Người Đã Chết Có Được Hưởng Di Sản Thừa Kế Không? - Luật Apollo

  1. 1. Xác định thời điểm chết của người được hưởng di sản thừa kế
  2. 2. Người đã chết có được hưởng di sản thừa kế không?

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người được hưởng di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Rất nhiều những thắc mắc được đặt ra xoay quanh vấn đề liệu người đã chết có được hưởng di sản thừa kế không? Để trả lời cho câu hỏi này, bài viết sau đây sẽ nêu rõ những quy định pháp luật liên quan, mời bạn đọc tham khảo!

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Xác định thời điểm chết của người được hưởng di sản thừa kế

Thời điểm chết của người được hưởng di sản được xác định theo 2 yếu tố:

  • Chết trước thời điểm mà người để lại di sản chết;
  • Chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

Trong thực thế xảy ra những trường hợp nhiều người cùng chết vì lý do nào đó như tai nạn giao thông, thiên tai, hoả hoạn... khó có thể xác định được ai là người chết trước, ai là người chết sau. Pháp luật sẽ xác định rằng những người này chết cùng thời điểm.

Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 619, Bộ luật Dân sự 2015

"Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này."

Sở dĩ, pháp luật quy định như vậy để việc chia di sản thừa kế được tiến hành bình thường và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế khác. Tuy nhiên cần chú ý đến trường hợp thừa kế thế vị, nếu những người chết có quan hệ huyết thống với nhau, đều là người thừa kế lẫn nhau đã có con hoặc cháu vẫn còn sống thì phải lưu ý để chia di sản thừa kế sao cho đúng với quy định pháp luật.

>>> Xem thêm: Thừa Kế Thế Vị Là Gì?

Người đã chết có được hưởng di sản thừa kế không?

Như đã phân tích ở trên, tuỳ theo từng trường hợp mà pháp luật có những quy định linh hoạt về việc hưởng quyền thừa kế đối với người đã chết. 

- Người được hưởng di sản (nhưng đã mất trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản) có người thừa kế thế vị thì người thừa kế thế vị sẽ được hưởng thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015:

"Thừa kế thế vị:

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."

- Người được hưởng di sản (nhưng đã mất trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản) không có người thừa kế thế vị thì phần di sản mà họ nhận được sẽ chia cho các đồng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:  

"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

Trường hợp người hưởng di sản chết sau thời điểm người để lại di sản chết. Trong trường hợp này sẽ xảy ra 2 vấn đề cụ thể như sau:

  •  Thứ nhất, nếu người được hưởng di sản đó sau khi mất đi mà để lại di chúc, trong di chúc có nội dung cụ thể việc chia phần di sản này cho những ai, bao nhiêu phần thì sẽ căn cứ vào di chúc mà người hưởng phần di sản để lại để chia phần di sản này cho những người được hưởng theo các điều khoản quy định trong di chúc.
  • Thứ hai, nếu người được hưởng di sản đó sau khi mất mà không để lại di chúc quy định về việc chia di sản ra sao? Chia cho những ai? Thì việc chia phần di sản này sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật về thừa kế theo Bộ luật dân sự 2015 để tiến hành chia phần di sản. Các thủ tục cũng như quy tắc phân chia đều tuân theo quy định của pháp luật về chia di sản thừa kế.

=> Như vậy, đối với vấn đề người đã chết có được nhận di sản hay không chúng ta không thể khẳng định ngay lập tức rằng người đã chết có thể nhận di sản thừa kế hay không? Mà phải căn cứ vào các điều khoản, các quy định cụ thể của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể để xác định người được nhận thừa kế bao gồm những ai? Được hưởng bao nhiêu phần? Thuộc vào hàng thừa kế thứ mấy? Để việc phân chia di sản thừa kế được tiến hành rõ ràng nhất và công bằng nhất giữa những người được hưởng phần di sản đó đảm bảo tính công minh của luật pháp cũng như công bằng giữa những người được hưởng di sản. 

>>> Xem thêm: Luật Sư Thừa Kế

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về Thừa kế theo quy định pháp luật. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Thừa kế cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết