Quy Định Pháp Luật Về Hợp Đồng Gia Công - Luật Apollo

  1. 1. Hợp đồng gia công là gì?
  2. 2. Việc giao, nhận sản phẩm gia công được quy định ra sao?
  3. 3. Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công
  4. 4. Trả tiền công trong hợp đồng gia công
  5. 5. Đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công
  6. 6. Một số vấn đề cần lưu ý để tránh xảy ra tranh chấp khi giao kết hợp đồng gia công

Hiện nay, hợp đồng gia công đang trở thành một loại hợp đồng rất phổ biến, nó có một số điểm giống và khác so với hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động… Vậy, hợp đồng gia công là gì? Việc giao, nhận sản phẩm gia công được quy định ra sao? Ai có trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công? Vấn đề trả tiền công được thực hiện như thế nào? Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công hay không?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Hợp đồng gia công, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Hợp đồng gia công là gì?

Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khái niệm của hợp đồng gia công như sau:

“Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.”

Hợp đồng gia công là một loại hợp đồng thông dụng, có thể được xác lập bằng miệng hoặc bằng văn bản theo sự lựa chọn của các bên. Đối tượng của hợp đồng này là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Ví dụ: hợp đồng gia công quần áo, giày dép…

Việc giao, nhận sản phẩm gia công được quy định ra sao?

Điều 549 Bộ luật Dân sự quy định về giao, nhận sản phẩm gia công như sau: “Bên nhận gia công phải giao sản phẩm và bên đặt gia công phải nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thỏa thuận.”

Việc giao, nhận sản phẩm gia công được thực hiện khi thời hạn gia công sản phẩm đã kết thúc, sản phẩm gia công được hoàn thành. Cụ thể như sau:

  • Bên gia công có nghĩa vụ giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Bên đặt gia công có quyền nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.

Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công

Theo quy định tại điều 548 Bộ luật Dân sự 2015, cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Mốc để các bên có thể căn cứ xác định trách nhiệm đó là cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, Giai đoạn trước mốc bàn giao sản phẩm thì bên nào là chủ sở hữu nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó. Tuy vậy, việc chịu rủi ro này chỉ được áp dụng khi cả hai bên đều thực hiện đúng và đầy đủ những nghĩa vụ của mình, nếu một bên nào vi phạm thì bên đó phải chịu rủi ro về những thiệt hại này. 

Ví dụ: Nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp, tuy nhiên trong quá trình gia công, bên nhận gia công lại vi phạm nghĩa vụ bảo quản nguyên vật liệu (không có nhà kho, không có đồ dùng che chắn…) dẫn đến việc nguyên vật liệu bị hư hỏng không thể đưa vào gia công được, trường hợp này bên nhận gia công phải chịu hoàn toàn rủi ro đối với thiệt hại của nguyên vật liệu và có nghĩa vụ phải thay thế các nguyên vật liệu khác để tiếp tục thực hiện hợp đồng gia công.

Bên cạnh đó, trách nhiệm đối với rủi ro khi có sự vi phạm xảy ra sẽ được xác định cho các bên như sau:

  • Nếu bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Nếu bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.

Trả tiền công trong hợp đồng gia công

Pháp luật dân sự quy định nghĩa vụ của bên đặt gia công là phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Bên đặt gia công có quyền giảm tiền công trường hợp sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, nhưng trong trường hợp việc không đảm bảo đó do lỗi chỉ dẫn không hợp lý hoặc nguyên vật liệu của bên đặt gia công thì bên đặt gia công bị mất quyền này.

Ngoài ra, luật cũng dự liệu trước trường hợp các bên không có thỏa thuận về mức tiền công thì để tránh xảy ra tranh chấp sẽ áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công

Điều 551 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.”

Có thể thấy, việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công là quyền của các bên nếu thỏa mãn quy định của pháp luật. Song, cũng có trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là nghĩa vụ, khoản 2 điều 546 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng bên nhận gia công có nghĩa cụ phải từ chối việc thực hiện gia công nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm gây nguy hại cho xã hội. Như vậy, nếu bên nhận gia công đang thực hiện hợp đồng mà phát hiện ra  việc tiếp tục thực hiện sẽ tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội thì bên nhận gia công phải từ chối thực hiện gia công.

Ngoài ra, luật cũng quy định hậu quả pháp lý đối với từng trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công. Cụ thể:

  • Nếu bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc mà bên nhận gia công đã làm cho đến thời điểm bên đặt gia công đơn phương chấm dứt.
  • Nếu bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công.

Bên cạnh đó, bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường. Việc quy định chế tài như vậy nhằm tránh việc các bên tự ý đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng một cách chủ quan, gây thiệt hại, bất lợi cho bên còn lại, làm ảnh hưởng xấu đến an toàn trật tự xã hội.

Một số vấn đề cần lưu ý để tránh xảy ra tranh chấp khi giao kết hợp đồng gia công

  • Vấn đề về số lượng, chất lượng của sản phẩm gia công: pháp luật dân sự quy định việc giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận là một trong những nghĩa vụ của bên nhận gia công. 

Song trên thực tế, do nhiều nguyên nhân (trình độ tay nghề, đạo đức kinh doanh, sự kiện bất khả kháng…) mà bên nhận gia công không đảm bảo được về số lượng cũng như chất lượng. Do vậy, hợp đồng gia công cần thỏa thuận rõ về số lượng chất lượng sản phẩm cũng như quy định trách nhiệm khi không đáp ứng được vấn đề này.

  • Vấn đề về giao nhận sản phẩm: pháp luật đã có quy định rõ về trách nhiệm chịu rủi ro của các bên trong trường hợp chậm giao, nhận sản phẩm. Tuy vậy, trong hợp đồng gia công mà các bên giao kết vẫn cần ghi nhận cụ thể về trách nhiệm của các bên khi chậm giao nhận hàng, trách nhiệm chịu rủi ro nếu có đối với hàng hóa trong trường hợp chậm giao nhận để tránh tranh chấp xảy ra.
  • Vấn đề về thanh toán: khi thỏa thuận về hợp đồng gia công, các bên cần thống nhất về nghĩa vụ thanh toán của bên đặt gia công, các vấn đề cần xem xét khi thỏa thuận về điều khoản thanh toán có thể kể đến như: cách thức thanh toán, tiến độ thanh toán, vấn đề giảm tiền công khi hàng gia công không đảm bảo, phạt hợp đồng khi chậm thanh toán…

⇒ Hợp đồng gia công là một loại hợp đồng thông dụng, có vai trò hết sức quan trọng  trong đời sống thường ngày. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn các điều luật liên quan tới loại hợp đồng này để giúp cho việc thực hiện hợp đồng gia công ngày càng có hiệu quả trên thực tế.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Hợp đồng gia công cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự
Lãi Suất Trong Hợp Đồng Vay Tài Sản

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Lãi Suất Trong Hợp Đồng Vay Tài Sản
Quy Định của Pháp Luật Về Hợp Đồng Gia Công

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy Định của Pháp Luật Về Hợp Đồng Gia Công
Quy định của pháp luật về hợp đồng đặt cọc

luatapollo

Thứ Tư, 20 Tháng Bảy 2022

Quy định của pháp luật về hợp đồng đặt cọc
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết