).
Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
- Người thực hiện hành vi phạm tội nhưng thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết.
- Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS năm 2015 nhưng bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố (Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015).
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố (bao gồm bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) rút yêu cầu thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 226 của BLHS năm 2015 thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Điều này có nghĩa người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 155 của BLTTHS năm 2015).
- Trường hợp đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Căn cứ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là việc không buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự mà đáng ra họ phải gánh chịu hậu quả pháp lý hình sự do việc thực hiện tội phạm. Do đó, tất cả những trường hợp mà Nhà nước không truy cứu trách nhiệm hình sự dù trước đó đã có hành vi phạm tội đều thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Vì vậy, đã có quan điểm rằng cần bổ sung thêm điểm c vào khoản 1 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 về miễn trách nhiệm hình sự cho “Những trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và những trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại nhưng bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm”.
Trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 quy định về:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
► Như vậy, nếu trường hợp nào thuộc vào các điểm trong khoản 1 Điều 29 vừa nêu trên thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.
Trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự
Tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
► Nếu ở khoản 1 quy định về các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự thì ở khoản 2 quy định về những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tức là trong quá trình điều tra do chuyển biến của tình hình hoặc người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo hoặc người phạm tội có biểu hiện tích cực góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Trên đây là nội dung, thông tin Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề và thắc mắc về những quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an