Quan Hệ Tài Sản Giữa Vợ Chồng - Luật Apollo

  1. 1. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng
    1. 1. Tài sản là gì?
    2. 2. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng
  2. 2. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
    1. 1. Tài sản chung của vợ chồng
    2. 2. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
    3. 3. Tài sản riêng của vợ chồng
    4. 4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ chồng với người thứ ba
  3. 3. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân
    1. 1. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng khi vợ chồng ly hôn
    2. 2. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

Ngày nay ai cũng dành dụm một số tiền hoặc tài sản cho riêng mình để phục vụ những dự định, kế hoạch hoặc để đề phòng ốm đau. Tùy vào các mối quan hệ mà chủ thể có thể xác lập tài sản đó thành tài sản chung, hay tách thành tài sản riêng nhưng phương thức thực hiện lại có sự khác nhau. Điển hình là quan hệ hôn nhân và gia đình nói chung và quan hệ tài sản giữa vợ chồng nói riêng. 

Vậy quan hệ tài sản, tài sản chung và riêng được thể hiện giữa vợ chồng được quy định như nào? Quan hệ tài sản trong hôn nhân và khi ly hôn hoặc một trong hai bên chết có khác nhau không? Sau đây là một vài hướng dẫn từ Luật Apollo.

Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự năm 2015

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Nghị định 126/2014/NĐ-CP Nghị định quy định một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình

Thông tư liên tịch số 01/2016

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng

Tài sản là gì?

Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định 

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Trong đó vật là thứ có thực, với tính chất là tài sản phản ánh sự chiếm hữu của con người, có thể trở thành đối tượng của giao dịch dân sự. Tiền là tư liệu trao đổi phổ biến hiện nay, trước kia tiền mang giá trị thực (bằng đồng, vàng) hiện nay tiền làm từ vật liệu mà giá trị không đáng kể (bằng giấy). Giấy tờ có giá như cổ phiếu, séc… Quyền tài sản là quyền mà có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự như quyền tác giả, tác phẩm, quyền sử hữu công nghiệp.

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là quan hệ mà chịu sự điều chỉnh của pháp luật bởi các quy phạm về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung giữa vợ và chồng.

Điều 28 Luật HNGĐ có quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46; từ Điều 59 đến Điều 64. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật HNGĐ.

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Sự tồn tại của quan hệ tài sản giữa vợ và chồng lệ thuộc vào sự tồn tại của hôn nhân. Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng không tồn tại giữa 2 người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (trừ trường hợp hôn nhân thực tế). Khối tài sản được tạo ra từ thời kỳ hôn nhân thường là khối tài sản có giá trị quan trọng nhất và cũng là nguồn đảm bảo chính đối với cuộc sống vật chất của gia đình. 

Tài sản chung của vợ chồng

Điều 33 Luật HNGĐ quy định tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (Điều 9 nghị định 126/2014 thu nhập hợp pháp khác như các khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp), trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là tài sản chung phù hợp trong bối cảnh hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là tài sản chung của vợ chồng. Nhưng khi xảy ra việc phân chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức nói trên trở thành tài sản riêng của một bên thì việc dùng tài sản chung để bảo quản tài sản riêng, duy trì hay tu sửa tài sản riêng là không hợp lý.

Thông thường, những nghĩa vụ phát sinh từ tài sản riêng, không phân biệt tài sản riêng hình thành trước hay sau khi chia tài sản chung, đều là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Tuy nhiên, nếu hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng đó là nghĩa vụ chung hay nói cách khác sẽ dùng tài sản chung của vợ chồng để thực hiện. 

Bên cạnh đó, việc chuyển hình thức sở hữu từ chung sang riêng đối với hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình có thể đe dọa đến lợi ích gia đình do một bên được toàn quyền sử dụng “nguồn sống duy nhất của gia đình” cho những mục đích cá nhân. Mặc dù khoản 2 Điều 30 Luật HNGĐ 2014 đã quy định “trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên” nhưng rõ ràng việc phải trông chờ sự đóng góp từ một phía sẽ đặt bên còn lại và cả gia đình vào tình thế bị động. 

Theo Điều 29 Thực hiện quyền của vợ chồng đối với tài sản chung thì vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Theo Điều 34 Luật HNGĐ thì trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Việc chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản chung được quy định tại Điều 35 Luật HNGĐ và quy định cụ thể ở Điều 13 Nghị định 126/2014 theo đó việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận và sự thỏa thuận phải có bằng văn bản trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;... Ngoài quyền lợi thì vợ chồng phải có những nghĩa vụ chung về tài sản tại Điều 37 Luật HNGĐ.

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân còn khá là mới đối với Việt Nam và chỉ được đưa vào quy định của pháp luật trong vài năm trở lại đây, còn đối với các nước trên thế giới ví dụ Mỹ và các nước Châu Âu thì việc chia tài sản này diễn ra khá phổ biến và không còn xa lạ nhất là đối với các nhà lãnh đạo, người đại phú hào, những tỷ phú. Đối với họ khi kết hôn thì tình cảm không phải thứ duy nhất chi phối quan hệ tài sản vợ chồng, mà cả vợ lẫn chồng đều tôn trọng việc rành rọt trong tài sản. 

Thêm nữa, đối với việc những người có điều kiện kinh tế khi yêu đương và kết hôn khó tránh khỏi bị đối phương lợi dụng, không yêu mình mà thực chất chỉ lợi dụng để chia chác tài sản trong và khi ly hôn. Việc phân rõ tài sản cũng như thỏa thuận về chế độ tài sản khiến họ cảm thấy an tâm hơn, tự tin hơn, hạnh phúc hơn đối với cuộc hôn nhân này. 

Đối với Việt Nam là một nước trọng quan hệ tình cảm không thiên quá nhiều về lý trí thì người dân còn khá xa lạ hoặc thậm chí không biết về sự tồn tại của chia tài sản trong hôn nhân, nếu có thì họ chỉ chia miệng với nhau và cũng không có sự rõ ràng trong chia tài sản nào là tài sản chung tài sản nào là tài sản riêng. Vì thế ta thấy công tác phổ biến pháp luật được Đảng và Nhà nước ta chú trọng quan tâm có vai trò ra làm sao. 

Việc chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại chỉ thay đổi hình thức sở hữu từ chung sang riêng đối với những tài sản nhất định. Những tài sản còn lại không nằm trong thỏa thuận vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Khối tài sản chung của vợ chồng luôn sinh sôi và phát triển theo nhiều chiều hướng khi hôn nhân còn tiếp tục. Việc này được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP  “Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định”.

Điều 40 luật HNGĐ và Điều 14 Nghị định 126/2014 quy định hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. 

Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Điều 39 Luật HNGĐ quy định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, không phải khi nào thỏa thuận chia tài sản chung cũng có hiệu lực mà sẽ bị vô hiệu khi rơi vào một trong các trường hợp Điều 42, khi vợ chồng muốn chấm dứt việc chia tài sản chung, muốn hợp nhất tài sản riêng đó trở lại tài sản chung thì có thể tự thỏa thuận với nhau hoặc theo quyết định của bản án (trong trường hợp tài sản chung được Tòa án chia).

Tài sản riêng của vợ chồng

Tài sản riêng được quy định tại Điều 43 Luật HNGĐ và Điều 11 Nghị định 126/2014. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 44 Luật HNGĐ quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ chồng với người thứ ba

Khoản 2 Điều 40 Luật HNGĐ 2014 khẳng định “Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.” Nghĩa là, trước khi thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vợ, chồng có quyền tài sản, nghĩa vụ tài sản như thế nào với chủ thể thứ ba khác thì sau việc phân chia, những quyền và nghĩa vụ đó vẫn giữ nguyên không thay đổi. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, giá trị pháp lý của thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của quyền, nghĩa vụ tài sản giữa vợ, chồng với bên thứ ba đã phát sinh trước thời điểm thỏa thuận phân chia có hiệu lực.

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng khi vợ chồng ly hôn

Khi ly hôn Tòa án sẽ giải quyết 3 vấn đề đó là quan hệ nhân thân (danh nghĩa vợ chồng), quan hệ con cái - cấp dưỡng và quan hệ tài sản. Nếu vợ chồng có thỏa thuận vấn đề tài sản sẽ được chia sau khi ly hôn thì mặc dù ly hôn nhưng quan hệ tài sản của vợ chồng vẫn còn tồn tại tài sản chung và tài sản riêng. Còn nếu Tòa án đã giải quyết trong vấn đề chia tài sản của vợ chồng thì khi đó giữa vợ và chồng sẽ không tồn tại tài sản chung mà chỉ còn tài sản riêng. 

Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016 quy định vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý. Khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. 

Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;  Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung... Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Khi ly hôn mặc dù đã hết tình cảm nhưng từng là vợ chồng với nhau, hai bên đều có tình có nghĩa, đó là cơ sở của chế định về cấp dưỡng. Điều 115 Luật HNGĐ quy định Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn thì khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn được quy định tại Điều 60 Luật HNGĐ.  Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.

Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

Điều 66 Luật HNGĐ quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, cụ thể: Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản. 

Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 67 Luật HN&GĐ quan hệ tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về thì trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó; Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.

Khi kết hôn cả hai người nam nữ đều mong muốn có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc với nhau trọn đời người. Ly hôn là giải pháp cuối cùng khi vợ chồng không thể hạnh phúc cùng nhau nữa, trong thực tế việc chia tài sản khi ly hôn thường khác nhau, có thể hai người thỏa thuận chia và nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên cũng có trường hợp đó là hai người không đồng ý với ý nguyện, mong muốn của người kia nên phải dẫn nhau ra Tòa và nhờ Tòa phân giải. Ta có thể thấy có khá nhiều lùm xùm xung quanh vấn đề chia tài sản bên cạnh vấn đề ly hôn và con cái trên thực tế, làm sao để đạt được mong muốn ý nguyện của mình phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về hôn nhân cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Luật Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Không Công Nhận Quan Hệ Vợ Chồng - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022

Không Công Nhận Quan Hệ Vợ Chồng - Luật Apollo
Thủ Tục Ly Hôn Thuận Tình 2022 Mới Nhất - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022

Thủ Tục Ly Hôn Thuận Tình 2022 Mới Nhất - Luật Apollo
Thẩm Quyền Giải Quyết Ly Hôn - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022

Thẩm Quyền Giải Quyết Ly Hôn - Luật Apollo
Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Cho Con Sau Ly Hôn - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022

Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Cho Con Sau Ly Hôn - Luật Apollo
Ly Hôn Khi Vợ Đang Mang Thai - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022

Ly Hôn Khi Vợ Đang Mang Thai - Luật Apollo
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết