Hủy Việc Kết Hôn Trái Pháp Luật - Ai Có Quyền Yêu Cầu? Hậu Quả Pháp Lý Ra Sao?

  1. 1. Thế nào là hủy việc kết hôn trái pháp luật?
    1. 1. Khái niệm kết hôn trái pháp luật
    2. 2. Khái niệm hủy việc kết hôn trái pháp luật
  2. 2. Quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
  3. 3. Hậu quả pháp lý khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy
    1. 1. Về quan hệ nhân thân
    2. 2. Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng
    3. 3. Về quan hệ giữa cha, mẹ và con

Hiện nay, pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân, hiện tượng kết hôn trái pháp luật ở nước ta vẫn diễn ra khá phổ biến. Để hạn chế được tình trạng này thì hủy việc kết hôn trái pháp luật là một vấn đề cần được quan tâm. Vậy, hủy việc kết hôn trái pháp luật là gì? Ai có quyền yêu cầu hủy? Hậu quả pháp lý được quy định ra sao?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Hủy việc kết hôn trái pháp luật, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Hôn nhân gia đình 2014

Thế nào là hủy việc kết hôn trái pháp luật?

Khái niệm kết hôn trái pháp luật

Theo luật Hôn nhân gia đình 2014, khoản 6 điều 3 định nghĩa việc kết hôn trái pháp luật như sau:

“Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.”

Có thể thấy, khái niệm kết hôn trái pháp luật gắn liền với khái niệm kết hôn, theo đó, bị coi là kết hôn trái pháp luật khi việc kết hôn đã được đăng ký đúng thẩm quyền nhưng vi phạm một trong các điều kiện kết hôn. Cụ thể tại thời điểm kết hôn thì người kết hôn thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Chưa đủ tuổi kết hôn
  • Không có sự tự nguyện kết hôn
  • Bị mất năng lực hành vi dân sự
  • Đang có vợ, có chồng
  • Có quan hệ cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời
  • Là cha, mẹ nuôi với con nuôi
  • Đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể; cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Khái niệm hủy việc kết hôn trái pháp luật

Hủy việc kết hôn trái với quy định của pháp luật là biện pháp xử lý có ý nghĩa như chế tài được áp dụng đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật, nhà nước không thừa nhận có quan hệ vợ chồng tồn tại trong kết hôn trái pháp luật và buộc hai bên kết hôn trái pháp luật phải chấm dứt hành vi kết hôn trái pháp luật đó, chết tài này được thực hiện bởi tòa án, theo quy định của luật Hôn nhân gia đình và pháp luật tố tụng dân sự. Ngoài ra, người kết hôn trái pháp luật còn có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi kết hôn trái pháp luật đã cấu thành tội phạm cụ thể.

Quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Điều 10 luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định các chủ thể có quyền bao gồm:

“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”

Có thể thấy, theo quy định của luật Hôn nhân gia đình 2014, không chỉ người trực tiếp kết hôn trái pháp luật mới có quyền gửi đơn tới tòa án để yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình mà các tổ chức, cá nhân khác có liên quan cũng có thể thực hiện được điều này. Đây là những cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan tới người kết hôn trái pháp luật  hoặc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích của người kết hôn trái pháp luật hay thậm chí là những cá nhân, tổ chức khác.

Hậu quả pháp lý khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy

Về bản chất, với việc đưa ra chế tài hủy việc kết hôn trái pháp luật, nhà nước xử lý các cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật và không thừa nhận quan hệ của các bên là quan hệ vợ chồng. Do vậy, mối quan hệ hôn nhân trái pháp luật bị hủy, các bên phải chịu những hậu quả không mong muốn

Về quan hệ nhân thân

Khi việc kết hôn bị tòa án hủy, hai bên nam nữ bị coi là chưa từng có quan hệ vợ chồng. Giữa các bên không có bất cứ quyền, nghĩa vụ nào của vợ chồng. Mặt khác, do việc kết hôn và chung sống của nam, nữ là trái pháp luật nên hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. 

Nếu đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn trái quy định của pháp luật, bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi này nhưng nam, nữ vẫn cố tình duy trì quan hệ sống chung như vợ chồng trái pháp luật thì họ có thể bị xử lý hình sự đối với hành vi này.

Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng

Giữa các bên kết hôn trái pháp luật không có quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Do đó, các quan hệ tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng phát sinh trong thời gian nam, nữ chung sống với nhau không được giải quyết theo các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng mà theo các quy định chung của Bộ luật Dân sự 2015. Đối với vấn đề này, luật Hôn nhân gia đình 2014 có cách giải quyết giống như đối với các quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (quy định tại điều 16 luật Hôn nhân gia đình).

Cụ thể, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp này, nếu các bên có tranh chấp về tài sản thì phải đưa ra chứng cứ về tài sản riêng, về công sức đóng góp của mình đối với tài sản chung.

Ngoài ra, luật Hôn nhân gia đình còn đưa ra quy định ngoại lệ để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và con. Cụ thể được quy định tại khoản 2 điều 16 luật Hôn nhân gia đình 2014 như sau:

“Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Về quan hệ giữa cha, mẹ và con

Theo quy định của luật Hôn nhân gia đình, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con không phụ thuộc vào quan hệ của cha, mẹ (có hôn nhân hay không, kết hôn hợp pháp hay trái pháp luật). Do đó, khi việc kết hôn bị hủy thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con khi ly hôn.

Nhìn chung, kết hôn trái quy định của pháp luật có ảnh hưởng không chỉ đến cuộc sống của các bên mà còn có tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Do vậy, đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật thì phát hiện, xử lý để hủy việc kết hôn là rất cần thiết và quan trọng.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Hủy việc kết hôn trái pháp luật cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

 Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Bài viết liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Không Công Nhận Quan Hệ Vợ Chồng - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Hai, 05 Tháng Chín 2022

Không Công Nhận Quan Hệ Vợ Chồng - Luật Apollo
Thẩm Quyền Giải Quyết Ly Hôn - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Hai, 05 Tháng Chín 2022

Thẩm Quyền Giải Quyết Ly Hôn - Luật Apollo
Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Cho Con Sau Ly Hôn - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Hai, 05 Tháng Chín 2022

Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Cho Con Sau Ly Hôn - Luật Apollo
Ly Hôn Khi Vợ Đang Mang Thai - Luật Apollo

luatapollo

Thứ Hai, 05 Tháng Chín 2022

Ly Hôn Khi Vợ Đang Mang Thai - Luật Apollo
Tiêu đề
Chỉnh sửa ảnh liên kết