Đất Rừng Là Gì? Quy Định Pháp Luật Thế Nào? - Luật Apollo

  1. 1. Đất rừng là gì? Được sử dụng vào mục đích nào?
    1. 1. Hiểu thế nào là đất rừng?
    2. 2. Mục đích sử dụng
  2. 2. Chế độ sử dụng một số loại đất rừng phổ biến
    1. 1. Đất rừng sản xuất
    2. 2. Đất rừng phòng hộ
    3. 3. Đất rừng đặc dụng

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá được nhà nước quản lý rất chặt chẽ, trong đó, đất rừng là nhóm đất đang rất được quan tâm hiện nay bởi có khá nhiều khác biệt so với các loại đất khác. Vậy, đất rừng là gì? Chế độ sử dụng đối với loại đất này được quy định như thế nào?

Dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Đất rừng, được Luật Apollo tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!

Căn cứ pháp lý:

Luật Đất đai 2013

Đất rừng là gì? Được sử dụng vào mục đích nào?

Hiểu thế nào là đất rừng?

Đất rừng là một loại đất được phân bố rộng khắp trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung phần lớn tại vùng Tây Bắc và Đông Nam Bộ. Đất này còn thường được gọi là đất lâm nghiệp, là đất đang có rừng (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) đạt tiêu chuẩn rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và đất mới được trồng rừng hoặc trồng kết hợp khoanh nuôi tự nhiên. Riêng đất đã được nhà nước giao, cho thuê để khoanh nuôi, bảo vệ nhằm phục hồi rừng bằng hình thức tự nhiên mà chưa đạt tiêu chuẩn rừng thù thuộc nhóm đất chưa sử dụng.

Mục đích sử dụng

Như đã nói ở trên, đất rừng hay còn gọi là đất lâm nghiệp, thuộc nhóm đất nông nghiệp, theo điều 10 luật Đất đai 2013 bao gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng. Mục đích sử dụng của từng loại đất cụ thể như sau:

  • Đất rừng sản xuất: là đất được sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Đất này trên cả nước hiện nay khoảng hơn 7 triệu ha, chiếm hơn 27% tổng diện tích đất nông nghiệp trên cả nước.
  • Đất rừng phòng hộ: là đất được sử dụng vào mục đích phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, chắn gió, chắn cát, chắn sóng ven biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích đất rừng phòng hộ trên cả nước hiện nay khoảng hơn 5 triệu ha, chiếm khoảng hơn 19% trong tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước.
  • Đất rừng đặc dụng: là đất được sử dụng vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm khoa học, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, vườn rừng quốc gia, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường sinh thái theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Loại đất này hiện nay có diện tích khoảng hơn 2 triệu ha, chiếm khoảng hơn 8% trên tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước.

Chế độ sử dụng một số loại đất rừng phổ biến

Hiện nay, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng là các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp theo quy định của luật đất đai. Chế độ sử dụng đối với ba loại đất này được quy định cụ thể lần lượt tại các điều 135, 136 và 137 của Luật Đất đai 2013.

Đất rừng sản xuất

Nếu đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên thì sẽ được nhà nước giao cho các tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nếu đất rừng sản xuất là rừng trồng thì nhà nước sẽ giao đất cho thuê đất theo quy định như sau:

  • Giao đất cho hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp theo hạn mức quy định của luật đất đai. Nếu hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất đối với diện tích đất rừng sản xuất vượt hạn mức đó.
  • Cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Các đối tượng nói trên được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất thì có thể sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Ngoài ra, pháp luật còn cho phép tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất có thể thể kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.

Đối với những diện tích đất rừng sản xuất tập trung ở nơi xa khu dân cư, không thể trực tiếp giao cho hộ gia đình, cá nhân được thì nhà nước sẽ giao cho tổ chức để bảo vệ, phát triển rừng và kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Đất rừng phòng hộ

Khác với rừng sản xuất, đặc trưng của rừng phòng hộ thiên về mục đích bảo vệ môi trường. Với tầm quan trọng đặc biệt đó, từng loại đất sẽ được quy định cụ thể ở từng khu vực khác nhau, có các chức năng phòng hộ đặc thù, bao gồm:

  • Đất rừng phòng hộ đầu nguồn
  • Đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay
  • Đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển
  • Đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái

Với mục đích bảo vệ môi trường, quy mô phát triển và sự đầu tư vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ là rất lớn, nhà nước giao trực tiếp đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, cho phép phát sinh quan hệ giao khoán đất rừng giữa tổ chức quản lý rừng với hộ gia đình, cá nhân tại địa phương, cụ thể như sau:

  • Tổ chức quản lý rừng phòng hộ sẽ giao khoán đất rừng phòng hộ đầu nguồn cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ và phát triển rừng. Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh sẽ giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng.
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và khả năng bảo vệ phát triển rừng, đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà khu vực đó chưa có tổ chức quản lý thì được nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng, có thể kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật.
  • Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.
  • Cộng đồng dân cư được nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ và phát triển rừng; có các quyền và nghĩa vụ phù hợp với quy định của pháp luật.

Đất rừng đặc dụng

Tương tự đất rừng phòng hộ, nhà nước trực tiếp giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, đồng thời cũng có thể kết hợp sử dụng loại đất này vào mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật. Pháp luật quy định về việc sử dụng đất này như sau:

  • Đất rừng đặc dụng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn cho hộ gia đình cá nhân chưa có điều kiện để chuyển ra khỏi khu vực đó để bảo vệ, phát triển rừng.
  • Đất rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái sẽ được tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống ổn định tại khu vực đó bảo vệ, phát triển rừng.
  • Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ quyết định giao đất, cho thuê đất vùng đệm của rừng đặc dụng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng với mục đích nghiên cứu, làm thí nghiệm về lâm nghiệp hoặc kết hợp với quốc phòng an ninh theo quy hoạch phát triển rừng ở vùng đệm; được phép kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho các tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.

Nhìn chung, đất rừng có vai trò quan trọng không chỉ với kinh tế xã hội mà còn đối với môi trường. Pháp luật đất đai hiện hành đã có những quy định khá chặt chẽ nhằm bảo vệ, phát triển và sử dụng các loại đất rừng một cách có hiệu quả.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về Đất đai cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

Công ty Luật TNHH Apollo với đội ngũ Luật sư và Chuyên viên tư vấn giỏi, tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi luôn coi việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là sứ mệnh hành nghề Luật sư của của mình, đồng hành với thân chủ giải quyết triệt để mọi rủi ro pháp lý.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

 Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *