Thành Lập Doanh Nghiệp - Quy Định Pháp Luật 2022 - Luật Apollo

  1. 1. Thế nào là thành lập doanh nghiệp?
  2. 2. Điều kiện thành lập doanh nghiệp 
    1. 1. Điều kiện về kinh tế
    2. 2. Điều kiện về pháp lý
  3. 3. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp
    1. 1. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
    2. 2. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Tự do kinh doanh hiện nay được pháp luật công nhận là quyền cơ bản của công dân. Một trong những biểu hiện đầu tiên của quyền tự do kinh doanh là quyền thành lập doanh nghiệp. Đăng ký thành lập doanh nghiệp là thủ tục bắt buộc đầu tiên để thành lập hợp pháp doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động trên thực tế. Vậy, thành lập doanh nghiệp là gì? Điều kiện để thành lập doanh nghiệp được quy định ra sao? Thành lập doanh nghiệp được tiến hành theo thủ tục như thế nào?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Thành lập doanh nghiệp, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Căn cứ pháp lý:

Luật Doanh nghiệp 2020

Thế nào là thành lập doanh nghiệp?

Thành lập doanh nghiệp là sự hình thành một doanh nghiệp mới trong nền kinh tế. Hoạt động thành lập doanh nghiệp do các chủ thể tiến hành trên cơ sở những quy định của pháp luật có liên quan về hình thức pháp lý của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, cách thức góp vốn, mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người đầu tư thành lập doanh nghiệp…

Về mặt pháp lý, thành lập doanh nghiệp là một thủ tục hành chính do các thành viên sáng lập của doanh nghiệp hoặc đại diện của họ tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan này ghi nhận sự ra đời và xác định địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh đó trên thị trường. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thành lập doanh nghiệp để kinh doanh mà không hoặc chưa đăng ký doanh nghiệp sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. 

⇒ Như vậy, khi muốn thành lập doanh nghiệp, các chủ thể ngoài việc phải chuẩn bị cơ sở vật chất cho doanh nghiệp, họ còn phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp để sự hiện diện của doanh nghiệp trong nền kinh tế được coi là hợp pháp.

Điều kiện thành lập doanh nghiệp 

Việc thành lập doanh nghiệp và đăng ký thành lập doanh nghiệp là quyền của các chủ thể, tuy nhiên để được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp thì phải đáp ứng được những điều kiện nhất định. Cụ thể như sau:

Điều kiện về kinh tế

Muốn thành lập doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị điều kiện vật chất để doanh nghiệp ra đời, như nhà xưởng, kho bãi, văn phòng, máy móc thiết bị. Công việc này sẽ do các nhà đầu tư tiến hành trên cơ sở góp vốn đầu tư dưới dạng tiền mặt, hiện vật hay tài sản khác. Tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh và khả năng tài chính của nhà đầu tư, vốn đầu tư thành lập ở mỗi doanh nghiệp có quy mô rất khác nhau.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không can thiệp vào quy mô vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp mà để các nhà đầu tư tự quyết định trong sự điều tiết của thị trường. Chỉ đối với một số ngành nghề nhất định, xét thấy cần kiểm soát điều kiện vật chất tối thiểu cho hoạt động kinh doanh diễn ra an toàn, nhà nước mới quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu cần đáp ứng để thành lập doanh nghiệp. Mức vốn này được gọi là mức vốn pháp định, theo đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp phải đảm bảo từ mức vốn pháp định trở lên. Một số ngành, nghề cần đáp ứng quy định về vốn pháp định như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, du lịch…

Điều kiện về pháp lý

- Thứ nhất, điều kiện về ngành nghề kinh doanh: ngành nghề kinh doanh là yếu tố được rà soát khi thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục bị cấm kinh doanh. Một số ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo điều 6 Luật Đầu tư 2020 có thể kể đến như: kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người…

- Thứ hai, điều kiện về tên doanh nghiệp: tên doanh nghiệp đặt đúng quy định và không trùng hay gây nhầm lẫn là điều kiện cần thiết và bắt buộc. Các quy định về tên gọi doanh nghiệp đặt ra nhằm mục tiêu dễ nhận biết sơ bộ về loại hình và đặc tính doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải hiển thị rõ loại hình doanh nghiệp, bộ phần tên riêng của doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký, hoặc lạm dụng tên tuổi của cơ quan, tổ chức khác.

- Thứ ba, điều kiện về hồ sơ, lệ phí: để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ và nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ hợp lệ là bộ hồ sơ có đủ các giấy tờ theo quy định và các giấy tờ được khai đúng và đầy đủ. Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp được thành lập, nhà đầu tư cần chuẩn bị bộ hồ sơ với các loại giấy tờ khác nhau.

- Thứ tư, điều kiện về quyền thành lập doanh nghiệp của chủ thể đầu tư vốn: chủ thể đầu tư vốn phải là tổ chức, cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020. Nhà đầu tư phải tự tiến hành rà soát đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp và đặc điểm nhân thân để xác định quyền thành lập doanh nghiệp cho mình. Nếu thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không được thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. 

- Thứ năm, điều kiện về vốn pháp định: vốn pháp định là mức vốn tối thiểu do pháp luật quy định đối với một số ngành, nghề kinh doanh, được quy định trong pháp luật chuyên ngành như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật chứng khoán, pháp luật về các tổ chức tín dụng… Đối với những ngành, nghề yêu cầu cần đủ vốn pháp định, nhà đầu tư phải bảo đảm mức vốn này từ khi thành lập và phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp là điều kiện cần để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Theo quy định của luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp được quy định đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau:

  • Đối với doanh nghiệp tư nhân: quy định tại điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần: quy định lần lượt tại các điều 20, 21 và 22 Luật Doanh nghiệp 2020.

Nhìn chung, để đăng ký thành lập doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần phải chuẩn bị hồ sơ theo mẫu thống nhất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, bao gồm các giấy tờ như: (i) giấy đề nghị đăng ký kinh doanh; (ii) danh sách thành viên (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn), danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần); (iii) giấy tờ chứng thực cá nhân/tổ chức của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông sáng lập; (iv) điều lệ công ty (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần).

Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được quy định khá rõ ràng tại điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể được tiến hành như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp: chủ thể thành lập doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực chính xác của nội dung hồ sơ. Việc nộp hồ sơ có thể thông qua 3 cách: nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp qua mạng thông tin điện tử.

Bước 2: Tiếp nhận, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cần phải xem xét, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh, từ đó ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp phải thông báo và rõ lý do bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp,

Bước 3: Công khai thông tin về doanh nghiệp được thành lập trên cổng thông tin quốc gia về công bố doanh nghiệp.

Nhìn chung, thành lập doanh nghiệp không đòi hỏi phải tuân theo một thủ tục quá phức tạp, song, để có thể tiến hành một cách nhanh chóng thủ tục này, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập doanh nghiệp cần chú ý tới các điều kiện thành lập và chuẩn bị các hồ sơ hợp lệ để bảo đảm quá trình thành lập doanh nghiệp được diễn ra một cách nhanh chóng.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Thành lập doanh nghiệp cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

 Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết