Tư Cách Pháp Nhân Là Gì? Quy Định Pháp Luật Thế Nào? - Luật Apollo

  1. 1. Pháp nhân là gì? Thế nào là tư cách pháp nhân? 
    1. 1. Khái niệm pháp nhân
    2. 2. Khái niệm tư cách pháp nhân
  2. 2. Các điều kiện của pháp nhân
  3. 3. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân

Bên cạnh cá nhân, pháp nhân là một chủ thể quan trọng của quan hệ dân sự, tham gia vào rất nhiều các giao dịch và có đóng góp to lớn đối với nền kinh tế của đất nước. Pháp nhân là các tổ chức, tuy nhiên không phải tổ chức nào cũng có tư cách pháp nhân mà phải là các tổ chức đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định. Vậy tư cách pháp nhân là gì? Có các loại pháp nhân nào?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Tư cách pháp nhân, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Pháp nhân là gì? Thế nào là tư cách pháp nhân? 

Khái niệm pháp nhân

Khoản 1 điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa khái niệm pháp nhân mà quy định một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng các điều kiện sau:

“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”

Như vậy pháp nhân là một tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp, có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Khái niệm tư cách pháp nhân

Hiện nay, các văn bản pháp luật không có quy định khái niệm về tư cách pháp nhân, song có thể hiểu, tư cách pháp nhân là một loại tư cách pháp lý, các tổ chức được nhà nước công nhận là có tư cách pháp nhân thì sẽ có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập, tự mình tham gia vào các giao dịch dân sự và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các điều kiện của pháp nhân

- Thứ nhất, được thành lập một cách hợp pháp.

Pháp nhân được thành lập một cách hợp pháp là pháp nhân được pháp luật cho phép thành lập hoặc được pháp luật thừa nhận. Hay cụ thể hơn là pháp nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập, cho phép thành lập, cho phép đăng ký hoặc được công nhận.

- Thứ hai, phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.

Pháp nhân trước tiên là một tổ chức gồm một tập thể người được sắp xếp phù hợp với chức năng và lĩnh vực hoạt động. Và tập thể người này phải là một thể thống nhất có khả năng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của tổ chức đó đặt ra khi thành lập. Bên cạnh đó, pháp nhân cũng phải là một tổ chức độc lập với các chủ thể khác trong quan hệ dân sự, kinh tế, lao động. Trong các quan hệ này, pháp nhân tự đưa ra quyết định theo ý chí của mình mà không chịu sự chi phối của các chủ thể khác. Sự độc lập của pháp nhân còn được thể hiện ở chỗ dù có sự thay đổi thành viên của pháp nhân thì cũng không ảnh hưởng đến sự tồn tại của nó.

- Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Một chủ thể muốn tham gia quan hệ tài sản với tư cách là một chủ thể độc lập thì chủ thể đó phải có tài sản độc lập - tài sản riêng. Tài sản riêng của pháp nhân được hình thành trên cơ sở khác nhau: được nhà nước giao để thực hiện chức năng, từ nguồn đóng góp của các thành viên, từ hoạt động sản xuất kinh doanh… Nhưng dù hình thành trên cơ sở nào thì tài sản của pháp nhân cũng phải độc lập với tài sản của cá nhân hay bất cứ chủ thể nào.

Với tài sản riêng của mình, pháp nhân chịu trách nhiệm về hành vi của pháp nhân khi tham gia vào các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân như một chủ thể độc lập. Trách nhiệm của pháp nhân lúc này là trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản riêng của mình.

- Thứ tư, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể là nguyên đơn, bị đơn trước tòa án.

Một chủ thể có tư cách pháp nhân sẽ tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự như một chủ thể độc lập, bình đẳng với các chủ thể khác thì nó phải có năng lực chủ thể: năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Cũng như cá nhân, pháp nhân cũng có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của pháp nhân cùng phát sinh hoặc cùng chấm dứt ở cùng một thời điểm tương ứng với thời điểm thành lập (đăng ký) và thời điểm chấm dứt pháp nhân.

Các tổ chức không có tư cách pháp nhân

Nhóm doanh nghiệp tư nhân và tổ chức hành nghề được tổ chức, thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân

  • Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, bởi trong quá trình hoạt động không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân.
  • Các tổ chức hành nghề được tổ chức và thành lập theo hình thức doanh nghiệp tư nhân bao gồm: văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phá sản.

Nhóm chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

  • Chi nhánh của pháp nhân: chi nhánh được hiểu là một đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Chi nhánh dù được thành lập hợp pháp và có con dấu, tài khoản riêng nhưng chưa độc lập hoàn toàn về tài sản. Do vậy, chi nhánh không được coi là pháp nhân.
  • Văn phòng đại diện của pháp nhân: văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Mục đích thành lập văn phòng đại diện là nơi để quảng bá các sản phẩm của pháp nhân, nơi tiếp xúc khách hàng, giải đáp, tư vấn cho khách hàng về những dịch vụ, sản phẩm của pháp nhân.

Nhóm tổ chức là quỹ đầu tư chứng khoán, văn phòng điều hành của nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Quỹ đầu tư chứng khoán: các quỹ đầu tư chứng khoán chỉ có tài sản độc lập với tài sản của công ty quản lý quỹ và các quỹ khác do công ty quản lý.
  • Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh: khi xác lập, thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh, nếu các nhà đầu tư nước ngoài không muốn thành lập pháp nhân, pháp luật Việt Nam cho phép họ thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Các văn phòng này có con dấu riêng, được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, hộ gia đình và tổ hợp tác cũng không phải là các tổ chức có tư cách pháp nhân do không có tài sản riêng, không có sự tách bạch giữa tài sản của chủ sở hữu với hộ gia đình hay tổ hợp tác.

Có thể nói, pháp nhân là một bộ phận không thể thiếu trong các quan hệ dân sự. Việc nhận diện được và phân loại các pháp nhân đóng vai trò quan trọng để xác định được tính chất và các quyền, nghĩa vụ của pháp nhân đó.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Tư cách pháp nhân cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết