Xác Định Di Sản Thừa Kế Theo Quy Định Pháp Luật - Luật Apollo

  1. 1. Di sản thừa kế là gì? 
  2. 2. Xác định Di sản thừa kế
    1. 1. Tài sản riêng của người chết
    2. 2. Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác
  3. 3. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế

Hiện nay, rất nhiều người lựa chọn việc lập di chúc phân chia di sản để tránh đi tình trạng tranh chấp làm mất hoà khí trong gia đình về sau. Vậy thì cần phải xác định được đâu là tài sản có thể phân chia thừa kế - Di sản thừa kế. Vậy di sản thừa kế là gì? Làm thế nào để xác định di sản thừa kế? 

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Di sản thừa kế là gì? 

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Điều 612 BLDS 2015 quy định: 

“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”

Như vậy, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó. Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước bảo hộ. Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: 

“1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.

2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Tất cả tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại thừa kế theo quy định của Hiến pháp đều là di sản. 

Xác định Di sản thừa kế

Tài sản riêng của người chết

Bao gồm: 

  • Tài sản do người đó tạo ra bằng thu nhập hợp pháp như: Tiền lương, tiền được trả công lao động, tiền thưởng, tiền nhuận bút, tiền trúng thưởng xổ số,... 
  • Tài sản được tặng cho, được thừa kế, tư liệu sinh hoạt riêng : Quần áo, giường tủ, xe máy, ô tô, vô tuyến… Nhà ở, tư liệu sản xuất các loại, vốn dùng để sản xuất kinh doanh. 
  • Tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý được dùng làm đồ trang sức hoặc được dùng làm của cải để dành. 
  • Nhà ở; diện tích mà người có nhà bị cải tạo XHCN, được Nhà nước để lại cho để ở và xác định là thuộc quyền sở hữu của người đó. Nhà do được thừa kế, tặng cho, mua, trao đổi hoặc tự xây dựng được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và đã làm thủ tục sang tên, trước bạ. 
  • Vốn, cổ phần, vật tư, tư liệu sản xuất của những người sản xuất cá thể hoặc của các tư nhân được sản xuất kinh doanh hợp pháp. 
  • Tài liệu, dụng cụ máy móc của người làm công tác nghiên cứu. 
  • Cây cối của người được giao sử dụng đất trồng và hưởng lợi trên đất đó. 

Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác

  • Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm: Sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Trong thực tế có nhiều trường hợp do nhiều người cùng góp vốn để cùng sản xuất kinh doanh, nên có khối tài sản thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người (đồng sở hữu chủ của một khối tài sản). Nếu một trong các đồng sở hữu chết thì di sản thừa kế của người chết là phần tài sản thuộc sở hữu của người đó đã đóng góp trong khối tài sản chung. 

Ví dụ: Ông A góp 30 % cổ phần , ông B góp 30% cổ phần, Ông C góp 40% cổ phần để thành lập công ty. sau đó ông C chết. Thì phần tài sản thuộc sở hữu của ông D được xác định là 40% cổ phần công ty. 

  • Tài sản chung hợp nhất của vợ chồng: Khác với hình thức sở hữu chung theo phần, tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Theo Điều 213 BLDS 2015, sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

Vấn đề Tài sản chung của vợ chồng được quy định chị tiết tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Việc giải quyết tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

"Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết:

1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị toà án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản. 

2. Khi có yêu cầu chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ chồng chết hoặc bị toà án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. 

3. Trường hợp của việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự."

  • Sở hữu chung của các thành viên trong gia đình: Căn cứ theo Điều 212 BLDS 2015, di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung của các thành viên trong gia đình được quy định như sau: 

+ Tài sản của các thành viên gia đình sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan. 

+ Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là Bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thoả thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. 

+ Trường hợp không có thoả thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại điều 213 BLDS 2015. 


Quyền về tài sản do người chết để lại

Quyền về tài sản do người chết để lại là các quyền dân sự được phát sinh từ các quan hệ hợp đồng hoặc do việc bồi thường thiệt hại mà trước khi chết họ đã tham gia vào những quan hệ này (như quyền đòi nợ, đòi lại tài sản cho thuê hoặc cho mượn, chuộc lại tài sản đã thế chấp, cầm cố, yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…) 

Ngoài các quyền nói trên, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp cũng là di sản thừa kế. Chủ sở hữu quyền tác giả để lại thừa kế quyền tài sản như quyền hưởng nhuận bút và các lợi ích vật chất khác. Đối với quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là một loại tài sản có tính chất đặc thù nên những quy định về thừa kế đối với quyền sở hữu công nghiệp cũng có những nét riêng. Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ thì được bảo hộ trong thời hạn văn bằng bảo hộ có hiệu lực (văn bằng có thể được gia hạn theo quy định của pháp luật). 

Việc quy định quyền về tài sản do người chết để lại là di sản thừa kế góp phần bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường tinh thần trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. 

Ngoài ra, Đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, Nhà nước là người quản lý toàn bộ đất đai và giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Để tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức đầu tư công sức vào sản xuất Nhà nước cho phép cá nhân có năm quyền, trong đó có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Tuỳ loại đất khác nhau mà quyền thừa kế cũng được quy định khác nhau. 

Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế

Tuỳ thuộc vào từng trường hợp, vào từng loại di sản thừa kế mà người chết để lại thì các loại giấy tờ sẽ khác nhau, và sau đây là một số các loại giấy tờ thường được sử dụng: 

  • Nếu di sản là nhà ở, bất động sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND cấp, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở (bản chính kèm bản sao). Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa- hợp thức hoá do UBND quận/ huyện cấp. Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có). 
  • Giấy phép xây dựng ( nếu có). 
  • Giấy tờ về tài sản khác như: sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy xác nhận của ngân hàng mở tài khoản, giấy đăng ký xe ô tô, cổ phiếu…

>>> Xem thêm: Dịch Vụ Luật Sư Thừa Kế

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về vấn đề Xác định Di sản thừa kế theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Thừa kế cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

​​​​​​

Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *