Doanh Nghiệp Tư Nhân Là Gì? Quy Định Pháp Luật Thế Nào? - Luật Apollo

  1. 1. Khái niệm doanh nghiệp tư nhân 
  2. 2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
  3. 3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân
    1. 1. Quyền của doanh nghiệp tư nhân
    2. 2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân
  4. 4. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân 
    1. 1. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh
    2. 2. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
    3. 3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Với tư cách là một trong những mô hình kinh doanh được sử dụng nhiều ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân hiện có một vị trí khá quan trọng, đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế của nước ta. Đây là một loại hình kinh doanh có khá nhiều điểm khác biệt so với các loại hình kinh doanh khác như công ty hay hộ kinh doanh. Vậy, doanh nghiệp tư nhân là gì? Pháp luật quy định về loại hình doanh nghiệp này như thế nào?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Doanh nghiệp tư nhân, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Cơ sở pháp lý:

Luật Doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp

Khái niệm doanh nghiệp tư nhân 

Khoản 1 điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân như sau:

“Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”

Trước hết, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp, nó mang các tính chất đặc trưng của doanh nghiệp cơ bản, chẳng hạn như: tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Tuy vậy, doanh nghiệp tư nhân vẫn có những đặc trưng riêng, phân biệt rõ với các loại hình kinh doanh khác: không có tư cách pháp nhân, chỉ do một cá nhân làm chủ và cá nhân này phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của công ty.

Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

- Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ.

Điểm rõ nét nhất để có thể phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác là việc doanh nghiệp tư nhân được sở hữu bởi một cá nhân. Nguồn vốn ban đầu được góp vào doanh nghiệp bắt nguồn từ chính tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn này được chủ sở hữu đăng ký trong giấy đăng ký kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với thủ tục đơn giản.

- Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân

Tài sản được sử dụng vào phục vụ cho hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sang cho doanh nghiệp. Chính vì đặc điểm này mà không có sự phân định giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được điều kiện để có tư cách pháp pháp nhân theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 “Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”.

- Thứ ba, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, do tính chất độc lập về tài sản không có nên chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ phải chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trách nhiệm tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân phải gánh chịu không chỉ dừng lại ở việc góp vốn ban đầu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý kinh doanh mà phải là toàn bộ tài sản hiện có.

- Thứ tư, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán.

Về bản chất, chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Nếu cho phép doanh nghiệp tư nhân phát hành chứng khoán đồng nghĩa với việc phải có sự chia sẻ quyền, lợi ích trong việc quản lý, điều hành và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp, điều này là trái với bản chất một chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, pháp luật hiện hành hạn chế quyền phát hành tất cả các loại chứng khoán đối với doanh nghiệp tư nhân.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân

Quyền của doanh nghiệp tư nhân

  • Doanh nghiệp tư nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp tư nhân có quyền tự chủ động lựa chọn ngành nghề, địa bàn đầu tư, hình thức đầu tư, chủ động mở rộng quy mô và ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân còn có quyền chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
  • Doanh nghiệp tư nhân có quyền lựa chọn hình thức và cách thức huy động vốn.
  • Doanh nghiệp tư nhân có quyền kinh doanh xuất nhập khẩu.
  • Doanh nghiệp tư nhân có quyền tuyển, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh, tự chủ kinh doanh, chủ động áp dụng các phương pháp quản lý khoa học, hiện đại để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân trước hết phải đảm bảo việc kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ đối với nhà nước, ghi chép sổ sách kế toán theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm các quy định trong việc sử dụng lao động, chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm chính xác, trung thực trong kê khai và báo cáo, nếu phát hiện thông tin chưa chính xác thì phải sửa đổi ngay; thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh và nghĩa vụ đối với khách hàng.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân 

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh

Theo quy định tại điều 15 Nghị định 01/2021, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân là Phòng Đăng ký kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Căn cứ quy định tại điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân gồm các loại giấy tờ sau:

“1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.”

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Bước 1: Chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Tại phòng đăng ký kinh doanh, sau khi người nộp hồ sơ nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp, chuyên viên sẽ kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ và trao giấy biên nhận về việc nộp hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ: sau khi tiếp nhận hồ sơ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và tải các văn bản trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau khi được số hóa vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung thì sẽ có thông báo bằng văn bản cho chủ doanh nghiệp tư nhân trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Nhìn chung, với những đặc trưng pháp lý và thủ tục thành lập tương đối đơn giản, doanh nghiệp tư nhân là một mô hình kinh doanh tương đối phù hợp với các cá nhân có nhu cầu kinh doanh ở quy mô nhỏ và vừa.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Doanh nghiệp tư nhân cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết