Người Nước Ngoài Có Được Nhận Thừa Kế Tại Việt Nam? - Luật Apollo

  1. 1. Người nước ngoài có được nhận thừa kế tại Việt Nam không? 
  2. 2. Người nước ngoài có được nhận thừa kế bất động sản ở Việt Nam không?

Những quan hệ thừa kế liên quan đến yếu tố nước ngoài thường khá phức tạp, đặc biệt là trong việc xác lập quyền đối với di sản do người chết để lại. Vậy người nước ngoài có được nhận thừa kế ở Việt Nam hay không? Đối với tài sản là bất động sản thì xác lập quyền thừa kế thế nào?

Căn cứ pháp lý: 

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Đất đai 2013

Luật Nhà ở 2014

Người nước ngoài có được nhận thừa kế tại Việt Nam không? 

Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015: "Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".

Như vậy, mọi cá nhân dù là người mang quốc tịch Việt Nam hay là người nước ngoài thì đều có quyền hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài nhận di sản thừa kế tại Việt Nam là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nên sẽ phải xác định luật áp dụng. 

Theo quy định tại Điều 680 Bộ luật dân sự 2015:

"1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó."

Như vậy nếu người để lại di sản mang quốc tịch Việt Nam thời điểm ngay trước khi chết thì mọi thủ tục được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, nếu di sản thừa kế gồm bất động sản tại Việt Nam thì sẽ xác định theo pháp luật Việt Nam. 

Khi người nước ngoài được nhận thừa kế tại Việt Nam cần lưu ý trường hợp di sản là bất động sản. Nội dung này sẽ được phân tích rõ ở phần sau.

Người nước ngoài có được nhận thừa kế bất động sản ở Việt Nam không?

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 5, Luật Đất đai 2013 về Người sử dụng đất như sau:

"Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

...

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

..."

Tại Khoản 1, Điều 169, Luật Đất đai 2013 quy đinh:

"1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

...

đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;

..."

⇒ Như vậy, theo pháp luật đất đai Việt Nam hiện hành, chỉ công nhận người sử dụng đất và được nhận quyền sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam. Do vậy, nếu di sản thừa kế là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với đất thì người không mang quốc tịch Việt Nam chỉ được hưởng giá trị của tài sản đó mà không được trực tiếp sở hữu đất và nhà ở gắn liền với đất. 

Tuy nhiên còn một trường hợp mà người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định tại Điều 159, Luật Nhà ở 2014. Trong đó, quy định về hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:

"2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ."

⇒ Như vậy, người nước ngoài vẫn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức nhận thừa kế nhà ở thương mại như quy định nêu trên, có những quyền và  nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 186, Luật Đất đai 2013.

>>> Xem thêm: Dịch vụ Luật Sư Thừa Kế

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Tranh chấp di sản thừa kế cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *