Người Quản Lý Di Sản Thừa Kế Cần Chú Ý Những Gì? - Luật Apollo

  1. 1. Người quản lý di sản là gì? 
  2. 2. Người quản lý di sản là những ai? 
  3. 3. Quyền và Nghĩa vụ của người quản lý di sản
    1. 1. Quyền của người quản lý di sản
    2. 2. Nghĩa vụ của người quản lý di sản

Để hạn chế việc di sản thừa kế để lại không bị mất mát, hư hỏng thì cần có người đứng ra quản lý di sản. Vậy người quản lý di sản là gì? Quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản được quy định như thế nào? 

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Người quản lý di sản là gì? 

Theo quy định tại Điều 616 BLDS 2015

“1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.”

Vậy, người quản lý di sản là người đứng ra nắm giữ, bảo đảm di sản do người chết để lại cho đến khi di sản được chia theo quy định của pháp luật. Việc chia di sản thừa kế được tiến hành sau một khoản thời gian kể từ ngày người để lại di sản chết. Vì vậy có người quản lý di sản đó để tránh sự mất mát và hư hỏng là rất cần thiết. 

Người quản lý di sản là những ai? 

Dựa vào Điều 616 BLDS 2015 xác định người quản lý di sản là: 

  • Người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Đây là trường hợp người để lại di sản lập di chúc và trong di chúc có chỉ định rõ người quản lý di sản. Trong trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc mà không chỉ định rõ người quản lý di sản cho đến lúc di sản được bàn giao cho người thừa kế thì người thừa kế có thể thỏa thuận để cử ra người quản lý di sản. 
  • Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. 
  • Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý. Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản và người thừa kế di sản cũng không thỏa thuận để cử ra được người quản lý di sản, đồng thời di sản để lại cũng không có ai đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản thì phần di sản đó được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản. 

Quyền và Nghĩa vụ của người quản lý di sản

Quyền của người quản lý di sản

Điều 618 BLDS 2015 quy định người quản lý di sản theo thỏa thuận hoặc do người lập di chúc cử ra có các quyền sau đây: 

  • Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế. Người quản lý di sản thực tế là người đại diện cho người thừa kế trong việc thu hồi, bảo quản, thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến tài sản đối với người thứ ba. 
  • Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế. Có thể thấy quy định này nhằm ghi nhận quyền được hưởng thù lao của người quản lý di sản. Khi có quyền này người quản lý di sản thì thực hiện việc quản lý một cách đầy đủ, trách nhiệm hơn, tránh làm giảm sút, hao mòn khối di sản thừa kế mà người chết để lại. 
  • Ngoài ra trong quá trình quản lý di sản, người quản lý có thể bỏ ra một khoản chi phí nhằm bảo quản di sản trong điều kiện tốt nhất có thể như mua các vật liệu che mưa, che nắng, hay bảo quản tránh hư hỏng, hao hụt hay bị tiêu huỷ do điều kiện khách quan, và theo thời gian. Nếu tài sản là hiện vật còn phải thuê kho, mặt bằng để tập kết và bảo quản tài sản. Nếu tài sản là hiện vật còn phải thuê kho, mặt bằng để tập kết và bảo quản tài sản. Nếu tài sản là những bất động sản thì cần phải xây dựng rào chắn, bảo quản nhà cửa vật nuôi, bảo quản cây trồng và những tài sản khác thuộc phần di sản cần quản lý… Vậy nên người thừa kế sẽ phải thanh toán chi phí bảo quản di sản cho người quản lý phần chi phí phát sinh cho công tác bảo quản di sản ngoài mức thù lao đã thoả thuận.  

Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây: 

  • Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế; 
  • Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế. 
  • Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

Lưu ý: Trường hợp không đạt được thỏa thuận chung về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý. Khi đó, sẽ xảy ra tranh chấp, và một trong hai bên có quyền khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tòa án sẽ căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để quyết định mức thù lao hợp lý cho từng vụ kiện. Vì mỗi trường hợp thì điều kiện cụ thể khác nhau nên trong quy định của luật không có quy định cụ thể cho nội dung này. 

Nghĩa vụ của người quản lý di sản

Điều 617 BLDS 2015 quy định người quản lý di sản thừa kế có nghĩa vụ cơ bản sau đây: 

  • Lập danh mục di sản, thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 
  • Bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố. thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản. Người quản lý di sản thừa kế không phải là chủ sở hữu nên không có quyền định đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Việc định đoạt những tài sản đó thuộc về những người thừa kế, do đó nếu muốn bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp… thì phải được tất cả những người thừa kế đồng ý bằng văn bản. 
  • Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế. Nếu có nhiều người thừa kế theo di chúc hoặc luật thì phải thông báo cho tất cả những người có quyền thừa kế để họ biết cụ thể về di sản thừa kế. 
  • Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại. vì là nghĩa vụ nên trong trường hợp người quản lý di sản có lỗi để di sản bị hao hụt, mất mát… thì phải bồi thường cho người thừa kế. 
  • Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế. 

Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của bộ luật này có nghĩa vụ sau đây: 

  • Bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác.
  • Thông báo về di sản cho người thừa kế. 
  • Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại. 
  • Giao lại tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế. 

Việc quy định nghĩa vụ của người quản lý di sản nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai về di sản đối với người thừa kế. Đồng thời cũng đảm bảo được người thừa kế có thể theo dõi, nắm rõ tình trạng phần di sản thừa kế của mình. Quy định về nghĩa vụ cũng giảm thiểu tình trạng nhiều người quản lý di sản làm quyền sử dụng di sản vào mục đích cá nhân và có những hành vi tẩu tán di sản, qua đó cũng ràng buộc nghĩa vụ pháp lý để người quản lý chủ động hơn về trách nhiệm của mình di sản mình quản lý. 

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về Hàng thừa kế theo pháp luật, người thừa kế theo pháp luật và những kiến thức pháp luật liên quan.

>>> Xem thêm: Dịch Vụ Luật Sư Thừa Kế

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Thừa kế cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *