Đăng Ký Kinh Doanh - Quy Định Pháp Luật 2022 - Luật Apollo

  1. 1. Thế nào là đăng ký kinh doanh?
    1. 1. Khái niệm đăng ký kinh doanh
    2. 2. Các trường hợp không bắt buộc đăng ký kinh doanh
  2. 2. Thủ tục đăng ký kinh doanh
    1. 1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh
    2. 2. Trình tự đăng ký kinh doanh
  3. 3. Đăng ký kinh doanh qua mạng
    1. 1. Thế nào là đăng ký kinh doanh qua mạng?
    2. 2. Ưu điểm của đăng ký kinh doanh qua mạng

Cùng với quá trình hội nhập, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thị trường kinh doanh ngày một trở nên nhộn nhịp với sự tham gia của rất nhiều thành phần kinh tế. Để có thể kinh doanh một cách hợp pháp, lâu dài và ổn định, đăng ký kinh doanh là một thủ tục bắt buộc đối với các chủ thể kinh doanh. Vậy, đăng ký kinh doanh là gì? Thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành ra sao? Có thể đăng ký kinh doanh qua mạng được không?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Đăng ký kinh doanh, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Căn cứ pháp lý:

Nghị định 39/2007 về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh

Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp

Thế nào là đăng ký kinh doanh?

Khái niệm đăng ký kinh doanh

Đăng ký kinh doanh được hiểu là hoạt động pháp lý, bao gồm hành vi của chủ thể trực tiếp tiến hành hoạt động kinh doanh phải khai báo theo đúng quy định của pháp luật với các nội dung cụ thể và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kinh doanh tiến hành ghi tên vào sổ đăng ký kinh doanh, đồng thời cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chủ thể đăng ký kinh doanh.

Thông qua hoạt động đăng ký kinh doanh, các chủ thể sẽ được đảm bảo về quyền và nghĩa vụ, được xác lập một địa vị pháp lý hợp pháp để các chủ thể kinh doanh tiến hành mọi hoạt động kinh doanh chính thức trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Do đó, hoạt động đăng ký kinh doanh không chỉ áp dụng cho các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh là các doanh nghiệp mà còn áp dụng cho cả chủ thể hoạt động kinh doanh khác như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Các trường hợp không bắt buộc đăng ký kinh doanh

Theo điều 1 khoản 3 Nghị định 39/2007, các đối tượng có tiến hành hoạt động thương mại nhưng không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh được quy định như sau:

“Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là "thương nhân" theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”

Nhìn chung, các đối tượng hoạt động thương mại không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh đều là những chủ thể không có địa điểm kinh doanh cố định, quy mô buôn bán khá nhỏ lẻ, phân tán. 

Trừ những đối tượng trên, các chủ thể muốn kinh doanh sẽ phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Khi tiến hành đăng ký kinh doanh, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hình thức kinh doanh sao cho phù hợp, có thể kể đến một số hình thức như: hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp…

Thủ tục đăng ký kinh doanh

Hồ sơ đăng ký kinh doanh

Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với các hình thức kinh doanh là khác nhau, sau khi xác định được loại hình kinh doanh phù hợp, căn cứ vào quy định pháp luật, chủ thể đăng ký kinh doanh cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cho phù hợp. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với một số loại hình kinh doanh phổ biến được quy định như sau:

- Đối với hộ kinh doanh: hồ sơ đăng ký kinh kinh doanh đối với hộ kinh doanh được quy định tại điều 78 Nghị định 01/2021, bao gồm các giấy tờ:

“a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

c) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

d) Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.”

- Đối với doanh nghiệp: hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp được pháp luật quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các giấy tờ sau: (i) giấy đề nghị đăng ký kinh doanh; (ii) danh sách thành viên (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn), danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần); (iii) giấy tờ chứng thực cá nhân/tổ chức của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông sáng lập; (iv) điều lệ công ty (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần)

Trình tự đăng ký kinh doanh

- Chủ thể đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền. Ngoài hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, chủ thể có thể nộp qua mạng thông tin điện tử tại trang dịch vụ công của cơ quan nhà nước.

- Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận về việc nộp hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Sau đó, phòng đăng ký kinh doanh cần nhập đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ kinh doanh, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

- Trong vòng 03 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh) hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp).

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hay từ chối đăng ký kinh doanh thì cơ quan đăng kinh doanh cần thông báo rõ bằng văn bản cho chủ thể đăng ký kinh doanh.

Đăng ký kinh doanh qua mạng

Thế nào là đăng ký kinh doanh qua mạng?

Việc đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay không phải là một phương thức quá mới, khoản 1 điều 42 Nghị định 01/2021 giải thích về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử như sau: “Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.”

Bên cạnh doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh cũng có thể đăng ký hộ kinh doanh thông qua mạng thông tin điện tử mà không cần phải đến nộp hồ sơ trực tiếp. Thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng tương đối đơn giản, được thực hiện chủ yếu online, thời gian tiến hành cũng không quá 3 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ được gửi đi.

Ưu điểm của đăng ký kinh doanh qua mạng

So với phương thức đăng ký kinh doanh truyền thống, đăng ký kinh doanh qua mạng có một số ưu điểm sau:

  • Tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức cho chủ thể có nhu cầu đăng ký kinh doanh.
  • Chủ thể đăng ký kinh doanh được chủ động sắp xếp nộp hồ sơ tới cơ quan đăng ký kinh doanh, không phụ thuộc vào giờ làm việc hành chính.
  • Trong trường hợp doanh nghiệp thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện khác tỉnh thì đăng ký kinh doanh qua mạng là một lựa chọn tối ưu và thời gian cũng như chi phí đi lại.
  • Giúp giảm áp lực đối với bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, giúp sử dụng nhân lực một cách hiệu quả, tinh gọn bộ máy hành chính.

Nhìn chung, đăng ký kinh doanh là một thủ tục bắt buộc đối với chủ thể kinh doanh để được pháp luật thừa nhận địa vị pháp lý của mình trong nền kinh tế. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh cần chú ý thực hiện đúng các thủ tục theo pháp luật để có thể bảo đảm được quyền và lợi ích của mình.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Đăng ký kinh doanh cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

 Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết