Thẩm Quyền Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai - Luật Apollo

  1. 1. Quy định chung của pháp luật về tranh chấp đất đai
    1. 1. Tranh chấp đất đai là gì?
    2. 2. Tranh chấp đất đai có mấy loại?
    3. 3. Có các dạng tranh chấp đất đai nào?
  2. 2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai  
    1. 1. Thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân
    2. 2. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân

Tranh chấp đất đai là một trong những loại tranh chấp phức tạp nhất, đa dạng về loại việc, đan xen nhiều quan hệ pháp luật như thừa kế, hôn nhân gia đình, hợp đồng. Ngay từ khi phát sinh tranh chấp đất đai, phải giải quyết dứt điểm, nhanh chóng để không dẫn đến những hậu quả về sau. Khi xảy ra tranh chấp, các bên không tự thoả thuận được với nhau thì phải gửi đơn đến đâu để giải quyết? Hay nói cách khác cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai? 

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

>>> Xem thêm: Luật sư tư vấn Tranh chấp đất đai

Quy định chung của pháp luật về tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là gì?

Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013:

“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Tranh chấp đất đai có mấy loại?

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai có hai loại:

  • Tranh chấp đất đai có giấy tờ
  • Tranh chấp đất đai không có giấy tờ

Có các dạng tranh chấp đất đai nào?

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP liệt kê các dạng tranh chấp đất đai gồm: 

  • Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất
  • Tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất (tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất…)

Tựu chung lại, tranh chấp đất đai là những bất đồng, mâu thuẫn giữa các chủ thể phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai  

Tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013, Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai gồm Ủy ban nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân.

Thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân

Về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

Thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp xã

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất không có có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. 
  • Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai khi có đơn yêu cầu của đương sự. 
  • Việc hòa giải tại UBND cấp xã chỉ là điều kiện tiền tố tụng phải thực hiện trước khi khởi kiện ra Tòa án đối với các tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất.

Thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện

  • Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình, cá nhân tranh chấp mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. 
  • Kết quả giải quyết tranh chấp đất đai của UBND cấp huyện được ban hành dưới dạng Quyết định. 
  • Trường hợp không đồng ý quyết định giải quyết khiếu nại của UBND cấp huyện có thể lựa chọn khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính.

Thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong hai trường hợp:

  • Một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
  • Giải quyết đối với Quyết định giải quyết tranh chấp tranh chấp đất đai của UBND huyện nhưng một trong các bên không đồng ý có đơn khiếu nại.

Thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

  • Khác với UBND cấp huyện và cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường không đứng ra trực tiếp giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên tranh chấp. 
  • Việc giải quyết của Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ thông qua việc giải quyết khiếu nại đối với Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND cấp tỉnh khi có đơn khiếu nại.
  • Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai sẽ có hiệu lực thi hành đối với các bên, trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua UBND cấp huyện, tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra không phổ biến. Bởi sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân gây mất thời gian của các bên.

Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP

Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà trên đất không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai gắn liền với quyền sử dụng đất.

Ví dụ: 

  • Xác định ai là người có quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
  • Tranh chấp liên quan đến các giao dịch về đất, tài sản gắn liền với đất (tặng cho, thế chấp, chuyển nhượng, mua bán, chuyển đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thuê…), thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013

Tòa án có thẩm quyền giải quyết:

  • Các tranh chấp đất đai xác định ai là người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà đương sự có một trong các loại giấy tờ theo quy định Điều 100 Luật Đất đai (gồm: giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15/10/1993; giấy tờ về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất…)
  • Tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/giấy tờ về đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.

➥ Như vậy, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết hầu hết các tranh chấp đất đai. Đây cũng là cơ quan được các bên lựa chọn giải quyết nhiều nhất hiện nay. 

Tuy nhiên, Tòa án chỉ thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai nào thuộc thẩm quyền của mình được pháp luật quy định. Cụ thể, pháp luật đất đai căn cứ vào việc người sử dụng đất có hay không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có hay không có giấy tờ hợp lệ về đất đai và căn cứ theo sự tự do lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp của đương sự để phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Ngoài ra, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Lưu ý: 

Khi lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án cần xác định chính xác dạng trạng chấp. Bởi lẽ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định:

  • Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải được hòa hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất trước khi khởi kiện ra Tòa. Trường hợp nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhưng chưa hòa giải thì Tòa án không thụ lý vì chưa đủ điều kiện.
  • Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện. Thực tế, một số Tòa án vẫn ra thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện yêu cầu bổ sung Biên bản hòa giải tại UBND xã, phường; Kết quả hòa giải là chưa phù hợp quy định pháp luật. Điều này vừa mang tính hình thức, vừa không đem lại hiệu quả mà chỉ làm mất thời gian của các bên. Trong trường hợp này, người khởi kiện nên có văn bản phản hồi lại thông báo của Tòa án.

➥ Như vậy, tùy thuộc vào dạng tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp là tổ chức hay cá nhân, hộ gia đình, có hoặc không có các giấy tờ về đất để xác định chính xác cơ quan có thẩm quyền giải quyết là UBND huyện, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Tòa án. 

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và một số kiến thức pháp luật theo quy định pháp luật hiện hành. 

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Đất đai cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *