Đất Rừng Sản Xuất Theo Quy Định Pháp Luật- Luật Apollo

  1. 1. Đất rừng sản xuất là gì?
  2. 2. Đất rừng sản xuất có được chuyển nhượng không?
  3. 3. Chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất ở được không?

Rừng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế của mỗi quốc gia. Dựa theo quy định của pháp luật đất đai thì đất đai nước ta được chia thành 3 nhóm đất chính. Mỗi nhóm đất lại được bao gồm nhiều loại đất khác nhau. Trong đó rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Vậy đất rừng sản xuất là gì? Đất rừng sản xuất có được chuyển nhượng không, chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất ở như thế nào? 

Để làm rõ hơn về vấn đề trên Luật Apollo xin đưa ra một số hướng dẫn qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

Luật Đất đai 2013

Nghị định 43/2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Đất đai

Đất rừng sản xuất là gì?

Theo điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 đất rừng sản xuất thuộc loại đất nông nghiệp được sử dụng chủ yếu vào mục đích kinh doanh sản xuất gỗ cây, lâm sản, các động vật rừng… kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng sản xuất được phân thành 2 loại:

► Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và rừng tự nhiên mà có. Theo khoản 2 Điều 54 Luật Đất đai quy định về các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp:

Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này...”

Khoản 33 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên nơi chưa có tổ chức quản lý rừng mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

=> Như vậy đối với loại đất này Nhà nước sẽ giao quyền sử dụng đất và không thu tiền cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (theo khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai 2013)

► Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư. Theo khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:

  • Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 của Luật này để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;
  • Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;

=> Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Lưu ý: Theo khoản 3 và khoản 4 Luật Đất đai 2013 thì đối với đất rừng sản xuất (cả rừng tự nhiên lẫn rừng trồng) thì Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng. Đất rừng sản xuất tập trung ở những nơi xa khu dân cư không thể giao trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Đất rừng sản xuất có được chuyển nhượng không?

Đất rừng sản xuất có được chuyển nhượng. Để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất rừng sản xuất thì phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 188 Luật Đất đai 2013

  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
  • Đất không có tranh chấp.
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
  • Trong thời hạn sử dụng đất.
  • Không quá 150 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng.
  • Không quá 300 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Ngoài các điều kiện quy định trên, người sử dụng đất khi thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất ở được không?

► Chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất ở 

Đất ở là đất mà người dân sử dụng vào mục đích để ở thông qua việc xây nhà, dựng mái, lợp tôn, xây các công trình phụ để sinh hoạt. Cần phân biệt đất ở với đất khác như đất để trồng lúa, đất nuôi trồng thủy hải sản hay đất trồng hoa màu (người sử dụng đất không ở lâu dài trên đất đấy, có chăng chỉ dựng lều để khi có con vật phá phách ngủ qua đêm để trông giữ, đất này có mục đích là để phát triển sản xuất, tạo ra thu nhập). 

Câu trả lời đối với câu hỏi đất rừng sản xuất có chuyển mục đích sang thành đất ở được không thì là có. Để chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất ở thì phải tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào nhu cầu của người sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện (Điều 52 Luật Đất đai 2013). Chủ sở hữu cần liên hệ trực tiếp phòng Tài nguyên môi trường tại địa phương để biết được mảnh đất này có được phép chuyển đổi hay không. Quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất được ghi rõ tại khoản 1 Điều 57 trong Luật đất đai 2013:

Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:...d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp...”

Như vậy khi thực hiện chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp là đất ở cần phải có sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

► Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất

Căn cứ Điều 59 Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

  • Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức.
  • Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình. Trường hợp cho cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên, thì phải có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định.

► Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất ở

Khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất ở cần tuân thủ theo quy định tại tại Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP:

Bước 1: Người sử dụng đất nộp hồ sơ bao gồm đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.

Bước 2: Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Bước 3: Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Theo Điều 61 Nghị định 43/2014 sau khi nhận hồ sơ phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành xác nhận thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu trong trường hợp được phép chuyển thì sẽ tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất và yêu cầu đóng phí không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính), không quá 25 ngày đối với các xã miền núi; hải đảo; vùng sâu -  vùng xa; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Phòng Tài nguyên và Môi trường phải có quyết định cho hộ gia đình, cá nhân sau khi họ thực hiện xong nghĩa vụ tài chính.

Trên đây là nội dung Luật Apollo giải đáp cho bạn đọc về đất rừng sản xuất. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề hay thắc mắc về đất đai cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Apollo cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên sâu, toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp, sự hài lòng của quý khách là niềm hân hạnh của Công ty chúng tôi!

Apollo

Sáng tạo giá trị - Kiến tạo Bình an

 

Để lại Bình luận

Email của bạn sẽ được giữ kín, các thông tin cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *