Phòng Vệ Chính Đáng Là Gì? Vượt Quá Giới Hạn Phòng Vệ Chính Đáng Bị Xử Lý Thế Nào?
luatapollo
Thứ Năm, 08 Tháng Mười Hai 2022
- 1. Phòng vệ chính đáng là gì?
-
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị xử lý thế nào?
- 1. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?
- 2. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
- 3. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng đôi khi rất mong manh. Nhiều người khi lỡ gây ra hậu quả rồi mới đi tìm hiểu về phòng vệ chính đáng và những quy định pháp luật liên quan. Vậy phòng vệ chính đáng là gì? Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị xử lý thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ quy định pháp luật về trường hợp này nhé!
Căn cứ pháp lý:
Phòng vệ chính đáng là gì?
Khi bị tấn công, để bảo vệ bản thân và những quyền lợi ích hợp pháp cho bản thân mình hoặc cho người khác thì việc thực hiện phòng vệ là điều đương nhiên. Tuy nhiên phòng vệ cũng có những giới hạn nhất định, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đối phương, gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước. Vậy phải hiểu phòng vệ chính đáng là gì?
Căn cứ Khoản 1, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”
Một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng phải đáp ứng được những yếu tố sau:
-
Nạn nhân phải là người đang có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và hành vi xâm phạm này phải có mức độ nguy hiểm đáng kể.
-
Thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, nhân phẩm, danh dự. Nhưng thiệt hại do người phòng vệ gây ra chỉ được là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm.
-
Hành vi chống trả phải được thực hiện một cách cần thiết. Để xác định một hành vi có phải là phòng vệ chính đáng hay không thì luôn đi kèm với cụm từ “một cách cần thiết”. Vậy như thế nào mới là cần thiết? Cần thiết ở đây thực tế không có nghĩa là đáp trả ngang bằng, mà phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm, tính chất nặng nhẹ của hành vi và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm mà là quyền của con người để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của bản thân và người khác.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị xử lý thế nào?
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?
Theo Khoản 2, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Phòng vệ chính đáng:
"Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại."
Theo đó, khi tự vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật Hình sự quy định về hai tội danh liên quan đến vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là:
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Căn cứ Điều 126, Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”
Để xác định hành vi vượt quá giới hạn của người phòng vệ bị quy vào tội giết người thì phải xác định được:
-
Mục đích của hành vi đó, nếu người phòng vệ thực hiện hành vi đó với mục đích nhắm tước đoạt tính mạng của nạn nhân thì được xác định là tội giết người.
-
Yếu tố lỗi, người phạm tội phải có mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nếu hậu quả chết người không xảy ra thì được xác định là giết người chưa đạt. Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, dẫn đến chết người thật thì được xác định là tội giết người.
-
Mức độ tấn công dồn dập, mạnh bạo, vị trí tấn công hiểm hóc dễ chết người, vũ khí sử dụng sắc bén…
⇒ Như vậy, nếu bị quy vào tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội sẽ phải chịu mức phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù tư 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp phạm tội đối với 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Căn cứ Điều 136, Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”
Để xác định hành vi vượt uqas giới hạn phòng vệ bị quy vào tội cố ý gây thương tích hay không thì phải dựa trên những điều kiện sau:
-
Mục đích của hành vi đó chỉ nhằm gây tổn hại đến thân thể nạn nhân, việc nạn nhân bị thương tật hay dẫn đến chết người nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội thì xác định là cố ý gây thương tích.
-
Yếu tố lỗi, nếu là phạm tội cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả thương tích xảy ra. Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành của mình có năng gây chết người mà bỏ mặc hậu quả xảy ra thù nếu hậu quả là nạn nhân bị thương tích thì định tội cố ý gây thương tích.
-
Mức độ, cườn độ tấn công; vị trí tác động trên cơ thể; vũ khí sử dụng… là những yếu tố quan trọng nhưng cần phải có sự xác minh của cơ quan điều tra.
⇒ Như vậy, nếu bị quy vào tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì tuỳ vào mức độ thương tích mà nạn nhân phải hứng chịu để xác định mức hình phạt hợp lý. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 - 20.000.000 vnđ hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thương tích cho 2 người trở lên mà mỗi người có tỷ lệ từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội và gây tổn thương cơ thể cho từ 2 người trở lên với tỷ lệ mỗi người trên 61% hoặc dẫn đến chết người thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về "Phòng vệ chính đáng là gì? Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị xử lý thế nào?" theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về tội phạm cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!
Apollo
Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an
Bài viết liên quan
luatapollo
Thứ Năm, 08 Tháng Mười Hai 2022
luatapollo
Thứ Năm, 08 Tháng Mười Hai 2022