Xác Định Hàng Thừa Kế Theo Pháp Luật, Người Thừa Kế Theo Pháp Luật - Luật Apollo

  1. 1. Thừa kế theo pháp luật là gì? 
  2. 2. Hàng thừa kế theo pháp luật là gì?
    1. 1. Các hàng thừa kế theo pháp luật
    2. 2. Một số trường hợp đặc biệt về người thừa kế theo pháp luật 

Hàng thừa kế là một trong những nội dung rất được quan tâm trong thừa kế theo pháp luật. Vậy Hàng thừa kế theo pháp luật là gì? Có bao nhiêu hàng thừa kế theo pháp luật? Người thừa kế theo pháp luật là những ai? 

Dưới đây là toàn bộ những kiến thức mà người thừa kế cần biết liên quan đến Hàng thừa kế theo pháp luật, đã được Luật Apollo tổng hợp và phân tích.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Nghị định 19/2011/NĐ-CP

Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP

Thừa kế theo pháp luật là gì? 

Theo quy định tại Điều 649 Bộ Luật Dân sự 2015

“Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”

Trường hợp như thế nào thì được xác định là Thừa kế pháp luật?

Trường hợp 1: Không có di chúc. Khi người chết không lập di chúc, do chết đột ngột nên không lập di chúc...

Trường hợp 2: Di chúc không hợp pháp. Đây là trường hợp người chết đã lập di chúc nhưng di chúc này không được pháp luật công nhận, vi phạm vào điều kiện chung của giao dịch dân sự theo Điều 117 và điều kiện về di chúc hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như:

  • Người lập di chúc không được minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc.
  • Người lập di chúc bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép lập di chúc.
  • Nội dung của di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo được xã hội.
  • Hình thức của di chúc trái với quy định của pháp luật hiện hành…

Trường hợp 3: Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp 4: Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định thêm về các phần di sản được áp dụng thừa kế theo pháp luật, bao gồm: 

“a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; 

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; 

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

>>> Xem thêm: Dịch Vụ Luật Sư Thừa Kế

Hàng thừa kế theo pháp luật là gì?

Có thể hiểu hàng thừa kế theo pháp luật là thứ tự ưu tiên những người có quan hệ gần gũi và có huyết thống với người để lại di sản, đặc biệt là quan hệ hôn nhân và huyết thống thì sẽ nằm ở hàng thừa kế đầu tiên tức ưu tiên được nhận di sản. 

Những người nằm trong cùng một hàng thừa kế với nhau sẽ được hưởng phần di sản như nhau.

Các hàng thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

► Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

► Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. 

► Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

➥ Như đã nêu ở trên, việc hưởng di sản thừa kế theo pháp luật sẽ được xác định theo thứ tự ưu tiên, không phải tất cả các hàng thừa kế đều đồng thời được hưởng phần di sản do người chết để lại. 

Tại khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, quy định: 

“Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối di sản”. 

➥ Nghĩa là: Tại hàng thừa kế thứ nhất, nếu sau khi người để lại di sản chết mà không còn ai ở hàng này còn sống, có đủ điều kiện nhận di sản (như bị truất quyền thừa kế) hoặc từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế thứ hai mới được nhận di sản. Tương tự với hàng thừa kế thứ ba cũng như vậy.

Lưu ý: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, không có sự phân biệt giới tính, tình trạng hôn nhân. 

ĐẶC BIỆT: THỪA KẾ THẾ VỊ

Đối với trường hợp Thừa kế thế vị sẽ có cách xác định hàng thừa kế riêng. Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Thừa kế thế vị như sau: 

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

➥ Tức là xét theo hàng thừa kế nếu người ở hàng thừa kế thứ nhất mất trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản thì phần di sản đó sẽ được chuyển cho con của người thừa kế ở hàng thứ nhất đó (nếu có).

Một số trường hợp đặc biệt về người thừa kế theo pháp luật 

Khi xét hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trên thực tế có những người thừa kế theo pháp luật ở trong những trường hợp đặc biệt như:

  • Một người có nhiều vợ

Ví dụ một trường hợp cụ thể như sau: 

Trong thời điểm 1956, một người đã kết hôn nhưng do chiến tranh, phải ra miền bắc tập kết trước ngày giải phóng và sống chung với một người khác như vợ chồng, hai người này không đăng ký kết hôn tuy nhiên vẫn được xem là hôn nhân hợp pháp (Điều 1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP). Và nếu người đó mất thì cả hai người phụ nữ kia đều là vợ hợp pháp và đều có quyền hưởng phần di sản ngang nhau. 

Như vậy, trong trường hợp một người có nhiều vợ trước thời điểm 03/01/1987 thì những người vợ đó sẽ là người thừa kế theo pháp luật tại hàng thứ nhất, và được hưởng phần di sản bằng nhau. 

  • Con nuôi không có đăng ký

Trong thực tế, việc nhận con nuôi rất phổ biến nhưng việc đăng ký con nuôi thì không phải ai cũng biết và thực hiện. Vậy nên trong một số trường hợp khi cha mẹ nuôi mất mà không để lại di sản, thì con nuôi trên thực tế nhưng không có đăng ký có thừa kế di sản theo pháp luật không?

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định về đăng ký việc nuôi con nuôi:

Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01/01/2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi, thì được đăng ký kể từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi. 

➥ Như vậy từ năm 2011 theo quy định của luật đã ra thời hạn 5 năm những trường hợp nhận con nuôi trên thực tế mà chưa đăng ký thì bổ sung đăng ký. Nên tính đến thời điểm hiện nay trường hợp con nuôi trên thực tế mà không đăng kí thì không có quyền nhận di sản thừa kế theo pháp luật do cha mẹ nuôi thực tế để lại. 

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về Hàng thừa kế theo pháp luật, người thừa kế theo pháp luật và những kiến thức pháp luật liên quan.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Thừa kế cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *