Phạt Vi Phạm Và Bồi Thường Thiệt Hại Trong Hợp Đồng Thương Mại - Luật Apollo

  1. 1. Phạt vi phạm trong Hợp đồng Thương mại
    1. 1. Phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại là gì?
    2. 2. Căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm là gì?
    3. 3. Mức phạt vi phạm được pháp luật quy định như thế nào?
    4. 4. Phương thức phạt vi phạm là gì?
  2. 2. Bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng thương mại
    1. 1. Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại là gì?
    2. 2. Áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại cần dựa trên những căn cứ nào?
    3. 3. Mức bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào?
  3. 3. Mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

Hợp đồng thương mại là một loại hợp đồng, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong khi mục đích hướng tới của hợp đồng dân sự là mục đích tiêu dùng, có thể sinh lời hoặc không, thì hợp đồng thương mại hướng tới mục đích kinh doanh thương mại và có sinh lời. Nếu một trong các bên của hợp đồng thương mại vi phạm sẽ phải chịu chế tài, trong đó có thể kể đến chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Vậy, chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được pháp luật quy định như thế nào? Có điểm gì khác biệt so với hợp đồng dân sự?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Thương mại 2005

Phạt vi phạm trong Hợp đồng Thương mại

Phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại là gì?

Căn cứ theo điều 300 Luật Thương mại 2005:

“Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”

Đây là chế tài được xây dựng với mục đích nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm và giáo dục ý thức tuân thủ các cam kết đã ghi nhận trong hợp đồng. Ngoài ra việc thực hiện chế tài này còn nhằm trừng phạt bên có hành vi vi phạm hợp đồng.

Căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm là gì?

Theo quy định tại điều 300 Luật Thương mại 2005, có thể thấy căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm bao gồm:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng.
  • Hợp đồng có thỏa thuận về phạt vi phạm.

Chế tài phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận; nếu hợp đồng không thỏa thuận, pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng đó cũng không quy định cụ thể về phạt vi phạm thì không được áp dụng chế tài này. Khi muốn áp dụng chế tài phạt vi phạm, bên bị vi phạm chỉ cần chứng minh được bên kia vi phạm pháp luật và vi phạm đó thuộc diện áp dụng chế tài phạt vi phạm theo hợp đồng thì hoàn toàn có thể yêu cầu bên vi phạm trả tiền phạt. 

Ngoài ra, thỏa thuận phạt vi phạm phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm hợp đồng đưa ra yêu cầu phạt vi phạm đối với bên vi phạm, phạt vi phạm không nhất thiết phải tồn tại trước khi có hành vi vi phạm hợp đồng mà có thể được các bên thỏa thuận sau khi hành vi vi phạm đã xảy ra. Bởi vì, chế tài phạt vi phạm hợp đồng là một loại chế tài thỏa thuận, vì vậy, ý chí của các chủ thể tham gia hợp đồng cần được pháp luật tôn trọng.

Mức phạt vi phạm được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại như sau:

“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”

Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng bán 3000 tấn hàng nông sản cho công ty B. Theo hợp đồng, công ty A sẽ giao hàng cho công ty B thành 3 đợt vào các ngày 12/8/2019, 12/9/2019 và 12/10/2019, mỗi đợt 1000 tấn. Công ty A đã thực hiện nghĩa vụ trên vào đợt 1 và đợt 2 theo đúng hợp đồng. Tuy nhiên, đến lần giao hàng thứ 3 công ty A đã không thực hiện hợp đồng. Như vậy, theo quy định tại điều 301 Luật Thương mại 2005 thì công ty B chỉ có thể yêu cầu phạt vi phạm với công ty A trên phần hợp đồng bị vi phạm là 1000 tấn chứ không phải là 3000 tấn cả hợp đồng.

Pháp luật thương mại tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về mức phạt, không ấn định một mức cụ thể mà cho phép các bên được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh thực tế. Tuy vậy, Luật Thương mại 2005 vẫn quy định một mức tối đa là 8% đối với mức phạt vi phạm. Việc quy định như vậy nhằm tránh các bên sẽ lạm dụng điều khoản phạt vi phạm mà đẩy mức phạt lên quá cao. Trường hợp thỏa thuận phạt vi phạm của các bên quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì phần giá trị vượt quá sẽ bị vô hiệu.

Phạt vi phạm hợp đồng không chỉ được quy định trong Luật Thương mại mà còn được quy định tại Bộ luật Dân sự, cụ thể tại điều 418:

“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

Trong đó, căn cứ phạt vi phạm giống nhau nhưng nếu Luật Thương mại 2005 quy định mức trần là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì Bộ luật Dân sự với tư cách là luật chung lại quy định mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, không áp dụng mức trần.

► Như vậy, có thể thấy, mức phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự có sự khác biệt. Do đó, cần phải phân biệt được rõ những quan hệ nào được Luật Dân sự điều chỉnh, quan hệ nào được Luật Thương mại điều chỉnh để có thể áp dụng một cách chính xác.

Phương thức phạt vi phạm là gì?

Có thể hiểu phương thức phạt vi phạm là cách thức mà bên vi phạm phải thực hiện phạt vi phạm cho bên bị vi phạm. Căn cứ theo tinh thần của điều 300 Luật Thương mại 2005 thì phương thức phạt vi phạm mà bên vi phạm phải thực hiện đó chính là giao tiền cho bên bị vi phạm. Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định tương tự về phương thức phạt vi phạm, đều là nộp tiền cho bên bị vi phạm. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc các bên thỏa thuận phạt vi phạm theo phương thức khác.

Bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng thương mại

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại là gì?

Khoản 1 điều 302 Luật Thương mại 2005 quy định

“Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.”

Bồi thường thiệt hại là một chế tài được áp dụng phổ biến khi có vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Chức năng chủ yếu của chế tài này là bồi hoàn, bù đắp, khôi phục những lợi ích vật chất bị thiệt hại cho bên bị vi phạm trong hợp đồng.

Áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại cần dựa trên những căn cứ nào?

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

“Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.”

Ngoài ra, khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải chứng minh các điều kiện làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Nghĩa vụ chứng minh tổn thất được quy định cụ thể tại điều 304 Luật Thương mại 2005. Đồng thời, trước khi yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết, bên bị vi phạm cũng phải có nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế tổn thất. Nghĩa vụ này được quy định cụ thể tại điều 305 Luật Thương mại 2005. Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất, bên vi phạm có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại đáng lẽ có thể hạn chế được.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định tương tự về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ hạn chế thiệt hại như Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự còn xem xét đến yếu tố lỗi. Lỗi không phải là điều kiện phải có mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng là một trong những yếu tố cần xem xét để xác định mức bồi thường và phạm vi bồi thường. Chẳng hạn, nếu người vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại nhưng không có lỗi hoặc lỗi vô ý thì có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu xảy ra thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của họ.

Mức bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 điều 302 Luật Thương mại 2005 thì giá trị bồi thường thiệt hại được xác định gồm: giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra. Tổn thất thực tế có thể bao gồm giá trị của hàng hóa bị mất hoặc hư hỏng, chi phí để sửa các lỗi của hàng hóa….Khoản lợi trực tiếp bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng trong điều kiện bình thường nếu không có hành vi vi phạm. Khoản tiền bồi thường thiệt hại sẽ không vượt quá giá trị các tổn thất mà bên yêu cầu có thể chứng minh được.

Trong khi đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần, cụ thể tại điều 361. Đây là điểm khác biệt về mức bồi thường thiệt hại giữa hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự. Bởi, Luật Thương mại chỉ ghi nhận những tổn thất thực tế có thể chứng minh được còn những tổn thất về tinh thần rất khó để có thể chứng minh.

 

Mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

Điều 307 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

“1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”

► Như vậy, theo pháp luật thương mại, để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm thì bắt buộc các bên phải có thỏa thuận về phạt vi phạm, nhưng để áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì không cần phải thỏa thuận.

Trong khi đó, Bộ luật Dân sự lại quy định về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại tại khoản 3 điều 418 như sau:

“Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”

► Dễ dàng thấy, Bộ luật Dân sự có đã thống nhất với Luật Thương mại ở điểm quy định muốn phạt vi phạm thì các bên phải có thỏa thuận nhưng lại có điểm khác ở chỗ, khi đã có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì dù có thiệt hại xảy ra cũng không được áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. 

Xem xét mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, quy định của Luật Thương mại 2005 được đánh giá cao hơn, phù hợp với ý nghĩa, mục đích của phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Nếu chế tài phạt vi phạm được áp dụng với mục đích nhằm răn đe, trừng phạt và việc có muốn thực hiện hay không phụ thuộc vào ý chí của các bên thì chế tài bồi thường thiệt hại có ý nghĩa để bù đắp những tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu, là “quy luật tự nhiên” gây thiệt hại thì phải bồi thường cho những tốn thất mình gây ra. Trong khi đó, quy định của Bộ luật Dân sự 2015 đã không phù hợp với bản chất của chế tài bồi thường thiệt, nếu chỉ áp dụng chế tài phạt vi phạm thì trong nhiều trường hợp mức phạt vi phạm sẽ không đủ khắc phục thiệt hại xảy ra cho người bị vi phạm.

► Có thể nói, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là các chế tài cực kỳ thông dụng trong hợp đồng thương mại. Quy định của pháp luật đối với hai chế tài này trong hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự tuy có nhiều điểm giống nhau, song, cũng có những điểm khác biệt cơ bản, đòi hỏi các chủ thể trong quá trình ký kết thực thi cần chú ý để tránh sai sót và bảo vệ được quyền lợi của mình.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự
Lãi Suất Trong Hợp Đồng Vay Tài Sản

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Lãi Suất Trong Hợp Đồng Vay Tài Sản
Quy Định của Pháp Luật Về Hợp Đồng Gia Công

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy Định của Pháp Luật Về Hợp Đồng Gia Công
Quy định của pháp luật về hợp đồng đặt cọc

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về hợp đồng đặt cọc
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết